Sáng 26/12, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt chia sẻ mặt cỏ sân Mỹ Đình không xanh đẹp do thiếu nắng và bị sương muối. Điều này tạo nên nhiều tranh luận, nhưng với những chuyên gia chuyên chăm sóc các mặt cỏ thì lời giải thích của ông Việt là hợp lý.
Ông Khuất Duy Tá, có kinh nghiệm chăm sóc mặt cỏ sân Hàng Đẫy và nhiều sân golf tại khu vực phía Bắc, cho biết sương muối khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp gây hại nhất cho cỏ, vì vậy việc chăm sóc vào mùa đông và mùa xuân là vất vả nhất. "Nước trong thân cỏ bị đóng băng, phá vỡ tế bào, ống dẫn nhựa. Hôm sau, mặt trời lên khiến nước bốc hơi, cỏ giảm nhiệt độ đột ngột phá hủy cơ chế tế bào, dẫn đến héo, cháy và teo tóp", ông nói.
Theo khảo sát của VnExpress, không chỉ sân Mỹ Đình, hiện tượng cỏ héo vàng còn xảy ra tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội), sân Lạch Tray (Hải Phòng), PVF (Hưng Yên) hay Thiên Trường (Nam Định) trong những ngày lạnh vừa qua.
Các sân kể trên đều ở khu vực phía Bắc và dùng giống cỏ lá kim Bermuda. Trong bóng đá chuyên nghiệp, mặt cỏ tự nhiên thường có hai loại. Trong đó, cỏ lá kim (Bermuda) là loại cao cấp nhưng chi phí chăm sóc đắt đỏ, còn cỏ lá to (cỏ lá gừng) có chi phí rẻ nhưng nhanh hỏng và gây khó khăn hơn cho cầu thủ trong thi đấu.
Hiện tại, các giải quốc nội không thi đấu nên một số CLB như Hải Phòng, Nam Định... tranh thủ sửa chữa mặt sân. Trong khi đó, sân Hàng Đẫy duy trì việc chăm sóc hàng ngày do trước đó đã có đợt cải tạo vào giữa năm 2022.
Theo ông Tá, dưới thời tiết sương muối, các sân cần được tưới nước khoảng 10 phút vào sáng sớm trước khi mặt trời mọc. Ngoài bổ sung nước, việc làm này giúp rửa đi lớp sương muối bám trên mặt cỏ, hạn chế tổn thương của cỏ khi nước bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời. Đến chiều tối, sân có thể tưới nước một lần nữa nhằm tăng lượng ẩm trong đất, nâng cao độ dẫn nhiệt.
"Cách khắc phục tốt nhất là xây sân có mái che hoặc có hệ thống sưởi ấm mặt cỏ như các đội tại châu Âu nhưng chi phí lắp đặt và vận hành cao, thường phù hợp hơn với những nước có tuyết rơi. Phương pháp dễ và hiệu quả nhất được sử dụng nhiều năm qua là tưới nước nhưng chỉ giảm tổn thương, không giúp cỏ tránh hoàn toàn héo vàng", ông Tá nói.
Trước đó, trong buổi tập thử hôm 24/12, Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam nhận thấy mặt sân Mỹ Đình lún hơn bình thường, nên khuyên các cầu thủ sử dụng giày đinh sắt để tăng độ bám. Theo ông Tá, điều này có thể khắc phục bằng cách dùng xe lu lăn lại nền sân. "Dưới lớp cỏ là lớp cát đen, như sân Hàng Đẫy cao chừng 30 cm", ông nói. "Chỗ nào lún thì dùng máy dầm lại, hoặc thêm cát rồi lu lại".
Việc chăm sóc phải diễn ra đều đặn hàng ngày với chi phí cơ bản khoảng 500-700 triệu đồng mỗi năm. Ông Tá chia sẻ: "Việc chăm sóc sân gồm một số bước cơ bản như đổ cát, san phẳng nền sân, bón phân, phun thuốc trừ sâu định kỳ. Bây giờ máy móc hiện đại nên nhanh hơn. Nếu có cỏ dại, chúng tôi phải nhổ bỏ. Mặt cỏ cũng được cắt tỉa với độ cao nhất định tùy vào đối tượng thi đấu. Như sân Hàng Đẫy, chúng tôi cắt cỏ cao 2 cm nhưng với sân golf thì chỉ 1 cm thôi".
Ngoài ra, ông cho rằng trước trận đấu khoảng một tuần nên tránh tổ chức các sự kiện như buổi trình diễn ca nhạc.
Cũng trong họp báo hôm qua, Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định sân Mỹ Đình không thiếu kinh phí chăm sóc. Bên cạnh đó, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã kiểm tra và đánh giá sân đủ điều kiện thi đấu, còn đội khách Malaysia không phàn nàn về mặt sân.
Việt Nam sẽ đối đầu Malaysia vào lúc 19h30 hôm nay 27/12. Đây là trận sân nhà đầu tiên của thầy trò HLV Park Hang-seo tại AFF Cup 2022.
Hiếu Lương