Báo cáo "Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022" được công bố trong Diễn đàn Đổi mới sáng tạo mở lần 2, thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia Techfest 2022 tại Bình Dương, chiều 2/12. Ấn phẩm do Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP xây dựng giới thiệu, bảo trợ bởi Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC).
Báo cáo được xây dựng dựa trên nghiên cứu, phân tích từ hội đồng cố vấn hơn 60 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước, cho thấy bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các quốc gia và thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam. Với độ dày 256 gồm 8 phần, trình bày ba ngôn ngữ Việt, Anh và Hàn Quốc.
Báo cáo chỉ ra xu hướng đổi mới, khắc họa bức tranh đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam với những đặc điểm hệ sinh thái cùng phân tích thị trường đầu tư công nghệ.
Các phân tích cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu sụt giảm rõ rệt về cả lượng đầu tư mạo hiểm lẫn số lượng kỳ lân mới. Tuy nhiên có thể kỳ vọng vào tiềm năng và sự ổn định của các công ty khởi nghiệp. Các quốc gia đứng đầu hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực châu Á- Thái Bình Dương 2022 thuộc về Singapore, Australia và Trung Quốc. Việt Nam được xếp là quốc gia có mức tăng trưởng nhanh và trên đà phát triển (theo số liệu xếp hạng từ Starup Blink).
Báo cáo 2022 có nhiều điểm mới, cung cấp chuyên sâu và đa chiều về thực trạng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo các lĩnh vực và nhóm ngành kinh tế. Bên cạnh bức tranh kinh doanh, báo cáo nêu bật xu hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong 5 lĩnh vực trọng điểm gồm công nghệ sản xuất thông minh, công nghệ tài chính và bảo hiểm, công nghệ nông nghiệp và thực phẩm, tiếp thị và bán hàng, công nghệ Blockchain, Web3 và vũ trụ ảo Metaverse. Đây cũng là lần đầu tiên báo cáo khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở theo tỉnh thành.
Bên cạnh tạo "bản đồ khởi nghiệp" ở các lĩnh vực, báo cáo còn tổng hợp những câu chuyện điển hình, công bố những đề bài, thách thức của doanh nghiệp và tập đoàn lớn để mời gọi sáng kiến công nghệ, từ các công ty khởi nghiệp.
Các dữ liệu cho thấy mức độ đổi mới, quan tâm và đầu tư ứng dụng theo từng xu hướng công nghệ hàng đầu. Như trong 14 xu hướng, ứng dụng AI được ghi nhận là công nghệ có mức đổi mới cao nhất, trong khi công nghệ năng lượng sạch thu hút sự quan tâm nhất. Các chuyên gia cũng ước tính giá trị thị trường các công nghệ tiên phong được dự đoán tăng trưởng tới hơn 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) kỳ vọng báo cáo góp phần xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới, phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia - ngành - vùng và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành cụm liên kết với khu công nghệ cao, viện trường nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế.
Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2022 được khởi động từ tháng 9. Đây là năm thứ hai Báo cáo được xây dựng. Trước đó, báo cáo năm 2021 với độ dày hơn 250 trang đã đánh giá về bản đồ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chỉ ra các xu hướng đổi mới sáng tạo trong giai đoạn bình thường mới, đồng thời giới thiệu mô hình đổi mới sáng tạo mở tiềm năng từ startup Việt tiêu biểu trong các lĩnh vực trọng điểm.
Như Quỳnh