Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa và Công nghệ) tổ chức chiều 22/10, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, năng lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được cải thiện.
Ông cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và "thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nói.
Các chuyên gia đến từ Tổ chức năng suất châu Á (APO) chia sẻ tại hội nghị các giải pháp để tăng năng suất, trong đó có đi tắt đón đầu thông minh thông qua đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý. Cần tập trung mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới. Các quốc gia, nền kinh tế cũng cần tạo môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tại Việt Nam đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược thúc đẩy năng suất của Việt Nam. Trong đó tại Nghị quyết 01 và Chỉ thị 07 của Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với APO xây dựng và triển khai Kế hoạch Tổng thể phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, xây dựng đề án Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo để trình APO phê duyệt trong năm 2021.
Việt Hà