Trong văn phòng hơn 300 m2 còn ngổn ngang bàn ghế setup cho các nhóm làm việc trong khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội), Thanh - Founder Launch Zone cho biết nơi đây sẽ ươm mầm các startup có ý tưởng và sản phẩm tốt về công nghệ blockchain.
Ở Launch Zone, Thanh đảm nhiệm vai trò CTO (giám đốc công nghệ). Trên nhiều diễn đàn công nghệ, anh được biết đến ở vai trò cố vấn, thành viên bán giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp với blockchain. Mới đây nhất anh là thành viên ban giám khảo Vòng loại Quốc gia Việt Nam cho cuộc thi Olympic Blockchain Quốc tế, tổ chức bởi YellowBlocks, Hub Global và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Dù vậy trước đó với công nghệ blockchain Thanh lại được xem là dân "tay ngang". Năm 2016, khi công việc của anh vẫn đang trôi chảy, làm quản lý kinh doanh (sale manager) tại Vingroup thu nhập mỗi tháng 100 triệu đồng, có khi lên tới 200 triệu đồng nhưng sau lời rủ rê của Lộc - "đây chính là thời điểm để bứt phá của blockchain" - Thanh cùng bạn bước ra khởi nghiệp.
Thanh kể, đúng là khởi nghiệp không "ngon ăn" như ban đầu nghĩ. Khi bắt tay vào xây dựng một startup về mảng thiết kế và in ấn - cá nhân hóa nhưng startup sinh năm 1986 đã không thành công. Sau đó anh ngày đêm tìm kiếm tài liệu, đọc sách để tìm hiểu về công nghệ và ứng dụng của blockchain.
Đến năm 2018 nhóm xây dựng nền tảng với nhiều yếu tố kỹ thuật tốt, có thời gian giao dịch nhanh (2s), phí giao dịch bằng không, phù hợp với nền tảng blockchain trong thanh toán. Thế nhưng do nhu cầu thị trường thời điểm đó không có người sử dụng. Bước đầu thất bại, đến năm 2019 cả team định vị lại sản phẩm, xây dựng hệ sinh thái để giải bài toán thu hút người dùng.
Đầu năm 2020, thị trường blockchain khó khăn nhất. "Bọn em đã phải bán đất đai nhà cửa để có vốn để tiếp tục xây dựng duy trì dự án. Cuối 2020 và đầu 2021 thị trường phát triển trở lại, chứng minh là hướng đi nhóm đã lựa chọn là đúng", Thanh chia sẻ.
Anh dẫn giải hiện Launch Zone có số lượng người đang follow trên kênh twitter khoảng 200 nghìn thành viên đến từ nhiều quốc gia. Cứ mỗi đợt triển khai để quảng bá dự án thì có từ 30.000 đến 60.000 thành viên cộng đồng này đồng ý tham gia kể cả về vốn phát triển, hoặc tham gia dùng thử sản phẩm. Ngoài ra, nhóm có kết nối tới hơn 300 các quỹ đầu tư và KOLs (là những người có nhiều tiếng nói, hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực blockchain).
Đầu tháng 8/2021 startup StepHero, là một đơn vị phát triển game trực tuyến, được LaunchZone hỗ trợ, chỉ sau 10 ngày đã đạt được hơn 100.000 người quan tâm đến dự án. Dự án cũng liên tục xếp hạng top 1 - 3 về các chỉ số người dùng lớn nhất trên mạng xã hội Twitter về mảng blockchain gaming.
Cùng là Founder, CMO của Launch Zone, Đinh Quang Lộc từng là chủ của chuỗi 7 cửa hàng điện thoại lớn tại nhiều tỉnh thành cũng bỏ ngang để "rủ rê" Thanh Đào khởi nghiệp blockchain. Hiện Lộc phụ trách chính mảng marketing lại Launch Zone.
Chia sẻ về lĩnh vực blockchain tại Việt Nam hiện tại, Lộc cho rằng startups chưa thành công ở thị trường này có tỷ lệ rất cao, ngay cả khi được nâng đỡ bởi nhiều quỹ đầu tư lớn nhưng vẫn thất bại. Dù tiềm năng ở "thị trường không ngủ - blockchain" rất cao nhưng từ thất bại ban đầu của nhóm giúp anh nhận ra nếu chỉ có công nghệ hay sản phẩm tốt là chưa đủ, có vốn đầu tư cũng không hẳn sẽ thành công mà cần kết hợp nhiều yếu tố: Vốn, công nghệ, con người và chiến lược marketing. Đây cũng chính là lý do team muốn trở thành "bàn đạp" hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp đưa sản phẩm blockchain ra thế giới.
"Chúng tôi mất hơn 3 năm để thành công, nhưng các startup bây giờ sẽ chỉ mất 1-3 tháng nếu được dẫn dắt", Lộc nói.
Theo Đinh Quang Lộc, blockchain là công nghệ lưu trữ dữ liệu dưới hình thức phi tập trung chứ không phải là cái gì quá cao siêu. Hiện một số lĩnh vực có thể ứng dụng blockchain như tài chính ngân hàng, game...
Blockchain là một thị trường có xu hướng và tâm điểm thường thay đổi rất nhanh chóng. Điểm mạnh của các dự án tại Việt Nam ở chỗ, trước đây họ là những đội ngũ làm outsource cho nước ngoài, có khả năng thích ứng về sản phẩm rất nhanh. Nhưng điểm yếu là startup không đủ nhạy bén để nhận biết được xu hướng thị trường đó có phù hợp với điểm mạnh của đội ngũ hay không. "Những điểm yếu này team sẽ hỗ trợ để các nhóm khắc phục", Lộc nói.
Để được hỗ trợ, startup phải đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản như có đội ngũ mạnh, thành viên chuyên sâu về blockchain cũng như về sản phẩm mang tính xu hướng. Ngoài ra team cần phải có thành viên có khả năng tổ chức marketing tốt và quan trọng là cần có tiếng Anh tốt để giao dịch và quảng bá sản phẩm.
Thanh cho biết, các startup sẽ được tìm kiếm, ươm mầm để định hướng sản phẩm, phải là thứ thị trường cần đến. LaunchZone có thể đầu tư vào các startup cả về nhân lực, vật lực cũng như sự ủng hộ từ cộng đồng có sẵn của LaunchZone.
Theo Đào Thanh, blockchain đang được quan tâm rất nhiều và được kỳ vọng sẽ áp dụng rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Nó cơ bản có thể thay thế vai trò của người trung gian, giúp các bên có thể làm việc với nhau mà không cần sự quen biết hay tin tưởng từ trước. Điều đáng tiếc là Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho blockchain, dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám. Phần lớn các startup blockchain hiện phải đăng ký công ty ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực... đều ở Việt Nam. "Việt Nam đang có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng lại chưa có khung pháp lý rõ ràng cho blockchain. Nếu có, anh em công nghệ sẽ rất muốn đặt công ty ở Việt Nam", Lộc nói.
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, công nghệ blockchain là nền tảng để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục đích của ứng dụng phổ biến nhất của blockchain là lĩnh vực tài chính gồm ngân hàng, thanh toán, tín dụng, huy động vốn, đặc biệt gần đây liên quan đến bất động sản. Đó là lĩnh vực rất nhạy cảm của nền kinh tế, việc ứng dụng blockchain có thể tạo ra những đột phá, tiến bộ vượt bậc nhưng đồng thời tỉ lệ thuận với rủi ro. "Nếu không kiểm soát được thì số doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Việt Nam là nước đang phát triển, cần có lộ trình để tiếp thu công nghệ từng bước", TS Quất nói.
Ông Quất cho biết, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã trình Bộ Tư pháp xây dựng quy định cơ chế đặc thù để ứng dụng thử nghiệm cho một số đối tượng lĩnh vực thanh toán sử dụng công nghệ blockchain. Quy chế này sẽ trình Chính phủ, nếu được thông qua sẽ đưa vào bước đầu thử nghiệm. Về huy động vốn xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang nghiên cứu hình thức giao dịch vốn dành cho startup và các hình thức huy động vốn khác.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đang nghiên cứu sửa đổi luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vửa, nghị định 38 thi hành luật này sửa đổi làm sao để nguồn đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào trong nước thuận tiện hơn. Cơ chế huy động vốn cộng đồng, xã hội gắn với mô hình tài chính cá nhân... là những hình thức mới, tiên tiến, có khả năng huy động vốn nhiều triệu USD trong vòng vài giờ. "Cơ chế pháp lý đó cần có cơ chế kiểm soát, cơ quan quản lý cần cân nhắc để đưa ra giải pháp phù hợp", ông Quất nói.