Sáng 28/3, Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương 8 khóa 11 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định nghị quyết có vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện tư duy mới, bước đột phá trong lãnh đạo của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trong 10 năm thực hiện nghị quyết, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị đã đạt nhiều kết quả trong nhiều lĩnh vực.
Kết quả nổi bật là xây dựng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ lĩnh vực quốc phòng; xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ quốc phòng; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ. Các đơn vị triển khai giải pháp với tinh thần huy động mọi nguồn lực quốc gia để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách cần được hoàn thiện, trong đó tập trung sửa Luật Khoa học và công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, các đơn vị cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an xây dựng một số chính sách đặc thù lĩnh vực quân sự, quốc phòng để cải tiến các loại vũ khí, trang thiết bị mới phục vụ quốc phòng, an ninh.
"Sự đóng góp của ngành khoa học công nghệ với kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, phục vụ quốc phòng rất đáng tự hào. Những đóng góp này góp phần nâng cao năng lực quốc phòng Việt Nam", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Ông yêu cầu các đơn vị nghiên cứu báo cáo Thủ tướng các dự án công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh; chương trình phát triển công nghệ cao; triển khai đề tài khoa học cấp quốc gia về xây dựng nền văn hóa Việt Nam, nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, việc quản lý, thẩm định, giám sát, cấp phép đề án, dự án hợp tác quốc tế và đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được chú trọng. Các cơ quan cũng ngăn chặn sử dụng công nghệ lạc hậu trong các dự án đầu tư.
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội một số dự án luật, trong đó có quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Các đơn vị đánh giá công nghệ các dự án nhập khẩu máy, công nghệ, dây chuyền đã qua sử dụng, "tránh biến Việt Nam thành bãi thải công nghệ lạc hậu của thế giới".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, góp phần bảo vệ Tổ quốc", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định.
Tại hội nghị, thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Quốc phòng đánh giá việc tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Bộ Khoa học và Công nghệ rất nghiêm túc, chất lượng. Những năm qua, ngành khoa học công nghệ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng Bộ Quốc phòng tạo ra nhiều sản phẩm, công trình, đề tài mới, thiết thực.
Theo tướng Phạm Hoài Nam, Việt Nam từng tự chủ vũ khí thời chống Pháp nhưng sau đó chủ yếu nhận viện trợ nên ngành công nghiệp quốc phòng có thời gian bị đình trệ. Sau đổi mới, công nghiệp quốc phòng được xây dựng theo hướng chủ động, độc lập, tự chủ, hiện đại, lưỡng dụng.
Ngày nay, Việt Nam đang xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng vững mạnh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đề án, nhiệm vụ của ngành khoa học công nghệ đã tập trung vào lĩnh vực cần thiết với quốc phòng như khoa học nghệ thuật quân sự; chiến lược chiến tranh; sản xuất vũ khí hiện đại.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu cho Đảng Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, trong đó có khoa học quân sự.
"Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ Tổ quốc", ông Nam nói.
Ngày 25/10/2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa 11 đã ban hành Nghị quyết số 28 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết được ban hành trên cơ sở thành tựu, kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn qua gần 30 năm đổi mới đất nước, nhất là kế thừa kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa 9 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11 là Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Đảng, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực, hội nhập quốc tế.
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc là mưu lược, kế sách quốc gia nhằm xác định mục tiêu, quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp có tính khả thi, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây là chiến lược tổng hợp quốc gia bao trùm, giữ vai trò chủ đạo, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, đối ngoại và các chiến lược chuyên ngành khác.