Với dịch vụ tra cứu bằng chatbot qua website, người dùng truy cập một trong ba địa chỉ: https://dichvucong.danang.gov.vn/, https://gopy.danang.gov.vn/ hoặc https://1022.vn/ để tiến hành sử dụng. Sau khi truy cập, giao diện chatbot sẽ nằm ở góc phải màn hình. Người dùng sẽ kết nối với Facebook Messenger hoặc trò chuyện với vai trò là Khách truy cập, trên cả giao diện web hoặc giao diện di động.
Sau khi mở chatbot, người dùng nhập vào cụm từ "Bầu cử" để truy cập tính năng tra cứu nhanh thông tin bầu cử, gồm Danh sách chi tiết đơn vị bầu cử và Danh sách những đại biểu ứng cử tại Đà Nẵng. Người dùng cũng có thể tra cứu thông tin về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngày bầu cử, tuổi bầu cử và các thông tin khác. Sau mỗi lần xem hết các nội dung, người dùng chọn nút Quay lại.
Ở mục Bỏ phiếu bầu cử, người dùng sẽ được cung cấp các nội dung về Quy định khu vực phiếu bầu, phòng bỏ phiếu, cũng như các quy tắc về bỏ phiếu và bỏ hộ phiếu bầu. Với mục Điểm bỏ phiếu, người dùng sẽ được cung cấp danh sách cử tri và địa điểm bỏ phiếu theo từng quận trong thành phố Đà Nẵng mà mình quan tâm. Danh sách sẽ được hiển thị bằng tệp Excel hoặc tệp ảnh trên cửa sổ mới của trình duyệt.
Tương tự trên Zalo, người dùng vào ứng dụng và tìm kiếm với cụm từ "Tổng đài 1022 Đà Nẵng", sau đó chọn Quan tâm. Ở tùy chọn phía dưới, nhấn vào Bầu cử để chọn nội dung cần xem. Lúc này, danh sách đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử sẽ hiển thị để lựa chọn. Khi truy cập vào đơn vị bầu cử mình cần, người dùng sẽ được cung cấp chi tiết về địa chỉ, lý lịch và các thông tin về đại biểu như quê quán, chức vụ hiện tại, quá trình công tác và các chương trình hành động của họ.
Để biết địa điểm mình đang bỏ phiếu thuộc khu vực nào, người dùng chỉ cần nhập vào tên xã/phường nơi cư trú, sau đó bấm Gửi. Các thông tin trả về là các địa điểm bầu cử, số đại biểu ứng cử... được hiển thị trực quan và dễ sử dụng.
Cả hai hệ thống chatbot được xây dựng bởi các kỹ sư thuộc Trung tâm Thông tin Trung tâm Dịch vụ công Đà Nẵng và vận hành qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến 1022. Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng cho biết, hệ thống chatbot được xây dựng từ năm 2018 để phục vụ cho nhu cầu thông tin của người dân ở các lĩnh vực khác nhau. Riêng dữ liệu về bầu cử được nạp cách đây gần một tháng.
"Chatbot sẽ là kênh thông tin nhanh chóng và chính xác, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc nắm bắt các thông tin về bầu cử, thay vì phải đến các địa điểm bầu cử hoặc các nguồn tin riêng lẻ như trước đây", ông Quốc cho biết. "Đối với nội dung khó, phức tạp, chatbot chưa có câu trả lời thì sẽ hướng dẫn người dùng chat trực tiếp với tư vấn viên".
Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bầu cử theo hướng sáng tạo, bên cạnh các phương pháp truyền thống nhằm đưa thông tin về ngày bầu cử đến toàn dân. Thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp công nghệ khác để hướng đến một đô thị thông minh.
Bảo Lâm