Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng cần tiến hành ba trụ cột để tăng thu nhập cho nông dân lên 55-60 triệu đồng mỗi ha. Theo ông trước hết phải cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách ngừng lạm dụng phân bón, các hóa chất nông nghiệp. Sau đó cần tận dụng nguồn phụ phẩm như rơm rạ cuối cùng là nâng cao giá trị hạt gạo.
Bằng cách này ông Thư cho rằng có thể tăng thu nhập của nông dân lên 18-22% so với hiện nay. Cuối cùng, vị lãnh đạo An Giang đề xuất xây dựng hệ thống khuyến nông cộng đồng để hướng dẫn nông dân cùng thay đổi theo khuyến cáo để gia tăng thu nhập.
Ông Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng cần tăng cường liên kết vùng nhất là các vùng có cùng thế mạnh và đặc thù. Ông kiến nghị bốn tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp liên kết hình thành vùng cây trái, hoa kiểng, cây giống lớn nhất vùng. Sau đó, bốn tỉnh luân phiên tổ chức lễ hội trái cây, hoa kiểng để quảng bá, kêu gọi đầu tư lĩnh vực này.
Tương tự, ông Tam cho rằng cho vùng duyên hải phía Đông các tỉnh ĐBSCL có thể hình thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia, vùng nuôi tôm biển công nghệ cao lớn nhất nước; Các tỉnh từ Bến Tre đến Cà Mua có thể liên kết với nhau lĩnh vực đa dạng sinh học, bảo vệ sinh quyển,...
Trong kiến nghị và hiến kế của liên quan đến ngành thuỷ sản, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, chỉ ra những hạn chế trong ngành hàng cá tra như diện tích sản xuất giống cá tra còn mạnh mún, chất lượng con giống không cao, lãng phí tài nguyên đất, thời gian nuôi còn kéo dài song những thách thức này sẽ là cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp cùng dấn thân nghiên cứu, tìm ra giải pháp, hợp tác cùng doanh nghiệp.
Một hiến kế quan trọng vị lãnh đạo doanh nghiệp này nêu ra là ngành hàng cần ưu tiên, thực hiện các đề án giống cá tra chất lượng cao tiến tới mỗi tỉnh có thế mạnh về ngành hàng này nên có trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao. Bà Khanh cũng nhấn mạnh những ngành hàng cùng hưởng lợi trên dòng sông Mekong cần có trách nhiệm chung với nhau về môi trường, có những quy định, cư xử công bằng chứ không nên chỉ đề cập đến vai trò các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng dư địa phát nuôi biển tại ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng còn rất lớn, cần phát huy tiềm năng này để tạo ra ngành hàng mới như chế biến rong biển, góp phần giảm phát thải.
Ông cho cho rằng các cấp lãnh đạo, Bộ ngành lẫn cá nhân cần định hướng các giải pháp trước mắt và dài hạn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chuỗi ngành hàng thủy sản khu vực ĐBSCL. Cụ thể, ông đề xuất chính quyền địa phương ĐBSCL tiếp tục tuyên truyền, tập huấn thay đổi nhận thức, thói quen của người sản xuất và tiêu dùng theo lối sống xanh, có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T kiến nghị ngành trái cây cần có thương hiệu quốc gia để việc quảng bá thị trường trái cây trong nước ra quốc tế thuận lợi hơn. Mặt khác, ông cho rằng cần đồng bộ hóa chứng nhận sản xuất giảm bớt phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế bên cạnh việc xây dựng các khu công nghiệp riêng cho từng loại trái cây,...
Ông Li Guo - điều phối viên Chương trình Quốc gia về Nông nghiệp, chuyên gia cao cấp Kinh tế Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng sự suy giảm môi trường (sử dụng nhiều nước, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật) và biến đổi khí hậu đe dọa sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, cần có định hướng, chính sách cụ thể để giải bài toán đầy thách thức này, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.
Ông Li Guo mong muốn nông nghiệp ĐBSCL không chỉ là thương hiệu của Việt Nam mà còn được nhận diện trên toàn thế giới. Ông và các đồng sự cũng đang xây dựng đề án liên quan nông nghiệp Việt, tiến tới mục tiêu: một triệu ha trồng gạo chất lượng cao, phát thải thấp.
Chia sẻ về vấn đề Logistics của vùng, ông Nhữ Đình Thiện - Phó tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), Phó tổng giám đốc K’Line Gemadept Logistics cho rằng cần giải pháp tối ưu chi phí logistics.
Cụ thể, ông đề xuất sản xuất doanh nghiệp đi đôi với hàng hóa, hoàn thiện chuỗi cung ứng để giảm chi phí. Giải pháp trước mắt là phát triển giao thông đường thủy, tận dụng nguồn tài nguyên nước sẵn có của ĐBSCL.
Theo đó, đơn vị đã triển khai vận tải bằng container từ Cần Thơ - TP HCM và ngược lại. Thời gian vận chuyển hiện 30-36 tiếng, còn khá lâu. Chi phí có giảm so với đường bộ song vẫn chưa tối ưu. Đơn vị đề xuất phát triển tuyến vận tải mới từ cảng Cái Mép đến cảng Cần Thơ trên sông Mekong để giải quyết các "điểm yếu" còn tồn đọng và tối ưu chi phí.
Đóng góp cho cộng đồng khởi nghiệp, tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng với các mô hình tuần hoàn, giảm phát thải mới, cần xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để các đối tác có thể tiếp cận kiến thức, nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Tùy mô hình, ngành hàng sẽ có các trung tâm riêng lẻ hoặc tổng hợp đáp ứng.
Song song đó, ông Thắng kiến nghị tăng cường đào tạo và hợp tác quốc tế xây dựng các dự án, đồng hành cùng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Những dự án đổi mới của cộng đồng startup trong nước có thể nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức quốc tế thông qua các tiêu chuẩn mới.
Diễn đàn Mekong Starup do UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL về bài toán chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, xanh hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Diễn đàn cũng được kì vọng sẽ là nơi thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và dẫn dắt, hợp lực lẫn nhau của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo ra một diện mạo mới cho hệ thống các chương trình và sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn ĐBSCL, theo hướng xanh hóa và bền vững.
Ngọc Tài