Không khí tưng bừng đang bao phủ thủ đô Triều Tiên trong buổi sáng mùa xuân ngập nắng ở Bình Nhưỡng hôm 12/4. Người dân đổ ra những điểm tham quan lớn nhất trong thành phố như quảng trường Khải Hoàn Môn hay quảng trường Kim Nhật Thành, bất chấp những căng thẳng đang diễn ra trên bán đảo, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ra lệnh cho một cụm tàu sân bay chiến đấu chuyển hướng đến Hàn Quốc. Ông cũng tuyên bố sẽ có biện pháp để "giải quyết vấn đề Triều Tiên", do lo ngại nước này sắp tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Những động thái này của Mỹ khiến dư luận lo ngại xung đột sẽ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
"Tôi chỉ là một người dân thường, vì thế tôi không quan tâm lắm đến chính trị", một phụ nữ có tên Ri Hyon-sim cho biết. "Có một điều chắc chắn là dưới sự bảo vệ của lãnh đạo tối cao Kim Jong-un, chúng tôi không sợ gì hết".
Triều Tiên đã mời khoảng 200 nhà báo nước ngoài tới Bình Nhưỡng đưa tin về lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, các nhà báo luôn bị quản lý chặt và mọi cuộc đối thoại với người dân đều bị giám sát.
Theo lời bà Ri, các cô gái Triều Tiên mặc váy hồng, vàng, đỏ, đang vội vã chuẩn bị cho màn biểu diễn vào ngày 15/4, ngày kỷ niệm sinh nhật ông Kim Nhật Thành. Quốc gia này cũng thường xuyên đánh dấu các sự kiện quan trọng bằng những cuộc thử hạt nhân hoặc tên lửa.
Hyon Un-mi, một hướng dẫn viên du lịch ở Khải Hoàn Môn, công trình được xây dựng để kỷ niệm cuộc kháng chiến chống Nhật vào đầu thế kỷ 20, cho biết cô đang theo dõi mọi sự kiện trên truyền hình và báo chí.
Hyon gọi Mỹ là đế quốc đang muốn xâm chiếm quê hương mình.
"Người dân nước tôi không thích những đế quốc kiểu này. Dạo gần đây, họ lại muốn tái xâm chiếm đất nước chúng tôi", Hyon nói.
"Còn ông tổng thống Mỹ thì...", cô nhăn mặt, nhún vai rồi không nói nữa.
Thực tế, Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc sau khi cuộc xung đột Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình.
Tuy nhiên, Hyon luôn hy vọng hai miền đất nước thống nhất.
"Người dân chúng tôi đang bị chia rẽ", cô nói. Hyong vừa xem một trận giao hữu bóng đá nữ giữa hai miền Triều Tiên vào tuần trước. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 1-1 và Hyon rất buồn.
"Mọi người vừa xem vừa buồn. Đất nước chúng tôi đang bị chia cắt", cô nói.
Hồng Hạnh