"Chúng tôi muốn cảm ơn Renault sau 12 năm cộng tác, một khoảng thời gian mà Red Bull và Renault đã cùng trải nghiệm những kỷ niệm đáng nhớ bên nhau. Dù có những lúc cả hai bên đều có những khác biệt nhưng Renault luôn làm việc không mệt mỏi và cố gắng cung cấp cho Red Bull bộ động cơ mạnh mẽ nhất có thể", Giám đốc Điều hành đội đua Red Bull F1 Christian Horner tuyên bố.
Red Bull cộng tác với Renault từ khi đội đua Áo mới chân ướt chân ráo vào làng F1 bằng việc mua lại đội đua Jaguar. Sau hai mùa giải sử dụng động cơ Cosworth và Ferrari, Red Bull bắt đầu sử dụng động cơ Renault từ mùa giải 2007 khi chứng kiến kỳ tích hai năm liền vô địch thế giới của Fernando Alonso với đội đua nước Pháp. Sự ổn định, bền bỉ của bộ động cơ Renault được cho là yếu tố hàng đầu để ban lãnh đạo Red Bull khi đó quyết định cộng tác.
Trải qua 12 mùa giải, cho đến nay Red Bull đã giành được bốn chức vô địch thế giới ở nội dung cá nhân, bốn chức VĐTG ở nội dung đồng đội và 57 chiến thắng. Tuy nhiên, kể từ khi F1 chuyển sang sử dụng động cơ Turbo, động cơ Renault không còn đủ sức để nâng cánh cho Red Bull trong quá trình cạnh tranh với hai gã khổng lồ Mercedes và Ferrari.
Không thể tiếp tục nhắm mắt nhìn hai đối thủ qua mặt, ban lãnh đạo đã nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng với sự yếu kém của hãng sản xuất nước Pháp và sớm tìm đối tác có năng lực tốt hơn. Tuy nhiên, cả Mercedes và Ferrari đều khéo léo chối từ vì không muốn "nối giáo cho giặc". Động thái này buộc Red Bull phải chuyển hướng sang nhà sản xuất động cơ còn lại là Honda.
Cùng lúc đó, Honda chỉ mới chập chững trở lại làng F1 kể từ mùa giải 2015 và liên tục bị McLaren chỉ trích vì sự yếu kém. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lúc đó cho rằng phong độ suy giảm của McLaren cũng có lỗi lớn từ bộ phận phát triển khí động học của đội đua nước Anh. Cả hai đã chia tay từ cuối mùa giải 2017.
Thực tế ở mùa giải năm nay cho thấy, dù McLaren tuyên bố là họ có hệ thống khung xe và khí động vào loại tốt nhất làng F1.Nhưng khi cùng sử dụng động cơ Renault, thành tích của chiếc MCL-33 chậm hơn chiếc RB14 của Red Bull tầm một giây mỗi vòng đua. Kết quả này giúp Red Bull hiểu rõ sức mạnh của động cơ Honda không hề tồi tệ như McLaren quy kết ở các mùa giải trước.
Dù đặt niềm tin vào sự cam kết của Honda, Red Bull buộc phải thử nghiệm trước bằng việc để đội đua anh em Toro Rosso sử dụng động cơ của nhà sản xuất Nhật Bản từ đầu mùa giải 2018. Chứng kiến, Toro Rosso với hai tay đua măng non Pierre Gastly và Brendon Hartley, tiến bộ ở mùa này khi sử dụng động cơ Honda, Red Bull quyết định sớm chốt hợp đồng sử dụng động cơ của nhà sản xuất Nhật Bản cho mùa giải tới.
Khi cả Renault lẫn Honda đều tung ra các gói nâng cấp lớn ở Grand Prix Canada vừa qua, thực tế trên đường đua cho thấy sức mạnh của hai bộ động cơ hiện đã tương đương nhau. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự thiếu ổn định của động cơ Renault, Red Bull hiểu rằng việc cộng tác với Honda, động cơ được đánh giá ổn định và trên đà phát triển sau nhiều năm o ép của các "ma cũ" trong làng F1 là một cú đặt cược tin cậy và dài hạn hơn là việc tiếp tục gắn bó với Renault.
Ở mùa giải 2018, Red Bull gặp thiệt hại khi bộ động cơ Renault liên tục hỏng hóc. Trong các chặng đua sắp tới, nhiều khả năng hai tay đua của Red Bull sẽ bị phạt vì thay linh kiện động cơ quá hạn mức cho phép. Mặt khác, việc Renault vẫn chưa thể cung cấp bộ MGU-K (bộ phần thu hồi năng lượng từ trục sau) mới thay cho thiết kế cũ đã được sử dụng từ mùa giải 2016 khiến Red Bull không hài lòng. Đối với một đội đua giàu tham vọng như Red Bull, sự yếu kém của động cơ Renault khiến họ không thể ngồi im.
"Chúng tôi rất ấn tượng với cam kết của Honda. Chứng kiến tiến bộ nhanh chóng mà họ đã thực hiện trong thời gian gần đây với Toro Rosso, chúng tôi nhận thấy năng lực và tham vọng của Honda phù hợp với nhu cầu của Red Bull. Chúng tôi mong được làm việc với Honda trong những năm tới và phát triển cùng nhau trong việc theo đuổi các giải thưởng lớn nhất của F1", Horner nói thêm về quyết định hợp tác với Honda từ mùa sau.
Hợp đồng cung cấp động chơ cho Red Bull sẽ khiến Honda lần đầu cùng một lúc phải hỗ trợ cho hai đội đua kể từ sau mùa giải 2008 - thời điểm hai đội đua Super Aguri và Honda cùng sử dụng động cơ của nhà sản xuất Nhật Bản.
Đây là một thách thức lớn đối với Honda, nhưng ông Takahiro Hachigo, chủ tịch của Honda Motor cho biết rất lạc quan. Ông lý giải: "Có hai đội có nghĩa là chúng tôi phải làm việc gấp đôi, nhưng lại có thể thu được gấp đôi số liệu so với trước. Honda tin rằng làm việc với cả Toro Rosso lẫn Red Bull sẽ cho phép chúng tôi sẽ tiến gần và nhanh hơn tới mục tiêu chiến thắng từng chặng, cũng như cả mùa giải, xây dựng hai quan hệ đối tác mạnh mẽ. Hợp đồng được ký kết rất nhanh nhờ thái độ cởi mở, hợp tác và đây tôn trọng của Red Bull dành cho Honda. Điều này giúp cả hai có được một thỏa thuận công bằng và có lợi cho cả hai bên".
Bản hợp đồng giữa Red Bull và Honda có thời hạn hai năm, nhưng Red Bull khẳng định cả hai bên nhất trí sẽ cộng tác lâu dài hơn thế. "Thỏa thuận nhiều năm này với Honda báo hiệu sự khởi đầu của một giai đoạn mới thú vị trong nỗ lực của Aston Martin Red Bull Racing để không chỉ giành chiến thắng chặng mà còn vì mục tiêu vô địch cả mùa giải của chúng tôi, Horner nói thêm.
"Chúng tôi tin thỏa thuận này sẽ cho phép chúng tôi cạnh tranh ở cấp độ cao hơn. Sau khi xem xét và đánh giá cẩn thận, chúng tôi chắc chắn quan hệ đối tác này với Honda là hướng đi đúng đắn cho đội đua", nhà quản lý Red Bull F1 nhấn mạnh.
Dù sớm nói lời chia tay với Renault, Red Bull mong muốn đối tác tiếp tục hỗ trợ hết sức trong phần còn lại của mùa giải. Horner chia sẻ: "Chúng tôi muốn cảm ơn đội Renault, và đặc biệt là những kỹ sư và thợ máy đang cộng tác và hỗ trợ chúng tôi ở mọi cuộc đua. Với cam kết không ngừng nghỉ của họ, chúng tôi mong muốn kết thúc quan hệ đối tác của chúng tôi trên đỉnh cao cho đến cuối mùa giải này. Chúng tôi hy vọng cả hai sẽ tiếp tục phối hợp tốt và tập trung cho kết quả cao nhất trong phần còn lại của mùa giải".
Minh Phương