"Sự cân bằng giữa carbohydrate, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất phải được đảm bảo và hấp thu dựa trên những theo dõi lâm sàng nhằm loại bỏ việc đưa protein vào cơ thể không đúng thời điểm - điều chẳng mang lại tác dụng gì cả", tờ Republika dẫn lời bác sĩ Pande.
Theo chuyên gia này, ăn nhiều không bằng ăn một cách khoa học. Vì thế, ông kêu gọi đưa ra một lịch trình dinh dưỡng cho cầu thủ Indonesia để tăng chất lượng bữa ăn, qua đó giúp họ duy trì sức bền.
"Lịch trình dinh dưỡng trong thể thao nên được vận hành trước, trong và sau trận đấu, với mục tiêu là chuẩn bị năng lượng, duy trì sự cân bằng và đẩy nhanh quá trình hồi phục", Pande nói. "Kỷ luật dinh dưỡng quan trọng nhất trong thể thao là sự cân bằng, đặc biệt là nó phải có tính thích ứng cao. Bởi mỗi quốc gia tổ chức giải đấu đều có quy định riêng về việc cung cấp thức ăn cho VĐV. Điều đó đòi hỏi sự quản lý tốt để VĐV được cung cấp dinh dưỡng một cách kịp thời và liên tục".
Tại AFF Cup 2020, thức ăn do chủ nhà Singapore cung cấp là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho cầu thủ bởi các đội đều ở trong "chế độ bong bóng". Hôm 29/12, trước trận thua Thái Lan, báo chí Indonesia kêu than về chất lượng bữa ăn của đội nhà. HLV Shin Tae-yong cũng phàn nàn vấn đề này với ban tổ chức.
Indonesia thua đậm Thái Lan 0-4 ở chung kết lượt đi AFF Cup 2020. Thất bại nặng nề này khiến thầy trò HLV Shin gần như hết cơ hội mang chức vô địch đầu tiên về Xứ vạn đảo. Tuy nhiên, vào chung kết được xem là thành công của Indonesia tại giải đấu năm nay bởi họ không được đánh giá cao sau những gì thể hiện ở giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022.
Ấn tượng đoàn quân của HLV Shin để lại là lối chơi giàu thể lực, kỷ luật và tốc độ - điều giúp họ cầm hòa Việt Nam 0-0 và thắng Malaysia 4-1 ở vòng bảng. Nhưng ở trận chung kết lượt đi, Indonesia không còn trình diễn bộ mặt này, dẫn đến vỡ trận và gần như hết hy vọng vô địch, dù còn 90 phút lượt về.
Duy Đoàn (theo Republika)