Những năm đầu đi dạy, cô Diệu (Lai Châu) không biết đến thưởng Tết, quà Tết là gì. Xác định là viên chức nhà nước, cô cũng thôi mong chờ nhưng cũng không ít lần tâm tư. Khoảng 10 năm gần đây, trường được giao ngân sách hoạt động, cô Diệu mới có quà Tết nhờ khoản tiết kiệm từ ngân sách của nhà trường. "Có năm trường vun vén khéo, trừ đi chi phí xây dựng, sửa chữa, hoạt động chung, phần dư còn lại, giáo viên được chia vài triệu đồng", nữ giáo viên 55 tuổi nói. Nhưng năm nay, hiệu trưởng đã thông báo kết toán ngân sách cả năm không dư, giáo viên coi như không có quà Tết, nếu có cũng chỉ là cân thịt.
Cô Diệu ngậm ngùi vì biết Tết năm nay sẽ khó khăn hơn. Để có tiền xoay xở cho cái Tết sắp đến, cô trồng thêm rau, tranh thủ buổi tối làm thịt sấy để bán, sát Tết cô sẽ đi gói bánh chưng thuê.
10 năm công tác ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), thầy Vi Văn Dương, giáo viên trường Tiểu học Cắm Muộn, xem thưởng Tết như một điều xa xỉ. Thầy chạnh lòng khi nghe bạn bè ở Hà Nội, TP HCM dự kiến nhận thưởng Tết vài chục triệu đồng.
Tết năm ngoái, nhà trường và công đoàn cùng gom góp gửi mỗi giáo viên 300.000 đồng coi như quà Tết. Số tiền này thầy Dương dùng để đổ xăng đến trường trong 2 tuần. Theo thầy như thế vẫn là may mắn, bởi nhiều cái Tết, thầy "không có gì".
Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên trường THCS Hà Huy Tập (TP HCM), thì mang nỗi niềm khác. "Riêng TP HCM có chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, mình và đồng nghiệp gọi vui là thưởng Tết. Giáo viên đều rất mong chờ vào khoản thưởng này", cô Trang nói, lý giải với thu nhập mỗi tháng sáu, bảy triệu đồng, cô không biết lo Tết thế nào. Cô nhẩm tính chi phí cho cả gia đình 4 người về quê Bình Thuận ăn Tết phải hơn 20 triệu đồng, trong khi năm ngoái sau khi cộng nhiều khoản, cô nhận được khoảng 15 triệu.
Thực tế, giáo viên không có lương tháng 13 hay thưởng Tết như người lao động ở các doanh nghiệp. Nhưng mỗi cuối năm, chính quyền, công đoàn của ngành, của trường thường cố gắng thu xếp một khoản để chi cho giáo viên. Nhiều người gọi đây là "thưởng Tết".
Ở quận Hà Đông, Hà Nội, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, cho biết năm nay 100% trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn có thu nhập tăng thêm cuối năm cho giáo viên. Khoản này là phần kết dư từ ngân sách sau khi trừ tiền điện, nước, văn phòng phẩm, các hoạt động giáo dục của trường. Cuối năm còn dư bao nhiêu, các trường sẽ chia đều cho tất cả giáo viên, nhân viên.
Năm nay, theo bà Hằng, giáo viên mầm non có thể nhận 500.000-2 triệu đồng, tùy trường. Đối với bậc tiểu học, THCS, trường có nguồn ngân sách tốt hơn, thu nhập tăng thêm của giáo viên trong khoảng 2-5 triệu đồng. Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên được nhận thêm quà hỗ trợ từ các ban ngành, đoàn thể.
"Năm ngoái do ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường mầm non gần như không hoạt động nên giáo viên không có thu nhập tăng thêm cuối năm. Năm nay, tình hình đã tốt hơn nhưng được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào sự thu vén tài tình của các hiệu trưởng", bà Hằng nói, cho rằng nếu có cơ chế đặc thù về thưởng Tết cho giáo viên, người đứng đầu các trường sẽ đỡ phải giật gấu vá vai, xoay đủ đường để chăm lo Tết, mà giáo viên cũng phấn khởi, ấm lòng sau một năm làm việc.
Mức chi 500.000-2 triệu đồng cũng phổ biến ở các trường học tại tỉnh Bình Thuận. Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay tỉnh không có cơ chế, quy định riêng về thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Lâu nay các trường công vẫn tiết kiệm, sắp xếp các khoản kinh phí phù hợp từ ngân sách chi thường xuyên để cuối năm có nguồn chăm lo Tết cho thầy cô. Các trường tư thục với tài chính tốt có thể "thưởng Tết" khá hơn trường công.
Trong khi chờ đợi lương giáo viên được tăng tương xứng với công sức, trình độ, ông Thái hy vọng Chính phủ hoặc các địa phương có chính sách đặc biệt chăm lo Tết cho giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung. Khoản này có thể không nhiều nhưng "đỡ được phần nào hay phần đó".
Ở Lạng Sơn, bà Phan Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay mỗi năm, Sở và công đoàn thường vận động các nguồn tài trợ để tặng quà cho giáo viên, học sinh khó khăn. Thông thường, quà gồm 500.000 đồng tiền mặt và bánh, mứt, đường, sữa. Các trường thì vận dụng linh hoạt nguồn tiết kiệm ngân sách sau một năm để chăm lo Tết. Trường tiết kiệm nhiều có thể chia cho giáo viên tiền mặt, ít có thể gửi quà tượng trưng như cân thịt, bánh kẹo, gói trà, cà phê hoặc sản vật địa phương.
Đến nay, TP HCM là địa phương duy nhất có chính sách chi thu nhập tăng thêm cho tất cả giáo viên. Trước Tết Nguyên đán, giáo viên được nhận cùng lúc ba khoản, gồm thu nhập tăng thêm quý 4 theo Nghị quyết 03 của thành phố, tối đa là 1,2 lần lương theo ngạch bậc, chức vụ, khoảng 12-20 triệu đồng; thu nhập tăng thêm được chia từ kết dư ngân sách trong năm tài chính của trường. Khoản này tùy vào khả năng thu chi, tiết kiệm của các trường; quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực hành chính, khối sự nghiệp khoảng 1-1,5 triệu đồng một người. Thời điểm nhận thu nhập tăng thêm thường sát Tết Nguyên đán, nên giáo viên vẫn thường gọi nôm na đây là "thưởng Tết".
Thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh), cho biết trường đang đánh giá mức độ hoàn thành công việc, tổng kết chi tiêu trong năm để tính toán mức thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Theo thầy Hân, các trường thường căn cứ vào nhiều tiêu chí để đánh giá, xếp loại. Người đạt loại xuất sắc sẽ được hưởng 100% mức tối đa thu nhập tăng thêm. Với loại tốt, giáo viên sẽ được nhận 85% so với mức xuất sắc. Năm nay, tổng các khoản thu nhập tăng thêm của mỗi giáo viên trong trường thầy Hân khoảng 2 tháng lương, dự kiến chi trước ngày 15/1/2023.
Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho biết năm ngoái các giáo viên, quản lý của trường được nhận 20-30 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm, tùy vào thâm niên, hiệu quả công việc. Năm nay, khả năng cao mức thưởng sẽ nhỉnh hơn năm ngoái.
Bà Trâm nhìn nhận, năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường không có những khoản thu hoạt động khác nên phần tiết kiệm từ ngân sách thường xuyên ít. Năm nay, các hoạt động dạy học quay lại bình thường, ngân sách hoạt động của các trường ổn định, tiết kiệm được nhiều hơn.
"Sau một năm nỗ lực, đến cuối năm các giáo viên rất trông mong vào khoản thu nhập này để chăm lo Tết cho gia đình. Lãnh đạo trường cũng ý thức điều đó nên ngay từ trong năm đã tính toán chi tiêu hiệu quả nhưng tiết kiệm để cuối năm cả trường có khoản dư chia cho thầy cô", cô Trâm bày tỏ.
Thưởng, chăm lo Tết cho giáo viên, theo TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, là điều khiến cả ngành tâm tư, đau đáu nhiều năm qua. Ông cho biết dịp cuối năm, Cục nhà giáo nhận được rất nhiều ý kiến, chia sẻ của thầy cô về việc thưởng Tết. Khi nhìn những ngành nghề khác có lương tháng 13, thưởng Tết, các thầy cô không khỏi xót xa, đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Đức nói, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn các trường có một khoản chăm lo quà Tết cho giáo viên. Hiện nay, kinh phí mua quà lễ, Tết của các trường được lấy từ phần tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên. Tuy nhiên, ngân sách trường công lập thường hạn hẹp, tiết kiệm 10% mỗi năm cũng không đáng kể.
"Tôi biết có những trường ngân sách cả năm 100 triệu đồng, tiết kiệm được 10 triệu nhưng chăm lo cho mấy chục giáo viên thì quà Tết cũng chỉ có tính chất tượng trưng", ông Đức nói.
Đại diện Cục nhà giáo cho biết thêm Công đoàn ngành giáo dục cũng có nhiều chương trình chăm lo cho giáo viên vào dịp Tết. Tuy nhiên, cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Với nguồn lực hạn chế, công đoàn cũng chỉ hỗ trợ được một phần rất nhỏ cho một số giáo viên đặc biệt khó khăn.
"Địa phương có cơ chế thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức như TP HCM sẽ tạo điều kiện cho giáo viên nhiều hơn. Nhưng với nhiều địa phương, mặt bằng kinh tế - xã hội còn khó khăn nên khó có thể đòi hỏi nhiều", ông Đức nhìn nhận.
Chưa mơ xa đến một quỹ thưởng Tết chính thức, những giáo viên như cô Diệu, thầy Dương vẫn mong mỏi một ngày đồng lương giáo viên có thể trang trải cuộc sống, tương xứng với năng lực, công sức cống hiến.
Được nhận khoản thu nhập tăng thêm của thành phố, nhưng cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) xác định phải tiết kiệm từ nhiều tháng trước để sắm sửa Tết đầy đủ cho gia đình. "Về cơ bản, khoản này không thể so sánh với các ngành nghề khác và cũng không đáp ứng hết mong mỏi của giáo viên", cô nói.
Lam Thanh
* Tên một số giáo viên đã được thay đổi