Cơn 'giải nhiệt' trong đêm
6h sáng, Phương - sinh viên năm 2 kết thúc ca làm việc ở cửa hàng Circle K trên phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi kiểm kê lại hàng, cô bàn giao sổ sách cho ca buổi sáng. Cách chưa tới vài chục mét, các đồng nghiệp của cô ở hai cửa hàng khác của Circle K cũng đang giao ca. Cầu Gỗ - một trong những con phố sầm uất nhất của khu phố cổ - dày đặc các cửa hàng tiện lợi, tạp hoá nhưng Circle K là cái tên duy nhất hoạt động 24/24.
"Khách đông nhất thường vào tầm trưa, tối và kéo dài tới 2h sáng. Ngày cuối tuần, có khi 3-4h sáng vẫn tập nập người lui tới", Phương kể.
Sự có mặt của Circle K như phần nào "giải nhiệt" cho bài toán tìm chỗ ăn của giới trẻ về đêm trong bối cảnh chính quyền "siết" hoạt động kinh doanh sau 24h.
Bán lẻ là một trong những ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nếu Việt Nam áp dụng chính sách phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, không phải mọi mô hình nào cũng dễ thành.
Như Circle K, có mặt ở Việt Nam từ năm 2008 nhưng phải tới năm 2013 mới hoạt động theo mô hình 24/7 tại TP HCM và tới năm 2015 mới đẩy mạnh ở Hà Nội.
Liên tục mở rộng hệ thống, song sau 14 năm hoạt động, đầu năm 2019, Shop&Go - mô hình cửa hàng tiện lợi 24h của một doanh nghiệp Việt đã phải bán cho Công ty VinCommerce - thành viên của Tập đoàn Vingroup và gắn thương hiệu VinMart+. Đồng thời, chuỗi phải dừng hoạt động về đêm. Shop&Go thừa nhận đầu tư nhiều nhưng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Từng nhiều năm điều hành chuỗi siêu thị tại miền Bắc, bà Vũ Thị Hậu - Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam biết, quyết định mở cửa sau 22h không phải nhà bán lẻ nào cũng mạnh dạn làm. Du khách và người dân thường tới các tụ điểm vui chơi, giải trí chứ ít lui tới siêu thị, trung tâm thương mại về đêm. Vì thế, theo bà, nếu có khoản thu từ bán hàng khung giờ muộn cũng rất thấp, khó bù đắp chi phí. "Lương nhân viên làm ca đêm thường cao hơn 30-40% so với ca ngày, chưa kể phát sinh thêm chi phí điện, nước... nên nói chung là lỗ", bà nói.
Đại diện phụ trách marketing của một trong các chuỗi tiện lợi tại TP HCM cũng thừa nhận, chi phí phụ trội cho hoạt động đêm không nhỏ, từ nhân công, điều hoà, đèn, nước...
Ánh đèn lay lắt sau những dự án tỷ đô
Không chỉ mảng bán lẻ, những "thành phố không ngủ" được nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng quảng bá. Nhưng không lâu sau, một số bị sa lầy vì "giấc mơ thắp sáng" của mình.
5 năm trước, Tập đoàn Empire triển khai dự án tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD, doanh nghiệp ấp ủ tạo dựng siêu tổ hợp nghỉ dưỡng giải trí lớn tại Đà Nẵng, tham vọng vươn tầm Đông Nam Á.
Năm 2017, dự án đi vào vận hành với hàng nghìn căn hộ, phố đi bộ, các hạng mục giải trí như sân khấu ngoài trời, nhà hát biểu diễn, nhạc nước, quầy bar, pub... - những hạng mục lý tưởng để tạo nên một "thành phố không ngủ". Để kéo dài thời gian vui chơi, giải trí ban đêm của du khách, một năm trước, tập đoàn chi hàng triệu USD để mời Luis Fonsi ca sĩ nổi tiếng thế giới với ca khúc Despacito cùng hàng chục nghệ sĩ tới Việt Nam tổ chức đêm nhạc. Chủ đầu tư đặt kỳ vọng thu hút 30.000 người đến dự án vào đêm nhạc.
Thế nhưng, giá bán vé khởi điểm 500.000 đồng sau đó phải hạ xuống chỉ còn một phần ba. Số người đến xem show cũng chưa bằng một phần ba mục tiêu.
Sau đợt đó, các show diễn, sự kiện giải trí lớn hoàn toàn vắng bóng. Các lễ hội ban đêm, hoạt động giải trí đường phố vốn được quảng cáo sẽ tổ chức hàng tuần, hàng tháng cũng thu hẹp dần. Những chuỗi quầy bar, pub, nhà hàng, điểm mua sắm... vắng khách nên đến nay đóng cửa lúc 10-11h tối.
Không riêng tổ hợp này, 5 năm qua, một loạt chủ đầu tư tên tuổi với các dự án nghỉ dưỡng từ trung tâm du lịch như Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, đến Phú Quốc... hay các tỉnh, thành có quy mô nhỏ hơn như Hà Tiên, Cần Thơ... đều kỳ vọng tạo dựng những tổ hợp hoạt động cả ngày, đêm. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết dự án chưa tạo dựng được tiếng vang, thậm chí có chủ đầu tư hiện không còn nhắc gì tới việc hoạt động về đêm.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ cũng nhận định những mô hình kinh doanh theo chiều hướng hoạt động về đêm của các chủ đầu tư bất động sản chưa thực sự thành công. Ông cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ, các chủ đầu tư vốn chỉ biết xây nhà, còn phần phát triển các dịch vụ cho du khách lại cần những đơn vị tư vấn chuyên về lĩnh vực này.
"Chủ đầu tư phải có ý kiến tư vấn của những người chuyên làm du lịch thì sẽ làm trúng hơn, chuyên nghiệp hơn xem khách cần gì, họ muốn đến đâu, trải nghiệm cái gì", ông Võ nói và cho rằng trong du lịch, kinh tế ban đêm không thể tách rời khỏi yếu tố bản địa nên cần có sự tham gia sâu sắc của người dân địa phương. Còn với các chủ đầu tư lớn, theo ông, thách thức cũng không phải ở câu chuyện đầu tư hay chi phí vận hành tốn kém mà ở sự mở cửa của chính quyền.
Bà Vũ Thị Hậu nêu ý kiến, chính sách cần theo hướng mở, khuyến khích chứ không phải những ưu đãi trên giấy. "Doanh nghiệp thực chất không cần ưu đãi, cái họ cần là chính sách thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng", bà Hậu nhìn nhận.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ bình luận, các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nên đổi mới tư duy và nhìn nhận đúng về kinh tế ban đêm để có khuôn khổ pháp lý, quản lý tốt. "Kinh tế ban đêm phải là sự phát triển đồng bộ theo cả chuỗi dịch vụ, chứ không thể tách riêng lẻ từng ngành và tập trung phát triển ở những khu vực nhất định. Phải xem địa phương nào nên làm, khu vực nào nên phát triển chứ không phải dàn trải", ông nói.
Hoài Thu - Nguyễn Hà