Abdalla Sholgami, 85 tuổi, chủ một khách sạn ở London, sống cùng Alaweya Rishwan, người vợ 80 tuổi tàn tật, gần đại sứ quán Anh ở Khartoum, thủ đô Sudan. Tuy nhiên, họ không được hỗ trợ mà phải tự tìm đường tới một sân bay ở ngoại ô Khartoum để lên chuyến bay sơ tán, gia đình của Sholgami ngày 26/5 cho biết.
Công dân Anh cùng nhiều nước khác được yêu cầu rời khỏi Sudan sau khi giao tranh nổ ra từ ngày 15/4 giữa quân đội do tướng Abdel-Fattah al-Burhan lãnh đạo và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy. Để tới được sân bay, Sholgami sẽ phải băng qua khu vực chiến sự giữa hai phe phái.
Đối mặt với tình cảnh không thức ăn, không nước uống, Sholgami buộc phải bỏ vợ lại trong nhà để ra ngoài tìm người giúp đỡ. Trên đường đi, ông bị bắn ba phát đạn bắn tỉa, nhưng sống sót sau khi được đưa tới nhà người thân ở Khartoum.
Gia đình cho biết bà Alaweya Rishwan phải tự lo cho bản thân, bởi ngôi nhà bà đang mắc kẹt nằm trong khu vực bị các tay súng bắn tỉa bao vây. Người phụ nữ tàn tật sau đó đã chết đói vì không được ai chăm sóc trong nhiều ngày.
Azhaar, cháu nội Sholgami, người lớn lên ở Khartoum, cho hay đại sứ quán Anh cách nhà của ông bà cô "chỉ vài bước chân". Azhaar chỉ trích đại sứ quán Anh đã không ngăn chặn được thảm kịch xảy ra với ông bà mình.
Tại Khartoum, con trai của Sholgami đã phẫu thuật gắp đạn ra khỏi người cha mà không có thuốc mê. Ông Sholgami sau đó được chuyển sang Ai Cập để tiếp tục điều trị.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết chiến dịch sơ tán công dân khỏi Sudan đã "kết thúc thành công" hôm 3/5, với hơn 2.450 người được đưa ra nước ngoài trên 30 chuyến bay, phần lớn là công dân Anh và người phụ thuộc. Cơ quan này ca ngợi đây là đợt sơ tán "dài nhất và lớn nhất" so với bất kỳ quốc gia phương Tây nào.
"Trường hợp của ông bà Sholgami vô cùng đáng tiếc. Xung đột quân sự vẫn tiếp diễn nghĩa khiến khả năng hỗ trợ của chúng tôi bị hạn chế nghiêm trọng và chúng tôi không thể trực tiếp giúp từng người ở Sudan", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho hay.
Kể từ khi xung đột nổ ra, gần 1,1 triệu người Sudan đã phải sơ tán hoặc chạy trốn sang nước ngoài. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ít nhất 705 người thiệt mạng và 5.287 người bị thương vì giao tranh, nhưng cảnh báo thương vong thực tế có thể lớn hơn.
Giao tranh giữa quân đội và RSF cũng khiến Sudan rơi vào cảnh không còn luật pháp và trật tự, nạn cướp bóc hoành hành. Dự trữ thực phẩm, tiền mặt và nhu yếu phẩm của người dân ngày càng cạn kiệt, trong khi nhiều đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Sudan bị tấn công.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)