Trong hơn một năm đại dịch Covid-19 hoành hành, sự xáo trộn diễn ra không chỉ trong cuộc sống hàng ngày, mà còn là sự vận hành của những hoạt động kinh doanh. Đại dịch tạo ra vách ngăn "vô hình" giữa các nước, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng lớn, các hoạt động thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp còn bị "nhỡ" các kế hoạch lớn liên quan đến đối tác nước ngoài, đặc biệt với những bên phụ thuộc vào công nghệ ngoại.
Nhưng điều này lại tạo cơ hội cho sự vươn lên của những giải pháp công nghệ nội. Bằng chứng là những doanh nghiệp công nghệ đã ghi nhận một năm "vượt sóng" Covid-19.
Tại phiên họp thường niên năm 2020, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nói rằng, bối cảnh khó khăn hiện nay, với thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19, các hệ thống trật tự cũ bị phá vỡ, đã tạo ra "thời thế" cho FPT.
"Thời thế" xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, khiến các doanh nghiệp phải tính toán chi phí thận trọng hơn, tức "Do more, with less". Nếu như trước, những hợp đồng lớn thường rơi vào tay các đối tác ngoại tầm cỡ, thì nay những giải pháp công nghệ từ các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội được "thử sức".
Ở thị trường nước ngoài, FPT năm 2020 đã giành được ba hợp đồng trên 100 triệu USD, điều chưa từng xuất hiện trước khi đại dịch xảy ra. "Trong quá khứ, họ không muốn giao những hợp đồng to như vậy cho Việt Nam, cho FPT, nhưng hiện nay đã chứng minh điều này là có thể", ông Bình nói.
Ở thị trường trong nước, FPT nhận được những hợp đồng mà nếu không có đại dịch, sẽ rơi vào tay các đối tác ngoại. Hai nhà băng trong top 5 thị trường cùng triển khai hệ thống công nghệ cho mảng bán buôn trong năm ngoái. Nhưng chỉ có một ngân hàng vận hành trơn tru vì họ chọn đối tác trong nước, là FPT. Ngân hàng còn lại đang "kẹt" vì các cam kết với chuyên gia, đối tác ngoại chưa thực hiện được vì vướng Covid-19.
"Một lý do đơn giản là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hỗ trợ tốt hơn trong đại dịch, với đội ngũ chuyên gia luôn sẵn sàng", ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS), nhận xét.
Hay như Appota, vượt qua năm 2020 không phải là sự may mắn. Covid-19 lần đầu xuất hiện từng khiến mọi chiến lược hoạt động, kế hoạch bất ngờ đổi hướng. Giai đoạn đầu, mọi thứ có thể vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng, là sự gián đoạn việc cung ứng chuỗi nội dung giải trí ra thị trường, việc hợp tác với các công ty nước ngoài bị đình trệ, sức chi trả của khách hàng cũng giảm dần theo thời gian.
Để vượt qua khó khăn, họ phát triển một giải pháp để thực hiện được 3 mục tiêu: Sử dụng công nghệ để thực hiện và giám sát công việc; kiểm soát hoạt động theo dự án - lấy leader làm trung tâm; triển khai các hoạt động truyền thông nội bộ để giữ lửa nhiệt tình nhân viên. Không chỉ dùng cho nội bộ, họ mang đi bán và có được 1.500 khách hàng.
Chính lợi thế "sân nhà", với sự sẵn sàng của các nhân sự trình độ không thua kém các đối thủ nước ngoài, theo các chuyên gia, là nguyên nhân để ngành công nghệ "vượt khó" trong năm đầu Covid-19.
Như FPT, doanh thu hợp đồng ký mới năm 2020 tăng 23%, tăng mạnh trong hai quý cuối năm. Trong đó số lượng khách quy mô 500.000 USD tăng 19%, khách hàng 1 triệu USD tăng 8%. Tổng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin trong năm 2020 đạt trên 16.800 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019.
Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ. Tập đoàn tiếp tục tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số toàn diện, đồng thời, chú trọng phát triển các giải pháp Made by FPT, có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong sự kiện cuối năm 2020 cho biết, sau một năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam ra đời, tăng đến 28%, đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đất nước lên trên 58.000. Con số này là "kỷ lục".
Các doanh nghiệp sẽ không được lập ồ ạt nếu như thị trường không tăng trưởng, những người chủ doanh nghiệp không nhìn thấy cơ hội. Cơ hội trong trường hợp này là sự nổi lên của các "giải pháp nội" trong năm Covid-19.
Báo cáo của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, Covid-19 là đòn bẩy đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi số, quá khứ cũng cho thấy các đợt khủng hoảng lại là cơ hội để ngành công nghệ phát triển (ví dụ: khủng hoảng 2YK). Theo Market Data Forecast, thị trường chuyển đổi số toàn cầu dự kiến tăng trưởng 16% mỗi năm so với mức tăng trưởng chung 4% của ngành IT.
Nhóm phân tích cho rằng, chính dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi khách hàng trong việc đầu tư công nghệ, tăng nhu cầu với việc tối ưu hóa chi phí, tối ưu hệ thống vận hành khi hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Theo khảo sát của McKinsey, Covid-19 đã khiến tỷ trọng tương tác số hóa của khách hàng tăng vọt bằng ba năm trước cộng lại. Và điều này là cơ hội cho những doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), bản tin tuyển dụng được lấp kín bởi nhu cầu tuyển mới của nhiều công ty. Công ty giải pháp nhân sự Adecco Việt Nam cho biết, với xu hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, nhu cầu tuyển dụng một số vị trí trong ngành công nghệ thông tin đang tăng lên đáng kể. Hiện tại, ba vị trí tuyển dụng được đánh giá "hot" nhất là giám đốc công nghệ (CTO), kỹ sư dữ liệu (Data Engineer) và kỹ sư cơ sở hạ tầng (Infrastructure Manager).
"Hiện giờ là kỷ nguyên bùng nổ cho các chuyên gia IT có năng lực, những người có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng ngôn ngữ và dễ thích ứng xu hướng công nghệ toàn cầu mới", Adecco Việt Nam đánh giá.
Trong báo cáo đầu năm nay, Navigos Search cũng đánh giá nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã hồi phục nhanh sau Covid-19 năm ngoái. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào các nhân sự chất lượng. "Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn khiến ngành công nghệ thông tin trì hoãn trong tuyển dụng, tuy nhiên vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021", báo cáo cho hay.
Minh Sơn