VNExpress

Điểm yếu của Thái Lan ở đâu?

Bốn chiến thắng ở vòng bảng cho thấy sức mạnh của Thái Lan với lối chơi áp đặt toàn diện. Nhưng cũng có không ít sai sót trong các màn trình diễn của thầy trò Mano Polking, nhất là khi chống phản công

Cấu trúc đội hình bất đối xứng

Polking nhanh chóng cho thấy sự am tường về bóng đá Thái Lan bằng việc tìm ra cách sắp xếp phù hợp cho những nhân sự mà ông có trong tay. Dù sử dụng sơ đồ chiến thuật nào, Polking cũng luôn hướng đến hai mục tiêu chính: sự áp đảo nhân sự ở giữa sân và cấu trúc đội hình bất đối xứng.

Sơ đồ 4-3-3 trong trận mở màn của Thái Lan trước Timor Leste có sự khác biệt ở cách các cầu thủ chơi biên hoạt động.
Sơ đồ 4-4-2 kim cương, với số đông nhân sự ở giữa sân, và sự khác nhau trong cách hoạt động của hai hậu vệ cánh Thái Lan.

Narubadin, người có số lần kiến tạo nhiều nhất giải đấu sau vòng bảng, luôn được yêu cầu dâng cao, bám sát biên, và thể hiện khả năng kiến thiết bằng những đường đưa bóng đa dạng bên cánh phải. Trong khi Theerathon Bunmathan, một người có kĩ thuật và đẳng cấp xử lý bóng, thường di chuyển linh hoạt và có những thời điểm bó vào khu vực trung lộ.

Polking cụ thể hoá ý đồ áp đặt thế trận bằng cách sử dụng tất cả cầu thủ có kĩ năng kiểm soát bóng, di chuyển hoán đổi vị trí và chơi bóng ở cự ly ngắn như Phitiwat, Thanawat và Sarach. Với sơ đồ tối ưu 4-4-2, Thái Lan luôn cố gắng giữ bóng, và tạo ra cơ hội bằng việc áp đảo quân số ở một khu vực nhất định rồi sau đó tận dụng các cá nhân ở hai hành lang cánh.

Cấu trúc đội hình với sơ đồ 4-4-2 kim cương của Thái Lan.

Một điểm tương đối đặc biệt trong cách vận hành của Thái Lan đến ở sự tự do trong khu vực hoạt động của hậu vệ trái Theerathon – cầu thủ này thường xuyên có mặt ở giữa sân và thậm chí làm nhiệm vụ kiến thiết. Sử dụng một sơ đồ có tới bốn tiền vệ chơi ở giữa sân, nhưng các cầu thủ Thái Lan vẫn cho thấy sự ăn ý lớn trong cách di chuyển hoán đổi vị trí, để luôn hướng đến mục tiêu kiểm soát khu vực trung tuyến.

Theerathon có thời điểm chơi như một tiền vệ tổ chức lùi sâu.
Phitiwat, Chanathip hay Thanawat đều cho thấy sự ăn ý trong việc di chuyển để duy trì cấu trúc đội hình ở giữa sân cho Thái Lan.

Không quá khi nói Theerathon là một trong những cầu thủ quan trọng nhất trong cách chơi của Polking. Một hậu vệ trái khó lường, vừa có thể tham gia vào việc kiểm soát bóng ở khu vực giữa sân, vừa sẵn sàng lao lên phía trước để thực hiện các tình huống chồng biên thuần tuý của một hậu vệ cánh. Chỉ chơi hai trận, nhưng cầu thủ sinh năm 1991 là người thực hiện số đường chuyền nhiều nhất của Thái Lan sau vòng bảng.

Theerathon và những tình huống chồng biên thuần tuý của hậu vệ cánh.
Vị trí các đường chuyền của Theerathon sau hai trận anh ra sân ở AFF Cup 2020.

Sức mạnh từ hai biên

Việc có một tuyến giữa chất lượng và áp đảo về quân số giúp Thái Lan luôn hướng đến việc kiểm soát bóng và áp đặt đối thủ ở gần như tất cả các trận đấu tại vòng bảng. Từ đó, họ hướng trái bóng ra vị trí hai lành lang cánh với những chân chuyền chất lượng để tiếp cận khung thành đối phương. Thái Lan chính là đội tuyển có số quả tạt thành công nhiều nhất sau vòng bảng, trong khi hậu vệ phải của họ, Narubadin kiến tạo nhiều nhất.

Thái Lan tiếp cận vòng cấm đối phương bằng các quả tạt – Bàn thắng của Teerasil Dangda trong trận gặp Philippines.
Những tình huống leo biên của Narubadin là bài tấn công quen thuộc của Thái Lan – Bàn thắng của Dangda trong trận gặp Myanmar.
Trong Top 10 danh sách tạt nhiều nhất có tới ba cầu thủ Thái Lan.

Chính khả năng kiểm soát bóng và áp đảo quân số ở khu vực trung lộ là một phần nguyên nhân lớn giúp Thái Lan ghi nhận những thống kê vượt trội đến như thế về khả năng tấn công ở hai hành lang cánh. Phương án thường thấy từ đội bóng của HLV Polking là những tình huống di chuyển hoán đổi vị trí giữa các cầu thủ ở trung lộ, tạo ra khoảng trống và lựa chọn chuyền bóng ở giữa sân, trước khi mở bóng đến khoảng trống ở hai hành lang cánh nơi các hậu vệ biên đã sẵn sàng băng lên phía trước.

Chính bởi khả năng áp đặt trận đấu của các tiền vệ, giúp không gian tấn công biên mở ra với Thái Lan.

Cầu thủ Thái Lan kiểm soát bóng ở một biên, trước khi tung ra các đường chuyền quyết định khi có cơ hội.
Khả năng di chuyển, lôi kéo và tạo khoảng trống được các cầu thủ Thái Lan thể hiện thuần thục.
Minh hoạ các đường chuyền dẫn tới bàn thắng của Thái Lan sau vòng bảng AFF Cup 2020.

Tuy nhiên, có một điểm không thực sự hoàn hảo ở khả năng tấn công của Thái Lan, họ không có sự đa dạng ở vai trò người dứt điểm. Cả bốn tiền vệ của Thái Lan đều giỏi kiểm soát bóng, giỏi hoạt động linh hoạt, nhưng không mạnh ở các tình huống xâm nhập. Điều đó dẫn đến việc Teerasil Dangda gần như là mũi nhọn duy nhất có mặt trong vòng cấm ở các quả tạt. Sau vòng bảng, một mình anh đã thực hiện tới 20 pha dứt điểm, con số nhiều gần gấp ba người xếp sau tiền đạo kỳ cựu này.

Đó cũng là lí do tại sao HLV Polking thường xuyên sử dụng tiền vệ Worachit khi Thái Lan cần thêm bàn thắng để thay thế vị trí của Chanathip. Số 24 của Thái Lan là một mẫu tiền vệ tấn công nhạy bén ở khả năng xâm nhập vòng cấm địa để trở thành điểm đến trong những pha bóng từ hai hành lang cánh. Dù thường xuyên vào sân từ ghế dự bị, Worachit đã có cho mình một bàn và hai đường kiến tạo sau vòng bảng.

Worachit là phương án dự phòng của Thái Lan ở khả năng tấn công vòng cấm địa.

Sau bốn trận đấu ở vòng bảng, sức mạnh tấn công và khả năng áp đặt trận đấu của Thái Lan đã được thể hiện tương đối rõ nét dựa trên nền tảng những cá nhân xuất sắc của đội bóng này, và triết lý bóng đá quen thuộc của HLV Polking. Đó sẽ là một thử thách lớn cho hàng phòng ngự của Việt Nam trong hai trận bán kết. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hành trình vòng bảng của Thái Lan, và phong cách chơi của các đội bóng mà Polking dẫn dắt, có thể thấy được những cơ hội cho thầy trò HLV Park Hang-seo, cho một thế trận sở trường của chiến lược gia người Hàn Quốc.

Dấu hỏi ở khả năng chống phản công

Sử dụng bốn tiền vệ có xu hướng chơi kĩ thuật, hai hậu vệ biên sẵn sàng dâng cao và hai tiền đạo trên hàng công, có thể thấy Thái Lan chấp nhận mạo hiểm, và chấp nhận phòng ngự bằng chính khả năng kiểm soát bóng của họ. Nhưng một khi không thể duy trì tốt sự chính xác ở những đường chuyền, đội bóng của Polking luôn đối mặt với những khoảng trống lớn ở các pha phản công của đối phương.

Cấu trúc đội hình của Thái Lan ở các tình huống phản công của đối thủ.

Việc chỉ duy trì hai trung vệ cùng tối đa một hậu vệ biên khi đối mặt với các tình huống phản công là con dao hai lưỡi với lối chơi của HLV Polking. Đây có thể xem là điều không mới trong phong cách bóng đá của chiến lược gia này – một người luôn xem tấn công là kim chỉ nang. Chính sự mất cân bằng giữa tấn công và phòng ngự là một trong những yếu tố khiến CLB TP HCM tại V-League 2021 không đạt kết quả ấn tượng.

Hình ảnh tương tự trong các tình huống chống phản công của CLB TP HCM ở V-League 2021.
Tình huống dẫn đến bàn thắng của Văn Toàn ở trận HAGL thắng TP HCM 3-0 ở V-League 2021.

Nếu nói Polking hiểu bóng đá Thái Lan, cũng cần nhận định rằng những cầu thủ tấn công của Việt Nam không lạ gì với phong cách chơi của HLV này. Đó sẽ là một yếu tố thú vị trong những tính toán chiến thuật của HLV Park cho trận đấu sắp tới. Một trận đấu mà Thái Lan muốn áp đặt, còn Việt Nam sẵn sàng trở lại với phong cách chơi phòng ngự phản công sở trường.

Hai cánh của Thái Lan sẽ là khu vực Việt Nam cần hướng đến trong những pha phản công.

Thái Lan đang thể hiện sức mạnh tấn công vượt trội sau vòng bảng, nhưng Việt Nam cũng chưa nhận bất cứ bàn thua nào tại AFF Cup. Một cuộc chạm trán đáng chờ đợi giữa hai phong cách bóng đá có sự đối lập.

Dù Thái Lan mạnh, Việt Nam cũng có quyền tự tin với khả năng để không chỉ khắc chế, mà còn khai thác những sơ hở của đối phương.

Thành Vũ