Tại tọa đàm trực tuyến "Chiến lược phát triển điện mặt trời ở Việt Nam" phát sóng sáng nay trên VnExpress, đại diện Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP HCM, TTC Energy đã phân tích, đánh giá về triển vọng của ngành, cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp điện mặt trời.
Triển vọng của điện mặt trời
Mở đầu tọa đàm, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu điện chung trên thế giới tăng khoảng 2,1% mỗi năm. "Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu điện tăng tương đối lớn. Từ nay đến 2030, dự báo tăng khoảng 8-9%. Như vậy, việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế là nhiệm vụ nặng nề", ông Quân nhận định.
Vấn đề đầu tư cho nguồn năng lượng, cụ thể là ngành điện là một trong những thách thức lớn. Ông Quân lý giải, trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn được khai thác hết, các nhà máy nhiệt điện than mới đang đầu tư xây dựng chậm tiến độ và khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước cũng hạn chế và đang suy giảm.
Trên thế giới xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh bởi sự thúc đẩu của công nghệ. Nhiều nước đẩy mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và mặt trời, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Quy mô các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang chứng kiến sự thay đổi vượt bậc. Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng khá về năng lượng tái tạo. Nguồn điện từ gió và mặt trời ngày càng có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo chủ động, đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế và phát triển năng lượng theo hướng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
"Đến cuối năm 2020, hệ thống điện Việt Nam đã có thêm khoảng 6.000MW điện gió, điện mặt trời. Trong đó có khoảng gần 5.000MW điện mặt trời, chưa tính các dự án điện mặt trời mái nhà. Như vậy, tỷ trọng năng lượng tái tạo Việt Nam hiện chiếm chưa đến 9% tổng công suất toàn bộ hệ thống điện", ông Quân nhận định. "Sự phát triển này kéo theo nhiều ngành công nghiệp đi kèm, khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, khó sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả thấp. Điện mặt trời cũng thu hút lượng vốn xã hội lớn".
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới cơn sốt điện mặt trời những năm gần đây, Tiến sĩ Hoàng Giang, Trưởng Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP HCM cho hay: "Công nghệ phát triển rất nhanh, giá thành thiết bị giảm, trong khi hiệu suất tăng. Do đó, giá điện mặt trời hiện đã có thể cạnh tranh được với các loại điện khác như nhiệt điện và thủy điện".
Lý do thứ hai ông Giang đưa ra là lực đẩy từ Chính sách của Chính phủ. "Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời, với nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về đất đai: miễn giảm tiền thuế đất và sử dụng đất", ông Giang nói. Thời điểm tháng 4/2017, nhà nước cho biết mức giá bán cố định mua điện mặt trời trong vòng 20 năm là 2.086 đồng mỗi số điện, tương đương 9,35 cent theo tỷ giá thời điểm đó, cũng là lý do chính khiến điện mặt trời trở nên hấp dẫn giới nhà đầu tư.
Doanh nghiệp đề xuất gia hạn biểu giá mới
Năng lượng tái tạo lĩnh vực nhận nhiều sự ủng hộ, đồng hành từ Chính phủ, trong đó cụ thể có Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ban hành biểu giá FIT-2 áp dụng những công trình vận hành thương mại trước 31/12. Theo đó, giá mua bán điện mặt trời (giá FIT) trên mái nhà sẽ là 1.943 đồng mỗi kWh (trong 20 năm) từ ngày 22/5, song mức giá này chỉ kéo dài cho các dự án hoàn thành trước 31/12 năm nay.
"Nếu thời gian áp dụng đến cuối tháng 12/2020, sẽ có nhiều dự án không thể thực hiện kịp. Nhiều doanh nghiệp cũng không thuộc diện được hưởng ưu đãi này dù họ có khả năng thực hiện các dự án. Điều này sẽ làm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp", ông Giang đưa ý kiến.
Đồng thuận với ý kiến trên, đại diện TTC Energy, một trong những doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam cho biết: "Các dự án của TTC Energy phải ngừng thi công trong 2 tháng liên tục, khiến việc đóng điện, kết nối hệ thống điện của khách hàng, đấu nối với EVN bị ngưng trệ", ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Energy nói.
Vị đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá thêm hai năm, để doanh nghiệp cân đối nguồn vốn và lựa chọn phương án triển khai phù hợp.
Trả lời cho đề xuất này, ông Đỗ Đức Quân cho biết đã nhận được phản hồi từ một số doanh nghiệp và sẽ tiến hành tham mưu với Chính phủ nếu nhận được nhiều phản hồi tương tự. Từ góc độ Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP HCM, ông Giang đồng thuận ý kiến gia hạn quy định về biểu giá, tuy nhiên chỉ sau vài tháng thay vì hai năm.
Về "nút thắt" thiếu cân bằng giữa dự án điện mặt trời và hệ thống điện truyền tải, ông Quân cho hay, thông thường dự án truyền tải mất 3 năm, trong khi các dự án điện mặt trời triển khai chỉ mất 6 tháng đến 1 năm, thậm chí ngắn hơn. "Chúng tôi đã có sự phối hợp xử lý, sắp tới không diễn ra thực trạng này", đại diện Bộ Công Thương nói.
Vị này cho rằng cần xác định quy mô các dự án dài hạn, trung hạn và có sự khống chế, đảm bảo tính đồng bộ. "Một việc nữa là năng lượng tái tạo không phải là giải pháp giải quyết hết tất cả vấn đề về nhu cầu điện, chúng tôi cần cân đối với nhiệt điện, thủy điện... để phát triển bền vững", ông Quân nói.
Ông Đỗ Đức Quân cho biết thêm, khi ban hành FIT2, cơ quan quản lý cũng nghe ngóng tín hiệu nhà đầu tư, họ cho biết vẫn có thể đầu tư được. Về bản chất, khi tính toán cơ chế đã bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư ở mức 12%. "Nếu giá cao cho nhà đầu tư sau này giá bán cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Quân nói.
Trước câu hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành, đại diện Hiệp hội bày tỏ cái nhìn lạc quan. "Dù mới phát triển mạnh vài năm gần đây, nhưng tôi nhận thấy chất lượng nhân lực Việt Nam hiện đã tương đối, dù thời gian chuẩn bị chưa nhiều. Nhiều chuyên gia trong các ngành thủy điện, nhiệt điện đã rẽ hướng sang nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực này", ông Giang nói.
Vị này cũng đề xuất nhà nước sớm có cơ chế đấu thầu cho các dự án năng lượng mặt trời, mong sớm công bố, thí điểm rộng rãi, từ đó huy động nguồn lực các nhà đầu tư tham gia đóng góp với sự phát triển của ngành điện Việt Nam.
Hoài Phong