Ngày 9/10, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho hay, cồn cát nổi trên biển Cửa Đại đang dài ra ở phía Bắc; phía Nam bị xói lở mạnh; còn phía Tây và phía Đông ít thay đổi.
Trước đó ngày 13/7, cơ quan chức năng ghi nhận chiều dài điểm xa nhất của cồn cát là 1.046 m, chiều rộng nơi lớn 193 m. Đầu tháng 10, chiều dài điểm xa nhất còn 994 m, chiều rộng nơi lớn nhất 177 m (lần lượt giảm 52 m và 16 m).
Cồn cát ngắn lại do xói ở phía Nam nhanh hơn bồi ở phía Bắc. "Khảo sát từ tháng 5 đến đầu tháng 10 đã ghi nhận phía Bắc cồn cát được bồi 50 m; từ tháng 7 đến tháng 10 phía Nam bị xói khoảng 80 m", một đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai nói.
Tổng cục tiếp tục khảo sát cồn cát và sự biến đổi của vùng biển Cửa Đại để phục vụ cho nghiên cứu sau này. "Sắp tới đơn vị sẽ tiến hành đo sóng, gió và lấy các mẫu đất, cát để phân tích sự dịch chuyển của cồn cát", cơ quan này thông tin.
Ở cồn cát hiện nay có nhiều loại cây đang sinh trưởng, phát triển nhanh chóng. Trong đó, một số cây dương liễu cao gần 1 m, rau muống biển mọc khắp cồn cát, nơi nhiều nhất có diện tích rộng hơn 100 m2.
Ông Nguyễn Văn Ba, một người dân ở phường Cửa Đại (TP Hội An) thường đánh bắt gần khu vực cồn cát cho hay, cồn cát bị biến đổi liên tục, cọc sắt được cơ quan chức năng đóng ở phía nam để khảo sát đã bị sóng đánh mất còn phía Bắc cồn cát được bồi thêm và cao hơn trước đây.
Cồn cát trên biển Cửa Đại nằm ngoài cửa sông Thu Bồn, xuất hiện từ năm 2017, sau đó nhô lên trên mặt nước và lớn dần. Đầu tháng 4/2019, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức đoàn khảo sát khu vực này, tuy nhiên chưa đưa ra nguyên nhân hình thành. Tỉnh Quảng Nam đã cắm biển cấm người dân lên cồn cát.
Tổng cục Phòng chống thiên tai tiến hành khảo sát nhiều lần và ghi nhận cồn cát biến dạng liên tục, tuy nhiên tổng diện trên cồn cát ít thay đổi, ở mức hơn 13 ha.