Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) 8/12) quy tụ nhiều lãnh đạo Chính phủ, chuyên gia, người đứng đầu doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Sự kiện có ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.
Nhiều kiến nghị thúc đẩy công nghệ số
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết diễn đàn là cái nôi để công nghệ số trưởng thành và vươn ra toàn cầu. Nhìn lại sự phát triển toàn ngành, những sản phẩm từng đạt giải tại VFTE đều là sản phẩm công nghệ số xuất sắc, sáng tạo có sức ảnh hưởng lớn.
![Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Tùng](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2022/12/09/6bcf55677d97a4c9fd86-167056696-4553-9886-1670576698.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xRuE9aWceE7G3oHw-xP9WQ)
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Tùng
Chủ trì Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiều chia sẻ và thông điệp gửi đến cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam. Theo Phó thủ tướng, để trở thành nước công nghiệp phát triển, có ba vấn đề cần giải quyết.
Đầu tiên là phải thay đổi thể chế. Nếu không làm mới thể chế thì chúng ta sẽ cứ nói mà không phát triển được. Thứ hai, chúng ta phải tập trung hơn vào nhân lực. Thứ ba là việc tìm ra cái gì mới, còn dư địa.
Phó thủ tướng nhắn nhủ: "Doanh nghiệp công nghệ là một trong các lực lượng quyết định Việt Nam có đi nhanh được không. Điều mừng nhất là còn nhiều dư địa, nhưng không được quá mơ mộng, cần có hành động thật".
Ông Vũ Đức Đam cũng chỉ ra lực lượng công nghệ số của Việt Nam hiện vẫn "thiếu cả thầy và cả thợ". Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần thiết lập đội quân có người dẫn dắt, đoàn kết thành sức mạnh của một nước đông, mạnh dạn hơn, bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp số "đừng khoe nhiều giải pháp trung gian. Mục đích cuối cùng của Chính phủ, người dân là sử dụng".
"Thị trường trong nước vẫn còn mênh mông, thị trường nước ngoài càng vô tận. Chúng ta cần làm cùng nhau, đặt ra bài toán thật cụ thể, làm đến cùng, làm xong thì đừng để người dùng bận tâm và nghi ngờ. Các hiệp hội cần phát triển, thể hiện đúng vai trò. Ngành công nghệ thông tin phải được giao sứ mệnh mở đường trong thời đại mới", Phó thủ tướng kết lại.
![Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích tiềm năng và hạn chế của ngành. Ảnh: Đình Tùng](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2022/12/09/45fb15b47844a11af855-167056695-8405-6440-1670576698.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IVrK_zb2dqe0Epp875FQZw)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích tiềm năng và hạn chế của ngành. Ảnh: Đình Tùng
Sau phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, phiên thảo luận bắt đầu với sự tham gia của 16 lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội trong nước và quốc tế. Hai phiên thảo luận sáng, chiều hội tụ các lãnh đạo từ VNPT, CMC, Momo, FPT, Viettel, VMO Holdings, LLC (Mỹ), Cục Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (NIPA), MobiFone, Điện Quang, VieON, Rynan Technologies Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Google Cloud, Sun Electronics Group, Mediatek. Các doanh nghiệp gửi gắm nhiều đề xuất đến Chính phủ, Bộ ngành nhằm tháo gỡ những rào cản trong sự phát triển chung của ngành công nghệ, tìm hướng gia tăng giá trị toàn cầu cho các giải pháp Việt.
Trao 40 giải thưởng Make In Viet Nam
Điểm nhấn tại Diễn đàn là lễ trao giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make In Viet Nam 2022", trong đó giải Vàng của bốn hạng mục được trao cho 4 sản phẩm gồm:
Sản phẩm số tiềm năng: Giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng hải sản - Công ty Cổ phần Rynan Technologics Vietnam.
Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số: Nền tảng quản lý tiêm chủng Vaccine phòng Covid-19 quốc gia - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.
Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số: Nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud - Công ty FPT Smart Cloud.
Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số: Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov - Công ty CP MISA.
![Đại diện bốn doanh nghiệp có giải pháp đạt giải Vàng hạng mục. Ảnh: Đình Tùng](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2022/12/09/c2c8ec5ab2a86bf632b9-1143-1670-7233-7290-1670555299.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rJjgM3DhVOpscLTu8EyxTA)
Đại diện bốn doanh nghiệp có giải pháp đạt giải Vàng hạng mục. Ảnh: Đình Tùng
Ở mỗi hạng mục, ban tổ chức cũng chọn ra các đơn vị đạt giải Bạc, Đồng và Top 10. Năm nay, ban tổ chức giải thưởng nhận 218 hồ sơ. Các vòng được công khai minh bạch, áp dụng công nghệ sống trong các khâu từ nhận hồ sơ, chấm giải. Ban tổ chức đánh giá năm nay có nhiều sản phẩm chất lượng. Một số sản phẩm đạt giải có tính cạnh tranh so với các giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài đang phục vụ tại Việt Nam.
Đối thoại tăng giá trị Việt Nam trên toàn cầu
Ở phiên chiều, ngoài các bài tham luận, lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp cùng tham gia phần đối thoại trực tiếp, bàn luận về vấn đề nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
![Các diễn giả và đại diện FPT tại Singapore, Nhật Bản (kênh trực tuyến) cùng bàn luận về vấn đề nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu với diễn giả tại VFTE. Ảnh: Đình Tùng](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2022/12/09/anh-toan-toa-dam-1670492486-17-7946-5544-1670555299.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gIe8lJWjIcOvgdM30cYzNg)
Các diễn giả và đại diện FPT tại Singapore, Nhật Bản (kênh trực tuyến) cùng bàn luận về vấn đề nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu với diễn giả tại VFTE. Ảnh: Đình Tùng
Phát biểu kết lại phiên thảo luận, Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ: "Việt Nam đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, và đây là cuộc cách mạng được kỳ vọng nhiều nhất, thay đổi thứ hạng, trật tự. Bộ Thông tin và Truyền thông phát động diễn đàn quốc gia hôm nay, nhằm khơi dậy tinh thần Việt Nam, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn".
Thứ trưởng đánh giá, nhiều giải pháp hay đã được mang tới diễn đàn, nhưng bài toán của đất nước cần được nghiên cứu nhiều hơn. Đó là bài toán về nông nghiệp thông minh trong bối cảnh nông nghiệp Việt còn manh mún, nhỏ lẻ, bài toán về năng lượng theo COP26... "Các giải pháp phải được giải trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam", Thứ trưởng nhấn mạnh. "Cần phát triển bền vững, nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, lấy thị trường trong nước là cái nôi để đi ra nước ngoài", Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Hoạt động bên lề, xuyên suốt diễn đàn là triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu. Các gian hàng thu hút hàng trăm lượt tham quan, tìm hiểu.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ở năm thứ tư, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
![Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm các gian hàng công nghệ tại diễn đàn. Ảnh: Đình Tùng](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2022/12/09/FPT-5-7314-1670576698.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=seubwRUs6E-olmdpP2Fp3g)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm các gian hàng công nghệ tại diễn đàn. Ảnh: Đình Tùng
Minh Tú
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2022 có sự đồng hành của Giao Hàng Tiết Kiệm, VNPT, FPT, MoMo, OCB, MobiFone, Điện Quang, MediaTek, Misa, Sun Electronics...
![Dấu ấn nổi bật của VFTE 2022 - 5](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2022/12/14/Online-740X400-6326-1671032781.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m0kYCgMd6vZ9PvzYpdpR8Q)