Sáng 3/11 Báo cáo: "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam" và "Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" được Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố. Các phân tích trong báo cáo cho thấy, tăng cường hấp thụ, phổ biến công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam.
Theo đó, trong Báo cáo "Khoa học,công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam", các chuyên gia WB và Việt Nam tập trung phân tích những thay đổi cụ thể về chính sách và đề xuất các phương án thể chế để tăng cường ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Báo cáo nghiên cứu khung phát triển và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại, phân tích những điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp đổi mới và đề xuất lộ trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo.
Các thông tin này có ý nghĩa quan trọng, là thông tin đầu vào hỗ trợ xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030.
Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ - không chỉ là nghiên cứu và phát triển - có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây chính là điểm mà các can thiệp chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn nhất.
Trong Báo cáo "Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" cung cấp bộ dữ liệu về công nghệ (với trên 4.5 triệu biểu ghi) trong tổng thể số liệu về kinh tế - xã hội của Việt Nam cả giai đoạn 2001-2019. Các dữ liệu này được tổng hợp, phân loại đồng bộ, thống nhất, sử dụng các mô hình toán kinh tế tiên tiến để bước đầu định lượng được đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, cũng như cơ chế khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động vào nền kinh tế của Việt Nam.
Những kết quả của dự án này có thể là nguồn dữ liệu tham khảo quan trọng cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó các yếu tố về hiệu quả và tính sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng, vượt qua các yếu tố cơ bản là vốn và lao động giá rẻ.
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa vượt qua thách thức
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, các báo cáo được công bố hôm nay là thành quả của sự hợp tác trong hơn 3 năm qua của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045", Bộ trưởng nói và đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới trong các nỗ lực này và mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng chỉ ra thực tế về sự phát triển của các nền kinh tế Đông Á trong thập kỷ qua rất đáng chú ý khi giúp hàng triệu người thoát nghèo. Tuy nhiên bà cho rằng, các thách thức về xung đột toàn cầu, đại dịch Covid-19 và tăng trưởng năng suất toàn cầu chậm lại khiến khu vực khó bắt kịp, đây cũng là vấn đề của Việt Nam. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tính tổn thương, đại dịch đảo ngược kết quả giảm nghèo cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với phát triển kinh tế cũng như quá trình số hóa.
Bà cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy việc áp dụng công nghệ mang lại kết quả tốt về mặt kinh tế và cách tư duy giúp xây dựng khung chính sách, gắn kết nguồn lực. "Báo cáo là cơ sở để các nhà chính sách sử dụng hoạch định về chiến lược, là đóng góp khoa học, phù hợp với các lĩnh vực chính", bà nói và cho rằng, Việt Nam có thể nâng cao năng lực doanh nghiệp, thúc đẩy hấp thụ công nghệ mới, tăng cường khả năng tiếp cận.
"Đổi mới sáng tạo trở thành chìa khóa để vượt qua các thách thức hiện có, là chiến lược đột biến cho đổi mới sáng tạo Việt Nam", giám đốc WB tại Việt Nam nói.
Phát biểu tại lễ công bố, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, Austrailia đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua nhất là đại dịch Covid-19 cũng như hoạch định các chính sách dựa trên các bằng chứng về các báo cáo Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam. "Chúng tôi có niềm tin chung rằng, đổi mới và công nghệ là yếu tố thúc đẩy kinh tế và nhiều lĩnh vực. Chúng tôi cam kết đẩy mạnh điểm mốc trong hợp tác với đối tác Việt Nam để có thể đẩy mạnh hợp tác sáng tạo", bà nói.
Theo bà Robyn Mudie, đây là cơ hội quan trọng thảo luận báo cáo, đưa ra quan điểm trong bối cảnh đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy chia sẻ kiến thức, đưa ra giải pháp dịch chuyển kinh tế tại Việt Nam. Báo cáo với những sáng kiến, trao đổi chính sách thực hiện bởi các chuyên gia giúp đưa ra khuyến nghị về nền kinh tế trong tương lai, để phát triển hai mô hình kinh tế hiện đại để lượng hóa đóng góp tiến bộ khoa học công nghệ tới tăng trưởng kinh tế.
Các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo Việt Nam 2035 cũng là cơ sở phân tích, định hướng chính sách kinh tế xã hội Việt Nam trong thời gian tới. "Chúng tôi hy vọng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tận dụng tốt báo cáo và hai mô hình để phát triển các chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới", bà Robyn Mudie nói.
Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư mạo hiểm
Sự cần thiết của mô hình tăng trưởng theo định hướng đổi mới sáng tạo cũng là nội dung trong phần trình bày của ông Marcin Piatkowski và Kurt Larsen, hai chuyên gia từ WB. Theo ông Marcin, những thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 khiến một số lượng lớn doanh nghiệp có nguy cơ phá sản và nhiều người lao động mất việc làm. Bối cảnh đại dịch khiến nhu cầu đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của doanh nghiệp.
Báo cáo chỉ ra, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ đặc biệt là làn sóng mới về số hoá, tự động hóa, và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tinh vi sẽ định hình lại chiến lược định hướng xuất khẩu dựa trên thâm dụng lao động với chi phí thấp của Việt Nam. Các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty "siêu ứng dụng" mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn. "Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm", báo cáo viết.
Báo cáo còn phân tích các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới. Trong đó, chỉ ra phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 20% hoạt động xuất khẩu còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh. "Kết quả khảo sát về áp dụng công nghệ cho thấy, chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung (GBF) tại Việt Nam", ông Marcin Piatkowski cho biết.
Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của nguồn nhân lực cả về mặt chất lượng và số lượng cũng sẽ là yếu tố quan trọng để khai thác được sức mạnh toàn diện của đổi mới sáng tạo. Về phần này ông Kurt Larsen nhấn mạnh Việt Nam cần nỗ lực tăng tỷ lệ nhập học đại học, giúp đẩy mạnh trình độ năng lực trình độ lao động. Ông đưa ra đề xuất chiến lược đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo, cung cấp hệ thống văn bằng minh bạch và kỹ năng cảm xúc xã hội (giải quyết vấn đề sáng tạo, teamwork...).
Những kết quả nghiên cứu và khuyến nghị này nhất quán với nội dung của một báo cáo "Đổi mới sáng tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Nam Á – Yêu cầu cấp thiết" cũng được Ngân hàng Thế giới công bố tại sự kiện này. Trong đó khu vực Đông Nam Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến về quy mô và sử dụng công nghệ mới. Một khảo sát cho thấy việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bán lẻ và nông nghiệp vẫn còn hạn chế tại Việt Nam.
Dẫn báo cáo, ông Andrew D. Mason (chuyên gia WB) chỉ ra một số thành công quan trọng, trong đó nhắc tới hiện tượng thành tựu của các "kỳ lân" đáng chú ý ở thương mại điện tử, fintech (công nghệ tài chính kỹ thuật số), dịch vụ gọi xe ở Đông Nam Á, công nghệ đa quốc gia Trung Quốc Alibaba... Song chỉ ra rằng các dữ liệu cho thấy hầu hết các quốc gia trong khu vực đạt mức thấp hơn mức kỳ vọng ở cả hai chỉ số chính về đổi mới sáng tạo là khía cạnh phổ biến (áp dụng các công nghệ hiện có) và khám phá (sự phát minh ra các sản phẩm, quy trình và công nghệ mới).
"Riêng ở khía cạnh bằng sáng chế, các quốc gia khu vực Đông Á cũng đạt ít hơn mức kỳ vọng. Chỉ có Việt Nam, Malaysia và Mông Cổ đạt mức bằng hoặc gần bằng mức kỳ vọng", ông nói.
Khoa học công nghệ đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng tại Việt Nam
Báo cáo "Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" trong khuôn khổ dự án Aus4Innovation đã xác định rõ tác động, định lượng vai trò của khoa học, đổi mới công nghệ. Khi sử dụng các mô hình vào cơ sở dữ liệu mở rộng về đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã cho thấy đổi mới công nghệ đã đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.
Những đóng góp của khoa học công nghệ được minh chứng thêm trong phiên thảo luận. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng, không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp mà phải tìm bước đi phù hợp với năng lực và trình độ của mỗi doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ giúp họ đạt được các thành tựu lẫn giải thưởng. Theo đó, ngay từ năm 2009, Rạng Đông chú trong sự liên kết hợp tác và đầu tư, trong đó xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu (ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số).
Bà Phạm Hiền, dự án Data61- CSIRO, đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Australia. Bà cho biết, Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc áp dụng khoa học công nghệ, thấy sự khác biệt giữa các ngành nghề khác nhau đã và đang tận dụng kết quả của khoa học công nghệ. Thông qua các nghiên cứu gần đây, bà Hiền cho rằng nhiều ngành tại Việt Nam có phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ như ngành năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió, quản lý điện lực). Đặc biệt ngành dược trở thành lĩnh vực nổi trội trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm mới. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn đầu áp dụng đổi mới công nghệ, thể hiện tỷ trọng SCI đang ngày càng tăng. Trước đây 5 năm tỷ trọng này mới ở 5% nhưng đã tăng đáng kể lên tới 20% hiện nay. Đặc biệt Việt Nam đang có những chủ thể "chơi lớn" - năng động, có đầu tư lớn, cũng như sẵn sàng phát triển ứng dụng công nghệ mới trên thị trường.
Nhấn mạnh về mạng lưới kết nối viện, trường trong việc tham gia quá trình đổi mới công nghệ, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết việc hợp tác giúp đưa kết các nghiên cứu "đúng và trúng vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm". Ông cho rằng cần phải có định hướng dài hạn giúp các doanh nghiệp nhận ra các yêu cầu như vấn đề chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và cần tìm cách đưa nghiên cứu ra chào hàng với doanh nghiệp. "Cái đích cuối cùng của việc nghiên cứu vẫn là được ứng dụng trong thực tiễn kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực trẻ", ông Thắng nói.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, báo cáo cho thấy bức tranh khách quan, chân thực cho thấy điểm mạnh điểm yếu, chỉ ra một số vấn đề trong đổi mới sáng tạo có sự mất cân đối phát triển tạo ra tri thức và hấp thụ tại doanh nghiệp.
Nhìn từ báo cáo nước đang phát triển Đông Á chỉ rõ, đầu tư khoa học công nghệ chưa đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế, Việt Nam cũng nằm trong nhóm này.
Thứ trưởng Duy chỉ ra một thực tế các doanh nghiệp sản xuất vẫn là sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0.
Ý kiến này đồng nhất với nội dung báo cáo của WB về đổi mới sáng tạo, trong đó chỉ ra số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít. "Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0. Chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại", báo cáo viết.
Theo đó Thứ trưởng Duy cho rằng, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp để dám đổi mới cho công nghệ để phát triển bền vững hơn. Thực tế các doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt trong đại dịch thời gian qua là minh chứng rõ nhất việc đầu tư đổi mới sáng tạo.
Theo các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng cả về phương diện kinh tế và công nghệ trong những năm gần đây. Các phân tích cũng cho thấy vai trò của người lãnh đạo cùng với thể chế mạnh sẽ là chìa khóa để Việt Nam tận dụng cơ hội và tháo gỡ các nút thắt để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Xem diễn biến chính