Kể lại quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine, GS Liên (81 tuổi) chuyên gia cao cấp Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) cho thấy để đưa một kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế không bao giờ đơn giản.
Từ năm 2006 bà được giao thực hiện đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu phát triển vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất trên tế bào vero" - là vaccine thế hệ 2 để thay thế vaccine thế hệ 1 sản xuất từ não chuột (mô thần kinh) theo khuyến cáo của WHO. Sau 6 năm nghiên cứu GS Liên đã bảo vệ kết quả xuất sắc trước hội đồng nghiệm thu. Bà kể, kinh phí thực hiện đề tài lúc đó là 600 triệu đồng, chỉ đủ để mua một số hóa chất, dụng cụ... chứ không có tiền bồi dưỡng người thực hiện.
Công việc nghiên cứu được đánh giá là hoàn thành khi đã có kết quả nghiệm thu. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, kết quả sẽ "đút ngăn kéo" giống như bao nhiêu đề tài khác. Với vaccine, nếu không thử nghiệm trên người thì nghiên cứu gần như vô nghĩa. Song để thử nghiệm trên người, cần phải có tiền - GS Liên cho biết, đó là bước tiếp theo nhưng "lấy đâu ra tiền để làm?" là câu hỏi không dễ trả lời.
Tình cờ trong một hội thảo, GS Liên biết đến GS Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nên đã tìm cách xin gặp. "Nghe trình bày vấn đề khó khăn của tôi khi đó, ông Phong bảo tại sao Bộ Y tế lại không có tiền để chi cho thử nghiệm trên người? Sau đó GS Phong trao đổi với đại diện Cục Khoa học và Công nghệ (Bộ Y tế). Sau cuộc gặp, tôi được giúp để thực hiện tiếp nghiên cứu của mình", GS Phương Liê kể.
Một đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu tính an toàn và sinh miễn dịch trên người của vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất trên tế bào Vero" JECEVAX Vabiotech, Việt Nam được giao cho bà làm chủ nhiệm. Trung tâm thử nghiệm lâm sàng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là đơn vị thử nghiệm.
Năm 2014, với số tiền đầu tư 6,3 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted), GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên có kinh phí để tiếp tục nghiên cứu và triển khai tiêm thử nghiệm trên 1.140 đối tượng. Nguồn kinh phí này không đủ để thực hiện hết đề tài, Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 đã trợ giúp bà nghiên cứu bằng cách hỗ trợ các khoản còn thiếu. Trong đó phải kể đến khoản tiền 450 triệu đồng để thuê một đơn vị giám sát độc lập lâm sàng miễn dịch. Đến năm 2018 thì đề tài kết thúc.
Trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm, vaccine đáp ứng kháng thể sau tiêm 2 liều đạt 99,6% và sau 1 năm tiêm bổ sung liều 3 là 100% đối tượng có đáp ứng kháng thể. Đề tài đã được nghiệm thu chính thức qua hội đồng khoa học công nghệ cấp Nhà nước tháng 1/2019.
Tuy nhiên, do vướng các thủ tục pháp lý, đến nay vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ 2 vẫn chưa được cấp phép để lưu hành rộng rãi. Theo GS Liên, lý do để vaccine chưa thể lưu hành đều rất "khó nói". Hồ sơ nộp lên Bộ Y tế từ tháng 5/2019 đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Đến giờ, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên vẫn rất biết ơn nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, người đã nối nhịp cầu giúp bà có cơ hội thực hiện đam mê nghiên cứu, không phải "cất vào ngăn kéo".
Hiện toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ 2 đã được GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên chuyển giao cho các cán bộ trẻ. Ngoài ra, những cuốn sổ ghi chép khoa học trong suốt cuộc đời mình, bà cũng chuyển giao lại cho các đồng nghiệp để tham khảo khi cần.
Bà cho biết, sản phẩm vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ 2 có giá thành chỉ 10.500 đồng/2 mũi, trong khi của nước ngoài nhập khẩu giá cao hơn nhiều. Mà hiệu giá kháng thể (khả năng bảo vệ) của vaccine Việt Nam đạt đến 99,6% còn của nước ngoài chỉ đạt 98%.
Tháng 1/2021, GS.TS.TTND Huỳnh Thị Phương Liên được nhận danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Bà cùng với tập thể Công ty TNHH Một thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất ra vaccine phòng bệnh tả, thương hàn, đậu mùa, viêm não Nhật Bản, triển khai 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và thực hiện 112 công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.
Mộc Nhiên