Thông tin được ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2023, diễn ra sáng 23/6 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Nghiệm cho biết, hàng hóa khoa học công nghệ, tài sản trí tuệ có tính đặc thù, cần thông qua tổ chức trung gian để đánh giá thông số tài chính, kỹ thuật nhằm hỗ trợ bên cung, bên cầu trong quá trình giao dịch. Tuy nhiên quá trình giao dịch gặp khó trong nhận biết rõ về thị trường, khó đánh giá, định giá và thẩm định, phí giao dịch có thể phát sinh cao. Việc xác định giao dịch hàng hóa có sự bất cân xứng về thông tin, nhận thức và trình độ năng lực bên cung và bên cầu trên thị trường.
"Tổ chức trung gian đang là điểm nghẽn thị trường công nghệ khi chưa đủ mạnh, chưa đủ chuyên nghiệp để giới thiệu và kết nối giữa bên chuyển giao và bên cầu", ông Nghiệm nói.
Theo lãnh đạo Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, văn bản và cách tiếp cận cơ sở dữ liệu thiếu hoàn thiện, quy định các loại tài sản đăng ký kinh doanh, vướng mắc tài sản trí tuệ hay sáng chế cũng là một trong những khó khăn.
Hiện Việt Nam có hơn 800 tổ chức trung gian, trong đó Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành xây dựng năng lực 240 tổ chức, ưu tiên các tổ chức gắn với ngành xuất khẩu chủ lực.Theo ông Nghiệm, cần thiết phải định vị các tổ chức trung gian đủ mạnh, có tính dẫn dắt, mới có thể "mang được trí thức ẩn ra ngoài". Bên cạnh hình thành và phát triển tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, dẫn dắt với khả năng thu thập, chia sẻ, xử lý thông tin, cần minh bạch các thông tin về hàng hóa và dịch vụ được mua bán, chuyển giao.
Theo ông, các tổ chức trung gian cần có sự đồng bộ thể chế chính sách, sẵn sàng nguồn cung và nguồn cầu, nhu cầu ứng dụng khả năng tiếp nhận hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp. Như kinh nghiệm của Nhật Bản, tổ chức trung gian thực hiện "bàn chào công nghệ", có sự tham gia song song của bên xác lập quyền và bên thương mại hóa sẽ tiếp nhận thông tin và đẩy ra sàn giao dịch giúp vừa đảm bảo quyền tác giả và tóm tắt ngắn gọn nghiên cứu thông số kỹ thuật, tài chính lợi ích để bên cầu nắm được.
Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu điểm nghẽn về nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông cho biết nhiều quốc gia, tập đoàn lớn thế giới cho thấy chú trọng tập trung hỗ trợ R&D cho doanh nghiệp, trong khi trong nước thiếu vắng chương trình hỗ trợ. "Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài cần khảo sát cũng gặp khó do thiếu nguồn lực hỗ trợ", ông dẫn chứng.
Các diễn giả kiến nghị vai trò của nhà nước trong thị trường khoa học công nghệ thông qua chính sách để gỡ "điểm nghẽn". Khi giảm được chi phí giao dịch và minh bạch được thông tin công nghệ trên thị trường, hoạt động sáng tạo được gia tăng về quy mô và giá trị sẽ thúc đẩy thị trường. "Nhà nước tạo hành lang pháp lý thông qua các thủ tục, quy tắc, chương trình, dự án nhằm định hướng, dẫn dắt, tạo tiền đề và điều tiết các hoạt động diễn ra trên thị trường", ông Nghiệm nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó tổng giám đốc công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cho biết việc đưa các nghiên cứu thương mại ra thị trường cần có sự kết nối nguồn lực, trí thức dẫn dắt kết hợp đổi mới sáng tạo từ chính bên doanh nghiệp. Ông cho rằng điều quan trọng là có năng lực đặt đầu bài chính xác, thiết thực nhằm khai thác nguồn tri thức hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có quỹ đầu tư mạo hiểm, kết nối các đơn vị trong phòng thí nghiệm chung giúp chuyển hóa nhanh ý tưởng thành sản phẩm.
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2023 do Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp các đơn vị tổ chức. Diễn đàn gồm ba phiên, với phiên toàn thể và hai phiên chuyên đề, thu hút hơn 400 chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân.
Như Quỳnh