Nhưng lần này, ba màu sắc ấy không đại diện cho quốc kỳ Nga. Quốc gia đăng cai World Cup 2018 năm nay bị FIFA cấm tham gia giải vô địch bóng đá thế giới đang diễn ra ở Qatar vì chiến sự tại Ukraine. Khi đội tuyển Nga vắng mặt ở World Cup, cổ động viên nước này quay sang cổ vũ cho "đồng minh" Serbia.
"Chúng tôi luôn ủng hộ Serbia và sẽ tiếp tục cổ vũ họ. Tôi cho rằng Serbia là người anh em của Nga", Kirill Gnevuchev, quản lý một công ty đồ điện tử, nói trong quán bar ở trung tâm Moskva, ngày 24/11.
Gnevuchev cùng bạn bè tới đây cổ vũ cho Serbia, đội tuyển có biệt danh Đại bàng, trong trận mở màn vòng bảng với đội tuyển Brazil. Serbia thua Brazil 0-2 trong trận đấu đó và sẽ gặp Cameroon hôm nay.
Trong khi các nước láng giềng châu Âu của Serbia liên tục tung ra các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc chiến Ukraine, mối quan hệ chặt chẽ từ lâu giữa Belgrade và Moskva vẫn không bị tổn hại.
Trong quán bar ở Moskva nhộn nhịp bất thường vào ngày làm việc, chiến sự Ukraine dường như rất xa vời. Những cô gái vẽ cờ Serbia trên má, người hâm mộ thảo luận về trận đấu, nhấm nháp bia lạnh trong khi theo dõi trận đấu. "Tôi sẽ rất vui nếu đội tuyển Serbia thắng", Roman Marshak, 34 tuổi, nói.
Roman Yanchinsky, nhân viên pha chế, thì mừng vì quán đông khách khác thường. "Nhờ Serbia mà hôm nay chúng tôi kín chỗ", người đàn ông 41 tuổi nói.
Theo cuộc thăm dò được trang tin tức thể thao Nga Championat tiến hành hồi giữa tháng 11, Serbia là đội được cổ động viên Nga yêu mến nhất trong các đội tham dự World Cup.
Đội tuyển Nga vắng mặt nên các bình luận viên truyền hình Nga tập trung thảo luận về màn trình diễn của các tiền đạo Serbia là Dusan Vlahovic và Aleksandar Mitrovic.
"Chúc may mắn tại World Cup! Chúng tôi tin các bạn sẽ thành công, những người anh em!", đội tuyển bóng đá quốc gia Nga viết trên mạng xã hội bằng tiếng Serbia.
Rossotrudnichestvo, cơ quan chính phủ Nga về trao đổi văn hóa, cổ vũ Serbia bằng tuyên bố: "Cùng sắc áo, cùng niềm tin. Tiến lên Serbia".
Tuy nhiên, sự vắng mặt của đội tuyển Nga tại World Cup dường như là lời nhắc nhở rằng nước Nga đang bị cô lập như thế nào, chỉ 4 năm sau khi chào đón người hâm mộ khắp thế giới đến Nga với tư cách là nước đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Marshak tiếc vì không thể đi nước ngoài du lịch dễ dàng như trước, sau khi đa số các nước châu Âu đóng cửa không phận với máy bay Nga và nhiều hãng hàng không dừng chuyến bay tới Nga. Anh cũng đặt câu hỏi về tương lai của bóng đá Nga sau khi các cầu thủ nước ngoài rời đi.
"Có thể điều này sẽ có lợi cho các tài năng trẻ người Nga. Nhưng sẽ không ai ở châu Âu muốn tuyển dụng họ trong bối cảnh này", anh nói.
Tại đất nước mà bóng đá là một trong những môn thể thao được yêu thích nhất, việc Nga vắng mặt ở World Cup là điều đau đớn.
"Thể thao không nên gánh hậu quả của chính trị", Gleb, một sinh viên 18 tuổi, nói tại quán bar.
Marshak so sánh tình hình của Nga với Nam Tư, quốc gia bị loại khỏi Euro năm 1992 và World Cup 1994 do chiến tranh. Serbia, đội tuyển được FIFA và UEFA coi là đội kế thừa trực tiếp và duy nhất của Nam Tư, sau đó được quay lại với các giải đấu quốc tế.
"Chúng tôi cũng sẽ quay lại", Marshak nói. "Nhưng chừng nào tình hình chính trị vẫn như hiện nay, sẽ không có gì thay đổi. Ngày nay, thể thao và chính trị không thể tách rời".
Hồng Hạnh (Theo AFP)