VNExpress

Cơ hội nào cho Việt Nam trước Nhật Bản?

Đối đầu đội tuyển có chiều sâu tốt bậc nhất châu Á, Việt Nam sẽ có thêm một thử thách cực đại tại vòng loại World Cup 2022. Nhưng thầy trò HLV Park Hang-seo không vô vọng.

Nhật Bản mới giành sáu điểm sau bốn trận, ghi ba bàn - ít hơn Việt Nam. Tuy nhiên, với những cầu thủ tấn công chất lượng, không thể đánh giá thấp khả năng áp đặt trận đấu và tạo ra những cơ hội rõ rệt của họ.

Áp đảo quân số khi tấn công

Sơ đồ 4-2-3-1 là lựa chọn xuyên suốt từ khi HLV Hajime Moriyasu nắm quyền tại Nhật Bản năm 2018. Về mặt nhân sự, nếu như những cầu thủ kì cựu Maya Yoshida, Yuto Nagatomo cùng Takehiro Tomiyasu tạo nên sự ổn định ở hàng thủ, cặp tiền vệ Gaku Shibasaki và Wataru Endo cũng gần như là lựa chọn số một lúc này. Sự xáo trộn trong đội hình thi đấu của Nhật Bản chủ yếu tới ở vị trí của bốn cầu thủ tấn công, khi họ đang sở hữu không ít những cái tên đủ chất lượng với những phẩm chất khác nhau. Ngoài vị trí trung phong của Yuya Osako, những cầu thủ đang chơi tại châu Âu như Takumi Minamino (Liverpool), Ritsu Doan (PSV), Kyogo Furuhashi (Celtic), Junya Ito (Genk), Dachi Kamara (E. Frankfurt) hay Genki Haraguchi (Union Berlin) sẽ cạnh tranh sòng phẳng cho ba vị trí tiền vệ tấn công.

Trong một thế trận chủ động tạo ra sự áp đảo, đội bóng của HLV Moriyasu thường đưa sơ đồ xuất phát 4-2-3-1 thành cấu trúc đội hình 2-2-6 khi kiểm soát bóng. Hai hậu vệ biên dâng cao, hai tiền vệ trung tâm dày dặn kinh nghiệm làm nhiệm vụ điều tiết thế trận, trong khi bốn cầu thủ tấn công chơi rất gần nhau và thường xuyên tạo ra các miếng đánh thẳng vào trung lộ của đối phương.

Cấu trúc đội hình của Nhật Bản khi kiểm soát bóng trên phần sân đối phương.
Cấu trúc đội hình của Nhật Bản trước Việt Nam tại Asian Cup 2019.

Chắc hẳn, người hâm mộ Việt Nam vẫn nhớ tình huống Ritsu Doan thoát xuống và mang về quả phạt đền dẫn tới bàn thắng duy nhất cho Nhật Bản trong trận tứ kết Asian Cup 2019. Một tình huống phối hợp trực diện vào khu vực trung lộ chứng tỏ sự nguy hiểm của họ khi bốn cầu thủ tấn công chơi gần nhau và có được sự thoải mái để phát huy khả năng hoạt động trong phạm vi hẹp.

Tình huống phối hợp dẫn đến quả phạt đền cho Nhật Bản trước Việt Nam tại Asian Cup 2019.

Dưới sự dẫn dắt của Moriyasu, phong cách chơi bóng ấy vẫn đang được áp dụng cho Nhật Bản. Dẫu phải thực hiện các sự thay đổi khác nhau trên hàng công bởi lí do thể trạng của các cầu thủ, dẫu chỉ ghi ba bàn sau bốn trận tại vòng loại thứ ba, thì dấu ấn đến từ triết lý bóng đá vẫn được thể hiện một cách rõ nét trong những cơ hội mà Mimamino cùng các đồng đội tạo ra, trước những đối thủ hàng đầu châu lục.

Bàn thắng của Nhật Bản trước Australia.
Khả năng phối hợp của bốn cầu thủ tấn công Nhật Bản.
Một tình huống khác chứng minh khả năng phối hợp trung lộ của Nhật Bản.

Việc phải thay đổi liên tục những lựa chọn trên hàng công của HLV Moriyasu với lí do khách quan vô hình chung cũng trở thành một yếu tố khó lường cho HLV Park Hang-seo và các cộng sự. Ngoài trung phong Osako, bộ ba tiền vệ tấn công của Nhật Bản có những sự khác biệt trong bốn trận đấu gần nhất. Trong miếng đánh quan trọng ở trung lộ của đối thủ, việc nghiên cứu kĩ khả năng và thói quen xử lý bóng của từng cá nhân là vô cùng quan trọng trong việc chuẩn bị trước trận đấu. Trong bối cảnh đối thủ có sự đa dạng về nhân sự, đây sẽ là một bài toán không dễ cho Việt Nam.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn sẽ được Nhật Bản thực hiện trong bối cảnh đối thủ kiềm toả tốt các khoảng trống ở trung lộ, là giải pháp đưa bóng ra hai hành lang cánh. Khi các tiền vệ tấn công không thể trực tiếp tạo ra các cơ hội, họ sẽ trở thành các cầu nối, thu hút đối phương, và tạo ra khoảng trống ở biên cho khả năng dâng cao của Nagatomo ở cánh trái, hay Sei Muroya ở biên phải. Bàn thắng vào lưới Trung Quốc là một hình ảnh điển hình, khi Nhật Bản tấn công biên ở một tốc độ cao.

Bàn thắng của Nhật Bản trước Trung Quốc.

Tổng hoà những phương án tiếp cận khung thành đối phương, HLV Park sẽ cần cực kì cẩn trọng ở các pha bóng phòng ngự trong vòng cấm địa. Bởi lẽ, khi Nhật Bản tập trung bốn cầu thủ chơi gần trung lộ, thì khả năng xâm nhập vòng cấm với quân số lớn của đội bóng này sẽ là đáng sợ. Sự tập trung cần được đề cao trong xuyên suốt các tình huống phòng ngự, bởi nếu Nhật Bản không thể dứt điểm thành bàn trong tình huống đầu tiên, họ vẫn còn những cá nhân trực chờ ở các pha bóng hai, khi số lượng nhân sự trong vòng cấm của họ là ấn tượng.

Nhật Bản sẵn sàng xâm nhập khu vực 16m50 đối phương với số lượng nhân sự lớn, ngay cả trong các tình huống bóng hai (bóng bật ra).

Mới chỉ ghi ba bàn, nhưng sức mạnh tấn công của Nhật Bản là không thể coi thường. Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ phải chơi trong thế phòng ngự, và chủ động chờ đợi các tình huống tấn công nhanh để khai thác khoảng trống sau lưng của đối thủ, điều mà những Oman hay Australia đã phần nào có thể khai thác.

Những điểm yếu trong phòng ngự của Nhật Bản

Đẩy cao đội hình và kiểm soát thế trận, nhưng Nhật Bản cũng phải đối đầu với những rủi ro từ các khoảng trống sau lưng hàng hậu vệ, đặc biệt trong bối cảnh HLV Moriyasu đang tin tưởng sử dụng hai cựu binh Nagatomo (35 tuổi) và Yoshida (33 tuổi).

Có một điều chỉnh đáng nói của chiến lược gia 53 tuổi gần đây là việc hậu vệ Tomiyasu được sử dụng trong vai trò trung vệ lệch trái. Hậu vệ biên phải số một của CLB Arsenal hiện tại vốn dĩ luôn chơi lệch phải khi bắt cặp cùng Yoshida. Thế nhưng, để tránh các tình huống tấn công vào khoảng trống sau lưng của Nagatomo khi hậu vệ này có xu hướng dâng cao, HLV Moriyasu buộc phải sử dụng Tomiyasu, một người trẻ hơn và có tốc độ cũng như sức mạnh thể chất tốt hơn để bù đắp cho Nagatomo.

Dù vậy, hai trong ba bàn thua của họ ở bốn trận gần nhất, vẫn đến từ khoảng trống sau lưng của hậu vệ biên năm nay đã 35 tuổi.

Đó là bàn thua trước Oman, trong tình huống phối hợp một-hai đầy tốc độ. Nagatomo đã hoàn toàn bị loại bỏ, khi bóng được Oman đưa sâu xuống biên phải.

Tình huống phối hợp của Oman ở hành lang cánh phải.

Bàn thua còn lại ở phạm vi hoạt động của Nagatomo đến ở trận gặp Australia, khi sự liên lạc và phối hợp giữa hậu vệ này và Tomiyasu tỏ ra chưa thực sự gắn kết. Australia cũng có một thời cơ xuống biên tương tự, dẫn đến quả phạt trực tiếp được thực hiện thành bàn ở ngay trước vòng 16m50.

Tình huống xuống biên đơn giản của Australia, Nagatomo và Tomiyasu không phối hợp tốt với nhau ở khả năng bọc lót.

Đây sẽ là điểm quan trọng trong những tính toán chiến thuật của Việt Nam, khi hành lang cánh trái của Nagatomo đang bộc lộ nhiều khoảng trống có thể khai thác, đặc biệt là trong những đường tấn công nhanh từ các đổi thủ.

Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu tâm với HLV Park và các cộng sự là việc Nhật Bản tỏ ra không thoải mái khi các đối thủ có xu hướng dâng cao áp sát ngay trên phần sân của họ. Lựa chọn của nhiều đội bóng trước Nhật Bản thường là lùi về khu vực sân nhà, và để cho các trung vệ cũng như tiền vệ trung tâm của đội bóng này có thời gian triển khai bóng. Tuy nhiên, trước Saudi Arabia, một đội bóng dám đẩy cao đội hình và chấp nhận những rủi ro, Nhật Bản đã để lộ ra những sai sót, trong bối cảnh các hậu vệ của họ có ít thời gian xử lý bóng hơn.

Saudi Arabia sẵn sàng đẩy cao đội hình áp sát trên phần sân của Nhật Bản.

Đó chắc hẳn là một hình ảnh mang tính gợi mở rất nhiều với HLV Park. Bởi trong chính cuộc đối đầu với HLV Moriyasu tại Asian Cup 2019, Việt Nam đã có những thời điểm mạnh dạn đẩy cao đội hình, sẵn sàng gây áp lực lên các hậu vệ đối phương. Thậm chí, thiếu chút nữa Quang Hải đã có thể lập công sau một sai sót của thủ môn Shuichi Gonda và trung vệ Yoshida.

Việt Nam dâng cao đội hình, áp sát trên phần sân của Nhật Bản tại Asian Cup 2019.

Những lựa chọn chiến thuật của HLV Park

Nhìn ra những điểm mạnh và hạn chế của đối phương là một chuyện, lựa chọn những phương án chiến thuật hợp lý để tạo nên một thế trận cân bằng, đủ khả năng khai thác những điểm yếu ấy là một nhiệm vụ yêu cầu những tính toán cụ thể hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh được chơi trên sân nhà với sự cổ vũ của các khán giả, HLV Park chắc chắn sẽ tính đến những thời điểm hợp lý mà Việt Nam sẵn sàng dâng cao đội hình và tạo cho đối thủ những khó khăn trong việc kiểm soát bóng ngay ở phần sân nhà. Sự tự tin có được từ thế trận đã tạo ra trong trận đấu năm 2019 hẳn vẫn còn trong kí ức của những Quang Hải hay Công Phượng. Đó sẽ là một lựa chọn có phần rủi ro, nhưng đáng để sử dụng.

Với hành lang cánh trái được trấn giữ bởi Nagatomo, chắc chắn sẽ có những sự điều chỉnh nhân sự từ chiến lược gia người Hàn Quốc nhằm tìm ra thời cơ tấn công vào những khoảng trống sau lưng của hậu vệ kì cựu này. Hồ Tấn Tài hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục được tin tưởng, bởi khả năng di chuyển không bóng tốc độ và dũng mãnh dọc hành lang cánh phải. Trong khi đó, trong tay của HLV Park cũng đang có một lựa chọn không tồi khác nếu xét đến khả năng xuyên phá đối phương bằng tốc độ, đó là tiền đạo Văn Toàn. Với phong độ không ấn tượng trong thời gian gần đây của Phan Văn Đức, việc cầu thủ của HAGL được sử dụng từ đầu là một lựa chọn không tồi.

Trên hết, trong một thế trận phòng ngự - phản công đã được dự báo từ trước cho Việt Nam, ngoài yêu cầu cho sự tập trung và khả năng bọc lót của hệ thống phòng ngự, chúng ta cũng cần cải thiện trong những tình huống chuyển trạng thái tấn công của mình. Nhắc lại trận đấu năm 2019, đó có lẽ là một trong những trận đấu ấn tượng nhất của Công Phượng trong màu áo đội tuyển quốc gia. Ở vai trò một người giữ bóng, khuấy đảo hàng thủ đối phương trong những tình huống phản công, cầu thủ thuộc biên chế HAGL đã chơi vô cùng ấn tượng và có những thời điểm khiến Yoshida và các đồng đội gặp khó khăn.

Vai trò của Công Phượng trong những tình huống phản công của ĐT Việt Nam trước Nhật Bản vào năm 2019.

Sẽ là một cuộc đối đầu đầy căng thẳng tại Mỹ Đình, trong bối cảnh Nhật Bản cần ba điểm hơn bao giờ hết để tiếp tục bám đuổi Saudi Arabia và Australia cho mục tiêu giành một trong hai tấm vé trực tiếp dự World Cup. Trong khi đó, HLV Park cùng đội bóng của ông đang trong tâm lý khát khao để khẳng định trước các khán giả nhà, và quyết tâm cho những điểm số đầu tiên tại vòng loại thứ ba. Không thể đánh giá thấp Nhật Bản dựa trên những gì họ đã làm được trong bốn trận gần nhất, đội bóng của HLV Moriyasu vẫn là một tập thể có lối chơi đã được định hình và gồm những cá nhân cực kì chất lượng ở mặt bằng châu lục. Tuy nhiên, với những lợi thế tinh thần, cùng những quyết định chính xác về mặt chiến thuật, có niềm tin rằng Việt Nam sẽ làm nên chuyện.

FPT Play là đơn vị sở hữu trọn vẹn bản quyền phát sóng 60 trận đấu thuộc khuôn khổ Vòng loại thứ 3 World Cup - khu vực châu Á, AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar, trong đó có 10 trận tuyển Việt Nam góp mặt.

Khán giả có thể theo dõi trực tiếp trọn vẹn toàn bộ giải đấu tại:

Thành Vũ