Hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh thấm đòn từ Covid-19, thương mại điện tử cũng không hoàn toàn hưởng lợi, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch, Trưởng văn phòng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tại TP HCM (VECOM) nói tại tọa đàm trực tuyến "Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến cho nền kinh tế", vừa diễn ra sáng nay (3/6) trên VnExpress.
Ông Dũng lý giải, các đơn vị bán hàng phải giải quyết nhiều thách thức như nguồn hàng bị cấm biên, nhân viên không thể đi làm trong giãn cách xã hội... Tuy vậy, dịch bệnh như chất xúc tác buộc doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số sâu rộng hơn, vị này nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Fado Export đồng tình, với kinh nghiệm hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp giao dịch trực tuyến, Fado nhìn nhận Covid-19 tác động sâu đến chuỗi cung ứng gồm các nhà sản xuất, công ty logistics... Các nền tảng xuyên biên giới, còn chịu ảnh hưởng chính sách giao thương quốc tế. Ngoài ra, ngành du lịch gián đoạn cũng gây ảnh hưởng, bởi các lĩnh vực này góp hơn 40% giao dịch thương mại điện tử, ông Hùng đưa con số.
Từng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng B2B, ông Hùng cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi tư duy của doanh nghiệp về cách tiếp cận từng nhóm khách hàng; chọn kênh online phù hợp; tận dụng lợi thế của sàn thế nào...
Để thúc đẩy kinh doanh trực tuyến giữa đại dịch, VECOM lưu ý doanh nghiệp về thị trường nội địa, thay vì chỉ nhắm tới xuất khẩu. Bởi so với nguồn hàng đa dạng trước Covid-19, hiện nguồn cung ngày càng thu hẹp. Để gia tăng hiệu quả, Hiệp hội đã xúc tiến chương trình tập huấn bán hàng trên Amazon cho doanh nghiệp; tư vấn cách sản xuất sản phẩm đáp ứng đối tác quốc tế; hợp tác các ngành hàng tổ chức hội chợ online...
Chủ động chuỗi cung ứng
Theo đại diện Fado, trong khi chờ kết nối từ hiệp hội, mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần chủ động hướng đi, nhất là mở rộng hệ thống kho vận, gắn kết chuỗi cung ứng. Ông Hùng nhận định, Amazon vận hành ổn định trong Covid-19 nhờ kho vận nhịp nhàng, trong đó chủ yếu đưa hàng từ các kho Amazon vận chuyển thẳng đến tay người mua. Trong khi đó, một số nền tảng khác chuộng hình thức FBM (người bán tự quản lý kho hàng). Khi chuỗi logistics quốc tế dừng hoạt động, đã gián đoạn lưu thông hàng hóa.
Đồng tình quan điểm, ông Đỗ Xuân Thắng, nhà sáng lập kiêm CEO Pushsale.vn cho rằng, dịch bệnh làm thay đổi nhận thức người bán, từ quan điểm tự quản lý kho hàng đã chuyển sang đa kho. Doanh nghiệp bán lẻ online sẽ gửi hàng vào kho của các đơn vị cung cấp. "Hình thức này giúp vận chuyển hàng nhanh hơn, tiết kiệm chi phí", vị này nhấn mạnh.
Các diễn giả đánh giá hiện chuỗi cung ứng thay đổi theo 2 hướng. Một là xu hướng chuyên môn hóa cao hơn, với sự tham gia sâu hơn của logistics, các nền tảng trực tuyến như livestream, video... giúp gắn kết thị trường. Hai là chuỗi cung ứng sẽ sáp lại, liên kết chặt chẽ hơn.
Lấy ví dụ, doanh nghiệp cung cấp khóa học online kết hợp với nền tảng bán sách trên sàn; giải pháp đi chợ hộ hợp tác công ty cung cấp suất ăn... mang đến nhiều lựa chọn cho người mua cuối cùng.
Đại diện Fado đề xuất, doanh nghiệp cần linh hoạt chuỗi cung ứng, không chỉ trông chờ vào kênh trung gian thương mại. Vừa qua, một số doanh nghiệp hoa quả sấy Việt mua gian hàng trên sàn Alibaba. Nhờ nắm được yêu cầu chất lượng, quy cách đóng gói, bảo quản của thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp xuất nhiều container mít, xoài qua tuyến đường sắt liên vận sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) trong đại dịch.
Liên kết trong hệ sinh thái
Để thương mại điện tử tăng hiệu quả, còn cần sự cộng hưởng từ các thành tố trong hệ sinh thái như giao dịch không tiền mặt, nhân sự, công nghệ, chuyển dịch thủ tục hành chính nhanh gọn hơn...
Theo VECOM, những doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa từng tham gia thương mại điện tử đều chung tâm lý e dè, ngại khó khăn khi bước chân vào mảng mới. "Ngay cả các tập đoàn lớn đã xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử, cũng từng trong tâm thế đó thời điểm bắt đầu. Do đó, doanh nghiệp nên mạnh dạn làm, nhưng cần chuẩn bị nhân sự, công nghệ kỹ càng", đại diện VECOM chia sẻ.
CEO Pushsale cho rằng bên cạnh tham gia các khóa huấn luyện, các công ty nên phát triển website, mạng xã hội... "Khi bắt tay xây dựng hệ sinh thái số, doanh nghiệp không cần ôm đồm tất cả mảng ngay lập tức. Có thể xúc tiến những hoạt động cần kíp trước", vị đại diện nói.
Bên cạnh đó, nhân sự chăm sóc khách hàng (telesales) cũng thay đổi. "Đối tác của chúng tôi ở Hà Nội, vẫn tuyển 200-300 telesales ở Thái Nguyên. Việc kết nối dễ dàng nhờ công nghệ hiện đại cho thấy các mắt xích trong hệ sinh thái không nhất thiết phải tập trung cùng địa điểm", đại diện Pushsale nói.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng lưu ý việc tích hợp thương mại điện tử với kênh bán lẻ truyền thống. Dẫn chứng là một doanh nghiệp chạy quảng cáo trực tuyến, nhưng nhiều khách hàng vẫn có thói quen mua ở cửa hàng bán lẻ. Do đó, họ liên kết hệ thống online với các điểm bán tại địa phương, sẵn sàng giao hàng ngay cho khách. Việc đo lường tăng trưởng doanh số cũng dễ dàng.
Đại diện Fado quan tâm đến chất lượng mặt hàng và giá, sẽ tăng tính cạnh tranh cho thương hiệu. Ví dụ, sản phẩm nông nghiệp cần đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hoặc tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. "Những đơn vị nhập hàng từ công ty khác cần kiểm soát kỹ lưỡng mới có thể kinh doanh bền vững trên sàn", đại diện Fado nhấn mạnh.
Minh Chi