Trung tướng về hưu Keith Kellogg, chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, cho biết ông sẽ đề xuất một hệ thống phân cấp cho NATO nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Trong hệ thống này, một số thành viên của NATO sẽ được hưởng mức độ bảo vệ cao hơn nhờ tuân thủ tốt các quy định của khối, trong khi các nước không chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng sẽ không được hưởng chính sách phòng thủ tập thể của liên minh.
Theo Điều 5 của NATO, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.
"Nếu bạn muốn trở thành một phần của liên minh thì phải biết đóng góp", ông Kellogg nhận định. "Tất cả mọi người điều biết về Điều 5 nhưng họ lại quên mất các điều khoản ở phía trước hoặc phía sau nó. Một trong số đó là Điều 3".
Điều 3 của NATO yêu cầu các thành viên phải có nỗ lực phù hợp để phát triển năng lực phòng thủ của mỗi nước. Điều 3 không quy định các quốc gia phải chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, song các nước NATO hồi năm 2014 đã cam kết sẽ đạt mục tiêu này trong vòng một thập kỷ.
Ngoài biện pháp tước cơ chế phòng thủ Điều 5, Kellogg còn gợi ý các biện pháp trừng phạt khác như tước quyền tiếp cận chương trình huấn luyện quân sự hoặc các thiết bị dùng chung.
Ông Kellogg không tiết lộ đã thảo luận với cựu tổng thống Trump về đề xuất này hay chưa, song cho biết hai bên từng nhiều lần thảo luận về tương lai của NATO. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết Kellogg hiện là cố vấn chính sách, có thể sẽ đảm nhiệm vị trí trong nội các của cựu tổng thống nếu ông trở lại nắm quyền.
Theo ước tính của NATO từ tháng 7/2023, 11 trong số 31 quốc gia đạt được mục tiêu 2% vào năm 2023, gồm Mỹ, Anh và một số quốc gia Đông Âu gần hoặc giáp với Nga.
Trong thời kỳ tại nhiệm, ông Trump nhiều lần cảnh báo Mỹ sẽ không tuân thủ Điều 5 nếu các thành viên NATO không đáp ứng mục tiêu chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng. Cựu tổng thống Trump cũng từng dọa rút Mỹ khỏi NATO, cho rằng tổ chức này đã "lỗi thời" và làm tiêu tốn quá nhiều tài nguyên của Washington.
Ông Trump hôm 10/2 tiết lộ nội dung cuộc đối thoại với "lãnh đạo một quốc gia lớn" tại hội nghị của NATO khi ông còn tại chức, trong đó cựu tổng thống Mỹ nói sẽ "khuyến khích Nga làm bất cứ thứ gì mà họ muốn" với thành viên NATO không đóng góp đủ ngân sách.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích phát biểu của ông Trump là "đáng xấu hổ" và "nguy hiểm", đồng thời gọi người tiền nhiệm của mình là "mối đe dọa với nền dân chủ".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng phản ứng gay gắt. Ông cho rằng bất kỳ ý tưởng nào về việc các đồng minh không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của cả khối, trong đó có Mỹ.
Cựu tổng thống Trump sau đó lên tiếng bảo vệ bình luận của mình, nói rằng ông đã làm cho NATO trở nên "mạnh mẽ" khi khiến các đồng minh đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu ở Nhà Trắng.
Phạm Giang (Theo Reuters)