9h sáng, ra chơi giữa giờ, hàng trăm học trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải vẫn đứng chen nhau ở phía ngoài khu vực nhà vệ sinh.
Đã quen với cảnh này nên thầy Phong biết chuyện gì xảy ra. Gấp lại giáo án, thầy cùng các giáo viên khác, người mang ủng, người cầm xẻng, cây bơm thụt bồn cầu, gói khử mùi để bắt đầu nhiệm vụ.
"Học sinh ngày càng tăng, nhà vệ sinh của trường thiếu trầm trọng, trung bình mỗi phòng khoảng 100 em sử dụng nên ngày nào cũng tắc, buộc các thầy cô phải hỗ trợ", thầy Phong giải thích.
Tình trạng này đã diễn ra từ năm 2012, khi trường có chế độ bán trú. Là giáo viên cấp tiểu học kiêm tổ trưởng tổ bán trú, quản lý chất lượng vệ sinh cho học trò, mỗi ngày thầy phân công cho 8 thầy cô trực, giám sát, hỗ trợ các em đi vệ sinh. Mỗi ca kéo dài từ 6h30 sáng hôm nay tới 6h30 sáng hôm sau.
100% học trò của trường đều là người Mông, quen với cuộc sống ở vùng cao nên thời gian đầu, đa số đều đi vệ sinh không đúng nơi quy định, thậm chí còn dùng lá, que vứt bừa bãi gây tắc. Thầy Phong phải xử lý bằng cách đập hố, đào ra để thoát nước.
"Nhiều em đi không biết dội nước, nhắc nhẹ thì khóc lại phải dỗ dành, tuần nào các thầy cũng phải lên sân khấu, diễn kịch hướng dẫn các em đi vệ sinh, xả, vứt rác đúng chỗ", thầy giáo 49 tuổi nói.
Những ngày mưa, mùi bốc lên nồng nặc, 5-6 phòng tắc cùng lúc, thầy Phong cùng giáo viên trong ca trực phải thức đêm thay bệ, thông nắp cống để lấy đường đi vì nước dâng cao. Tắc nhẹ thì có thể dùng ống thụt nhưng tắc nặng phải tự múc chất thải cho đến lúc hết.
"Không làm ngay trong đêm thì sáng mai học trò lại phải chờ chưa kể mùi hôi bốc lên rất khổ cho các em", thầy nói.
Đến hiện tại, học sinh của trường lên tới gần 1.100 em nhưng trường chỉ có 6 phòng vệ sinh quây tôn, xuống cấp trầm trọng. Ở khu bán trú, 900 em cũng chật vật, chen chúc khi chỉ có 5 phòng cho nam, 5 phòng nữ, tất cả đều lợp tôn tạm.
Thầy Phong kể nhiều em không muốn xếp hàng chờ đợi thì phải tranh thủ dậy từ 4-5h sáng để vệ sinh. Giờ cao điểm như ra chơi hay sau bữa ăn trưa, một số phải nhịn vì quá tải, nhà vệ sinh chật kín người. Nhiều em không chịu được lại mách thầy hoặc ra ngoài giải quyết tạm.
"Giờ chỉ ước đáp ứng được 50 em một phòng vì việc nhịn đi vệ sinh cũng sẽ gây ra bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa, ảnh hưởng sức khỏe các em", thầy Phong chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, hiệu phó trường PTDTBT Tiểu học và THCS Mồ Dề, dự kiến năm học mới sẽ tăng thêm khoảng 100 em nhưng tình trạng thiếu nhà vệ sinh gây tắc nghẽn vẫn chưa được giải quyết.
"Trước mắt biện pháp tạm thời chỉ là thông tắc mỗi ngày, hầu như đêm nào thầy Phong cùng nhóm giáo viên trực cũng phải thông tắc tới rạng sáng ở khu bán trú", cô Huyền cho biết.
Không chỉ nhà vệ sinh, hiện tại nhà trường chỉ có hai phòng tắm, mỗi phòng 40 m2, lợp tôn. Gần 1.000 học sinh bán trú luân phiên nhau, mỗi ca khoảng vài chục em chen chúc đi tắm.
Hơn chục năm trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh học đường, đến nay, ngoài việc sắp xếp ca trực cho giáo viên, thầy Phong cũng phối hợp với học sinh để hoạt động hiệu quả hơn. Thầy phân công mỗi tuần sẽ có hai lớp trực, các em lớp lớn phụ trách hướng dẫn các em lớp nhỏ đi vệ sinh đúng cách từ cách dội nước, vứt rác,...
"Mong sớm thoát cảnh cả trăm học trò chen chúc một phòng, để các em được vui vẻ khi tới trường mà không ám ảnh việc đi vệ sinh", thầy Phong nói.
Trẻ em ở Mù Cang Chải, Yên Bái sẽ có điều kiện đảm bảo sức khỏe và cơ hội học tập tốt hơn khi hệ thống nhà vệ sinh được cải thiện. Quỹ Hy vọng đang thực hiện dự án "Vệ sinh học đường" tại đây, hướng tới xây 10 nhà vệ sinh mới. Để chung tay cùng quỹ, độc giả có thể tìm hiểu tại đây.
Thanh Nga