*Thái Lan – Việt Nam: 20h Chủ nhật 5/1, trên VnExpress.
- Ở lượt đi Việt Nam thắng Thái Lan 2-1, để nắm lợi thế trước lượt về tại sân Rajamangala, Bangkok hôm nay. Ngoài kết quả, ông rút ra thêm được điều gì từ hai đội ở trận đó?
- Khi xem số liệu thống kê, tôi cảm thấy khá thú vị vì lối chơi và chiến thuật của hai đội khá khác nhau. Việt Nam đưa bóng hướng trúng đích 13 trong 21 lần dứt điểm, còn Thái Lan là 3 trong 9 lần. Nhưng, tỷ lệ kiểm soát bóng của Việt Nam là 36%, tức là chỉ gần một nửa so với Thái Lan. Ngoài ra, số đường chuyền của chủ nhà là 262 so với 472 của đội khách.
Thống kê đó cho thấy Thái Lan kiểm soát bóng với khả năng tấn công mạnh hơn, nhưng Việt Nam chơi hiệu quả hơn. Có thể thấy đây là ý đồ chiến thuật của HLV Kim Sang-sik. Khi có bóng, các cầu thủ của ông ấy cố gắng ghi bàn bằng phản công nhanh, không cho phép hàng thủ đối phương thiết lập sự ổn định và tập trung. Tổng thể thì Việt Nam không hay hơn Thái Lan, nhưng lại đạt được những gì họ muốn.
Nó cũng cho thấy khác biệt giữa phong cách bóng đá Nhật Bản (HLV Masatada Ishii) và Hàn Quốc (HLV Kim Sang-sik). Việt Nam thể hiện lối chơi gây áp lực mạnh, những đường chuyền tầm trung, dứt điểm và phản công nhanh theo phong cách Hàn Quốc. Thái Lan xây dựng tấn công bằng cách tăng cường kiểm soát bóng với chuyền ngắn và chính xác theo ảnh hưởng từ bóng đá Nhật Bản. Do đó, trận chung kết giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng thu hút sự quan tâm và theo dõi của nhiều người, đặc biệt ở Hàn Quốc.
- HLV Ishii cho rằng Việt Nam không có điểm gì mới ngoài Nguyễn Xuân Son so với lần gần nhất chạm trán vào tháng 9/2024, khi Thái Lan thắng 2-1 ở sân Mỹ Đình. Ông nghĩ sao về điều này?
- HLV Ishii không thừa nhận thất bại vì còn trận lượt về sân nhà. Họ không phải đối thủ dễ bị đánh bại. Thực tế, ở lượt đi, Thái Lan kiểm soát trận đấu ở nhiều khía cạnh với nhiều số liệu thống kê tốt hơn, vì vậy ông ấy tự tin để chiến thắng.
Tôi nghĩ rằng Thái Lan đã không đánh giá đúng hoặc không quan tâm quá nhiều đến sự hiện diện của Nguyễn Xuân Son. Họ dường như không chủ động kèm cặp hay thiếu bọc lót khi tiền đạo này di chuyển. Những gì Son làm trong hiệp hai là ấn tượng hơn mong đợi của tôi. Sau những gì đã xảy ra, Thái Lan sẽ tập trung kèm cặp và can thiệp nhiều hơn vào lối chơi của Xuân Son tối nay. Việt Nam nên coi đó là lợi thế để tận dụng khi đối thủ quá tập trung vào một người.
- Theo ông, Việt Nam cần khắc phục những chi tiết và khai thác điểm yếu nào từ Thái Lan để giành kết quả có lợi?
- Khác biệt ở lượt về là việc thi đấu trên sân Rajamangala. Thái Lan có truyền thống chơi rất tốt và tạo ra những kết quả như ý trên sân nhà.
Nếu Việt Nam thắng cách biệt hai bàn ở lượt đi, đội có thể bước vào lượt về với sự ổn định và chiến thuật hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thắng cách biệt một bàn có thể buộc Việt Nam phải phòng thủ nhiều hơn trên sân khách, vì Thái Lan sẽ cố gắng tấn công mạnh mẽ và nhanh hơn để ghi bàn. Để không cho đối phương áp đảo, Việt Nam cần ổn định hàng phòng ngự trước tiên rồi phản công nhanh ngay khi kiểm soát bóng. Một cách hữu hiệu khác là pressing quyết liệt ở tuyến giữa để tấn công nhanh.
Thái Lan phối hợp và tổ chức hàng thủ không hiệu quả. Điều này bộc lộ nhiều lần trước Philippines ở bán kết, và thường xuyên xảy ra ở lượt đi chung kết. Các tiền đạo Việt Nam nên tiếp tục tận dụng.
- Theo ông, phải chăng HLV Kim Sang-sik đang tận dụng tối đa sức mạnh và thể lực để chiến thắng thay vì ưu tiên chiến thuật?
- Thái Lan và Việt Nam đều có ưu và nhược điểm trong những tình huống khác nhau ở bán kết. Các trận đấu ở sân cỏ nhân tạo khiến cầu thủ mệt mỏi và đối mặt rủi ro chấn thương nhiều gấp đôi sân cỏ tự nhiên. Nhưng Việt Nam thắng dễ Singapore, còn Thái Lan gặp kết quả bất lợi ở lượt đi. Đến lượt về, Việt Nam tiếp tục thắng dễ lại có nhiều hơn một ngày nghỉ, còn Thái Lan phải đá hiệp phụ. Vì vậy, tôi đã kỳ vọng Việt Nam thắng áp đảo hơn ở lượt đi chung kết.
Trong mọi trường hợp, kết quả ở lượt đi đều ảnh hưởng đến cách Thái Lan chuẩn bị ở lượt về. Thái Lan bây giờ đã biết các vấn đề. Việt Nam thật khó để duy trì lợi thế dẫn trước nếu chỉ tập trung vào phòng ngự, nhưng cũng là quá nhiều nếu chuyển sang chơi đôi công. Trận đấu tối nay như một bài kiểm tra sự chuẩn bị chiến thuật của HLV Kim Sang-sik.
- Có quan điểm cho rằng Việt Nam đang thi đấu giống một số đội V-League là liên tục chuyền bóng cho cầu thủ cao to như Nguyễn Xuân Son để định đoạt trận đấu. Ông nghĩ sao?
- Theo tôi, HLV Kim và các cầu thủ Việt Nam rất tin tưởng, đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng di chuyển và ghi bàn của Xuân Son. Lối chơi của tiền đạo này khiến đối thủ phòng ngự khó khăn hơn, đồng thời cách Son di chuyển tạo ra khoảng trống cho các đồng đội ghi bàn.
Với Son, HLV Kim có thể thử nhiều chiến thuật khác nhau. Việc tạo ra khả năng tấn công cũng đồng nghĩa ông ấy có thể giúp hàng thủ hoạt động ổn định hơn.
- Còn màn trình diễn của Quang Hải và Hoàng Đức?
- Tôi cũng ấn tượng với màn trình diễn của hai cầu thủ này. Tôi từng làm việc với Quang Hải ở ĐTQG và Hoàng Đức ở Thể Công. Họ thuận chân trái và có kỹ thuật tuyệt vời trong chuyền, sút, điều tiết nhịp độ trận đấu. Cuối cùng, kỹ thuật của Hải và Đức chính là lợi thế và nền tảng để Việt Nam phát huy các điểm mạnh của Xuân Son.
- Một chi tiết khác là việc xoay tua thủ môn Nguyễn Filip và Nguyễn Đình Triệu. HLV Kim lý giải việc sử dụng Đình Triệu nhiều hơn vì căn cứ vào đối thủ, kế hoạch và đặc biệt là khả năng giao tiếp tiếng Việt tốt hơn. Là người làm chuyên môn, ông thấy thế nào?
- Tôi tôn trọng ý kiến của HLV Kim. Nhưng, nếu hỏi quan điểm riêng, tôi không đồng tình 100% với lời giải thích ấy. Thủ môn là vị trí rất quan trọng, có thể định đoạt kết quả trận đấu. Giao tiếp rõ ràng quan trọng trong lựa chọn thủ môn, nhưng không thể coi là ưu tiên vô điều kiện. Cần ưu tiên thủ môn trình độ tốt hơn. Việc giao tiếp với hậu vệ quan trọng, nhưng có thể bổ sung trong quá trình tập luyện.
HLV trưởng và HLV thủ môn phải kiểm tra và cân nhắc kỹ các lựa chọn thông qua trao đổi trước trận, đánh giá phong độ trong ngày diễn ra trận đấu. Cuối cùng, quan trọng là quyết định và sự tự tin của HLV trưởng.
Chuyên gia Bae Ji-won sinh năm 1963 tại Hàn Quốc, từng thi đấu và học bóng đá tại Đức. Ông theo nghiệp huấn luyện từ 28 tuổi, và có tất cả các bằng huấn luyện bóng đá của LĐBĐ Đức. Ông hoàn thành cấp độ huấn luyện thể chất tại Trung tâm y tế Đại học Kiel và bằng huấn luyện bóng đá cấp cao nhất tại Đại học Thể thao Cologne. Năm 2002, ông Bae làm HLV thể chất cho các trọng tài tại World Cup ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, sự nghiệp huấn luyện bắt đầu tại Đại học Seoul, rồi chuyển sang các CLB chuyên nghiệp Hàn Quốc như Jeonbuk Hyundai, Busan Icons, Pohang Steelers, Ulsan Hyundai và Gangwon. Năm 2005, ông là trợ lý HLV và HLV thể lực cho U19 Bournemouth tại Anh. Năm 2017, Bae Ji-won làm HLV thể lực cho ĐTQG và U23 Việt Nam thời HLV Park Hang-seo, rồi chia tay sau khi vô địch AFF Cup 2018. Sau đó, ông sang Hong Kong làm việc ở hai CLB lớn nhất là Kitchee và Eastern. Năm 2022, ông trở lại Việt Nam làm việc cho Thể Công Viettel và có giai đoạn làm HLV tạm quyền sáu tháng cuối năm 2022, trước khi rời đội vào tháng 12/2023. |
Hiếu Lương