Ngày 1/4, Chính phủ nêu mục tiêu trên tại nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến năm 2045. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, với 16 đảo, tổng diện tích đất nổi hơn 75 km2. Diện tích mặt biển thuộc vườn quốc gia Côn Đảo 140 km2 và vùng biển xung quanh các đảo.
Để trở thành khu du lịch đặc sắc tầm cỡ quốc tế, Côn Đảo sẽ có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.
Năm 2030, dân số Côn Đảo dự kiến 15.000; năm 2045 là 25.000. Vì nơi đây quỹ đất hạn chế nên Chính phủ yêu cầu việc xây dựng, phát triển khu dân cư, du lịch "cần được cân nhắc để khai thác hiệu quả".
Để đạt được những mục tiêu đề ra, các đơn vị được yêu cầu rà soát dự án, quy hoạch trên địa bàn; định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Mạng lưới giao thông sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp như sân bay, đường bộ, đường thủy, cảng du lịch, cảng hành khách, bến tàu du lịch. Công trình xây dựng sẽ bị kiểm soát tầng cao để không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay.
Huyện Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP HCM 230 km, cách cửa sông Hậu (Cần Thơ) hơn 80 km. Côn Đảo có bờ biển dài 200 km, nhiều bãi tắm như Đất Dốc, Bãi Cạnh, Đầm Trầu, Hòn Cau, Hòn Tre...
Hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này là Côn Lôn hay Côn Đảo, rộng hơn 51 km2. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi nơi này là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn, tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Năm 1977, Quốc hội quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo.
Trước đây, Côn Đảo có hệ thống nhà tù Pháp, Mỹ với nhiều trại giam lớn như Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà chúa Đảo. Côn Đảo còn có khu nghĩa trang Hàng Dương, nơi chôn cất 20.000 tù nhân, chủ yếu là chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến.
Năm 2012, nhà tù Côn Đảo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.