Tuần trước, khi đến nộp hồ sơ ở một trường công lập của quận Đống Đa, chị Ngân mới biết đến các tổ hợp môn lựa chọn ở lớp 10.
Con chị là lứa học sinh thứ ba theo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng từ năm 2022. Theo đó, các em có 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, học sinh được chọn 4 trong 9 môn khác (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Về lý thuyết, học sinh có 126 cách chọn, song thực tế mỗi trường THPT thường có khoảng 5-8 tổ hợp, chủ yếu chia thành hai nhóm tự nhiên và xã hội, tùy thuộc số giáo viên và cơ sở vật chất.
Định hướng con theo ngành Công nghệ thông tin, người mẹ nghĩ chỉ cần học Vật lý để xét tuyển đại học bằng khối A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Do đó, chị đăng ký tổ hợp gồm Địa, Lý, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Nhưng khi tham khảo các phụ huynh khác, chị Ngân suy nghĩ lại. Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp từ 2025 sẽ có hai môn bắt buộc là Toán và Văn, thêm hai môn lựa chọn, song phải từ những môn mà học sinh được học ở bậc THPT. Như vậy, nếu đổi sang chọn tổ hợp có cả môn Lý và Hóa, con chị sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
"Ngoài khối D01 (Toán, Văn, Anh) và A01, con còn có cơ hội vào đại học bằng khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và D07 (Toán, Hóa, Anh)", chị Ngân nhìn nhận. "Vì thế, tôi đến trường xin đổi tổ hợp cho con".
Hoàng Anh, quận Long Biên, cũng vừa trải qua một tuần cân nhắc chọn tổ hợp sau khi trúng tuyển lớp 10. Nữ sinh chỉ muốn duy trì học ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh để đăng ký xét tuyển đại học bằng khối D01, nên chọn tổ hợp gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Âm nhạc/Mỹ thuật để "học cho nhẹ".
Tuy nhiên, sau buổi tư vấn của trường, bố mẹ em can ngăn, khuyên chọn tổ hợp có môn Lý hoặc Hóa để mở rộng lựa chọn.
"Em không thích cả Lý và Hóa, muốn tập trung cho những môn đã có nền tảng", Hoàng Anh nhìn nhận. "Em và bố mẹ không quá căng thẳng nhưng nói nhiều cũng mệt".
Tuần qua, chọn tổ hợp là chủ đề được nhiều phụ huynh, học sinh mới trúng tuyển lớp 10 quan tâm. Ở Hà Nội, 77.000 gia đình có khoảng 4-6 ngày suy nghĩ để "chốt" tổ hợp khi nhập học.
Khi thi tốt nghiệp, việc chọn 2 trong 9 môn (ngoài Toán và Văn bắt buộc) tạo ra 36 lựa chọn khác nhau. Nhưng thực tế, chỉ 11 lựa chọn tạo thành các khối xét tuyển đại học truyền thống, phổ biến, được nhiều trường sử dụng.
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh đăng bài xin tư vấn ưu và nhược điểm của mỗi tổ hợp. Một số người bình luận rằng chọn môn học cũng "đau đầu" không kém đặt nguyện vọng vào lớp 10.
"Ngày trước cứ học đã, rồi thi gì tính sau. Nhưng giờ lại phải chọn môn ngay từ đầu. Tôi lúng túng nên phải tham khảo nhiều người", chị Ngân nói.
Xem 36 tổ hợp thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, cho rằng tâm lý phân vân, lúng túng của phụ huynh là dễ hiểu. Lý do là ở cấp THCS, không nhiều học sinh có định hướng về ngành, nghề. Cả phụ huynh và con em chỉ tập trung vào mục tiêu cao nhất là đỗ lớp 10. Chưa kể, chương trình 2018 mới triển khai được hai năm, định hướng thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng mới được Bộ công bố cuối năm ngoái.
Ngoài ra, các nhà trường truyền thông chưa đồng đều. Thế nên, khi nhập học, phụ huynh và học sinh mới lần đầu biết đến các tổ hợp, bối rối khi chọn.
Với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp, nếu không cân nhắc, học sinh có thể bị giới hạn lựa chọn xét tuyển đại học.
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, biết một học sinh gặp khó vì muốn thi đại học môn Sinh, nhưng lại không học môn này ở trường.
Theo hướng dẫn của Bộ, nếu học sinh có nhu cầu, trường vẫn cho đổi tổ hợp nhưng phải vào cuối năm học. Thầy Công cho rằng ngay cả khi đổi được, học sinh cũng gặp rủi ro. Thứ nhất là việc thiếu hụt kiến thức so với những bạn đã học môn đó từ năm lớp 10. Hai là nếu trường đại học đặt điều kiện về điểm học bạ 3-6 học kỳ của các môn thì các em sẽ không đủ đầu điểm.
Để tránh chọn sai tổ hợp, các nhà giáo cho rằng hoạt động hướng nghiệp, chọn tổ hợp nên được các trường làm sớm và mạnh hơn, từ bậc THCS. Như vậy, các gia đình có định hướng từ khi chọn trường THPT, thay vì đến lúc con trúng tuyển mới bắt đầu nghiên cứu và có thể phải học tổ hợp không như mong muốn.
Về phía thí sinh và phụ huynh, hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành khuyên mỗi gia đình căn cứ vào lực học và nguyện vọng của con. Nếu chưa có định hướng rõ về ngành, nghề tương lai, học sinh nên chọn lĩnh vực, từ đó tìm môn học phù hợp.
"Kể cả khi không thực sự thích môn nào, các em vẫn cần tự trả lời rằng học những môn này thì sẽ được xét tuyển đại học bằng khối nào, không nên chọn vu vơ", ông nói. "Đây là quyền lợi sát sườn, ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai. Nếu phân vân, hãy chọn tổ hợp cho nhiều lựa chọn xét tuyển hơn".
Với các trường đại học, thầy Công cho rằng cần sớm công bố định hướng tuyển sinh 2025.
Tới tháng 7/2024, chỉ vài trường đại học công bố phương hướng tuyển sinh cho năm tới. Chẳng hạn, trường Đại học Nha Trang công bố những môn học cần có ở bậc THPT để xét tuyển vào mỗi ngành của trường; còn trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết duy trì ba phương thức tuyển sinh như năm nay, sử dụng bốn tổ hợp là A00, A01, D01 và D07.
Theo các nhà giáo, nếu có nhu cầu, học sinh nên chuyển tổ hợp càng sớm càng tốt. Việc này giúp các em có đủ thời gian bổ sung kiến thức, được chọn môn đó để thi tốt nghiệp, học bạ cũng có nhiều đầu điểm xét tuyển nhất có thể.
Sau khi tham khảo, chị Ngân đã đổi xong tổ hợp cho con sang Lý, Hóa, Tin và Âm nhạc. Người mẹ nói "nhẹ cả người".
"Con nói tới lớp 12 chỉ học Lý hay Hóa, 'buông' một môn còn lại cũng được. Nhưng giờ cứ nên học cả hai để nắm tình hình", chị Ngân cho hay.
Còn Hoàng Anh cuối cùng đã nghe theo lời khuyên của bố mẹ, chọn tổ hợp có môn Lý.
"Nếu không hợp vẫn có thể xét tuyển bằng Văn, Toán, Tiếng Anh như bình thường, còn ổn thì có thêm cơ hội xét đại học", nữ sinh nhìn nhận.
Thanh Hằng