Trả lời VnExpress sau Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch tại Quảng Ninh ngày 22/3, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho rằng: "Đây là thời cơ chúng ta cần tận dụng, mở cửa rộng hơn, mạnh mẽ hơn, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới".
Hiện nay Việt Nam đã khôi phục chính sách miễn thị thực như cuối năm 2019, đơn phương với 13 quốc gia, thời hạn lưu trú 15 ngày, không phân biệt mục đích nhập cảnh. Song ông Trần Đình Thiên cho biết dù mở cửa như trước dịch, cũng chỉ đón 25-30% khách. Vì vậy cần mở rộng chính sách miễn thị thực với nhiều quốc gia hơn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Quản trị Khách sạn và Du lịch, Đại học Kinh tế Quốc dân, ví du lịch Việt Nam như người vừa ốm dậy và để khỏe lại thì không thể ăn những món thông thường. Sau hai năm dịch Covid-19, thị trường đang có sự xáo trộn trên toàn thế giới. Ông phân tích khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản, một lượng khách dư ra sẽ dần chuyển dịch tới doanh nghiệp khác và đắn đo lựa chọn điểm đến.
"Đây là thời điểm để chúng ta thúc đẩy mạnh hơn nữa, thông qua chính sách miễn thị thực cho nhiều nước hơn, thay vì chỉ những thị trường cũ mà ta cho là tiềm năng. Việc mở rộng chính sách thị thực còn căn cứ vào mỗi quốc gia, song nhiều nơi đã miễn thị thực tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, chúng ta chưa mở rộng rất phí.", ông nói.
Nhiều nước Đông Nam Á đã có chính sách thuận lợi như Thái Lan miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 nước, Indonesia là 70 và Philippines 157. Theo nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch TAB, Việt Nam miễn thị thực cho 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy, giúp lượng khách từ các nước này tăng gần 20%.
Mở rộng chính sách thị thực tới một số như thị trường như Australia, New Zealand là đề xuất của bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World, Tập đoàn Sun Group. Còn bà Phạm Thị Nguyệt, Quyền Trưởng ban Tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines, mong muốn thêm thị trường Ấn Độ, Mỹ, nơi hãng hàng không đã tiên phong mở đường bay.
Miễn thị thực với thời gian lưu trú tới 30 ngày cũng là đề xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia. Hiện Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương cho nhiều quốc gia châu Âu, nơi du khách có đặc tính du lịch xa, dài khoảng 16-21 ngày. Bà Phạm Thị Nguyệt nhận định: "Việc miễn thị thực 30 ngày sẽ làm tăng cơ hội hút khách đến Việt Nam".
Hiện nay hãng hàng không Vietnam Airlines đã mở lại 90% đường bay quốc tế tới Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc và Myanamar. Dự kiến tới mùa đông năm nay, hãng triển khai lịch bay hoàn toàn như trước dịch. Ngoài ra vào tháng 4 sẽ có thêm nhiều đường bay mới như New Delhi, Ấn Độ tới Hà Nội, TP HCM và Singapore tới các thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam.
Nếu Việt Nam tiếp tục áp dụng miễn thị thực trong vòng 15 ngày, bà Trần Nguyện nêu thêm một giải pháp là thuận lợi hóa công cuộc xin visa, như cho phép gia hạn điện tử hoặc ngay tại điểm đến. "Đây là những đề xuất mà cộng đồng doanh nghiệp thấy cần thiết để mở cửa thị trường thực sự và thu hút ngay dòng khách chúng ta đang ưu ái", bà nói.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Bộ Ngoại giao ghi nhận ý kiến trong tọa đàm. Bà cho biết hiện nay Việt Nam đã khôi phục lại chính sách hoàn toàn như trước dịch. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu ý kiến của doanh nghiệp du lịch, chuyên gia và đề xuất Chính phủ có thể mở rộng hơn nữa, dựa trên nhiều yếu tố như an ninh và quy định xuất nhập cảnh hiện hành.
Lan Hương