Thực tế, không ít ý kiến cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm xác định tình trạng sức khỏe của khách hàng khi đã thẩm định thông tin. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ dựa trên những thông tin sức khỏe được khách hàng cung cấp để làm cơ sở chỉ định khám y khoa hoặc không. Việc công ty bảo hiểm khám thẩm định sức khỏe không giống khám tầm soát bệnh.
Không thẩm định sức khỏe 100% khách hàng
Các chuyên gia bảo hiểm cho biết, doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện khám sức khỏe thẩm định cho 100% khách hàng tham gia. Việc chỉ định kiểm tra y khoa được doanh nghiệp đưa ra dựa trên những thông tin về tình trạng sức khỏe được khách hàng cung cấp. Nó độc lập với nghĩa vụ kê khai thông tin của khách hàng.
Điều này đồng nghĩa với việc bên mua bảo hiểm cần thực hiện nghĩa vụ khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe của mình. Việc khai báo thông tin trung thực thể hiện sự minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả khách hàng tham gia bảo hiểm khác.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kê khai thông tin chính xác, trung thực, đầy đủ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của khách hàng. Đây chính là yếu tố pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, cũng như là cơ sở cho việc giải quyết quyền lợi khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Minh bạch trong kê khai hồ sơ không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc, còn là cách làm đúng đắn, thông minh, về lâu dài sẽ tạo ra môi trường phát triển lành mạnh có lợi cho cả người mua bảo hiểm và doanh nghiệp cung cấp.
Kê khai thiếu trung thực gây tranh chấp
Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, hằng năm, ngành bảo hiểm nhân thọ đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng bồi thường cho những khách hàng. Tuy vậy, thực tế vẫn xảy ra những tranh chấp, khúc mắc giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình bồi thường quyền lợi.
Trong giai đoạn giao kết hợp đồng, thông tin doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu bên mua và người được bảo hiểm cung cấp chia làm 3 nhóm chính: Thông tin về nhân thân, thông tin về sức khoẻ và các thông tin liên quan khác. Trong đó, thông tin về sức khoẻ là nhóm thông tin có khả năng sai sót cao nhất và cũng là lý do doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Tổng giám đốc Công Nghệ và Giao dịch Bảo hiểm, Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam, phần kê khai không trung thực chiếm khoảng 20% tổng số trường hợp từ chối chi trả của công ty.
Chị Hoa (45 tuổi, Hà Nội) là trường hợp điển hình vi phạm trách nhiệm kê khai thông tin không chính xác, đầy đủ khiến hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu lực ngay từ ban đầu. Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ với một đơn vị bảo hiểm, chị không cung cấp thông tin về bệnh huyết áp có sẵn từ nhiều năm trước vì cho rằng bệnh trạng đã ổn định. Vài năm sau, chị bất ngờ bị tai biến và gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bệnh hiểm nghèo nhưng không được công ty bảo hiểm chấp thuận.
Việc kê khai sai, thiếu thông tin có thể xuất phát từ nhiều lý do, có thể do người mua cố ý hoặc khai báo qua loa do đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc kê khai thông tin... Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm vẫn là bên chịu trách nhiệm cuối cùng cho việc kê khai của họ.