"Anti Fake News" với mục tiêu lan tỏa thông tin tích cực, hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Cuộc thi với nằm trong khuôn khổ chiến dịch Tin do Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp với Báo VnExpress, FPT Online phát động. TikTok là đơn vị đồng tổ chức cuộc thi.
Cuộc thi gồm ba chủ đề chính: Thứ nhất, thí sinh có thể thực hiện điệu nhảy "Anti Fake News" do nhạc sĩ Bùi Công Nam sáng tác dựa trên ca khúc Có không giữ, mất đừng tìm. Anh là Á quân Sing My Song (Bài hát của tôi), tác giả của nhiều bản hit như Tết này con sẽ về, Có ai thương em như anh... Bài hát sẽ được công bố sau trên VnExpress và các kênh cập nhật thông tin khác của cuộc thi. Người dự thi có thể tự sáng tạo hoặc thực hiện theo điệu nhảy mẫu trên nền nhạc này.
Thứ hai, người dự thi cũng có thể hát bài hát chủ đề của cuộc thi hoặc sáng tác, viết lời bài hát riêng theo chủ đề "Anti Fake News".
Thứ ba, các nhà sáng tạo nội dung có thể chọn hình thức kể chuyện hoặc diễn hoạt cảnh về tình huống, cách xử lý khi bản thân hoặc những người xung quanh gặp phải những luồng thông tin sau: chưa đúng sự thật, kiểm chứng hoặc diễn giải chưa đúng bối cảnh gây ra hiểu lầm, ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức khác; lừa đảo, khiến cộng đồng hiểu sai, dẫn đến những tác động tiêu cực; đạo đức của người làm truyền thông khi sản xuất thông tin trên không gian mạng.
Cuộc thi gồm hai vòng: Khởi tạo và Chung cuộc. Trong đó, vòng đầu tiên diễn ra từ ngày 28/9 đến 28/10. Thí sinh đăng video tối thiểu 15 giây ở chế độ công khai trên nền tảng TikTok với nội dung theo ba chủ đề trên, kèm theo hashtag #antifakenews #tin.
Ngày 1/11, ban tổ chức sẽ công bố top 10 video xuất sắc ở ba chủ đề chính để bước vào vòng Chung cuộc. Các thí sinh này có cơ hội giải thưởng chính của chương trình. Trong đó, số điểm đánh giá top 10 ở mỗi chủ đề sẽ dựa vào 20% lượt tương tác trên nền tảng TikTok (lượt yêu thích, chia sẻ và xem) và 80% sự đánh giá của ban tổ chức.
Kết quả chung cuộc, giải thưởng sẽ trao cho top 10 video xuất sắc ở mỗi chủ đề; top 3 video xuất sắc ở mỗi chủ đề; một video truyền cảm hứng (số điểm được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí riêng); top 5 nhà sản xuất nội dung tài năng và một nhà sản xuất nội dung triển vọng.
Tất cả các thông tin chia sẻ đều được ban tổ chức kiểm soát về nội dung, đảm bảo về sự chính xác, minh bạch, đầy đủ và có thể sử dụng sản phẩm dự thi trên các phương tiện truyền thông khác. Bài dự thi có tương tác cao nhưng không đảm bảo tiêu chí về thông tin chính xác, tích cực sẽ không được công nhận kết quả tại cuộc thi.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức phải tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc và bản quyền các bài dự thi của mình theo các quy định hiện hành của Việt Nam.
Chiến dịch Tin với mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng về tin giả, tin sai sự thật. Với thông điệp "Không gian ảo, niềm tin thực", chiến dịch mang hàm nghĩa: tin tức, thông tin hàng ngày được sản xuất trên Internet, đồng thời là niềm tin, sự tin tưởng.
Qua đây, người dùng mạng có thể nhận biết thế nào là tin giả, cần làm gì khi phát hiện hoặc lỡ chia sẻ thông tin không chính xác, hình phạt đối với các hành vi phát tán, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhật Lệ