Thông tin do ông ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn nêu tại phiên thảo luận: Sáng tạo ứng dụng số đưa công nghệ số vào cuộc sống. Chương trình thuộc khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - VFTE 2023, diễn ra vào ngày 11/12.
Là diễn giả bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên vào buổi chiều, ông Chiên mang đến chủ đề "Thách thức việc ứng dụng công nghệ AI thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt".
Ông cho biết, trong thời kỳ công nghệ số, mô hình linh hoạt bao gồm các yếu tố: tự động hóa và tối ưu hóa quy trình; cơ sở hạ tầng đám mây và dịch vụ; kinh doanh dựa trên dữ liệu Data Prevent; ứng dụng công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo và học máy... Tuy nhiên, bất kể doanh nghiệp nào cũng phải trải qua những thách thức trong việc ứng dụng AI để thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang linh hoạt.
Khó khăn thứ nhất bắt đầu ngay từ giai đoạn chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình linh hoạt sử dụng AI, đòi hỏi sự đầu tư lớn và sự thay đổi trong văn hóa tổ chức. Thứ hai, về chất lượng dữ liệu, để AI hoạt động hiệu quả, dữ liệu phải được xử lý và duy trì chất lượng cao. Nhưng việc có được dữ liệu chất lượng có thể là một thách thức, đặc biệt là khi nó liên quan đến quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Kế đến, khó khăn còn nằm ở kiến thức và nhận thức của người lao động lẫn doanh nghiệp. Nhiều đơn vị có thể chưa đủ kiến thức về cách triển khai và quản lý công nghệ AI, làm cho việc thay đổi mô hình kinh doanh trở nên khó khăn.Ông Chiên nhấn mạnh, họ chỉ có thể chuyển đổi khi ý thức được vai trò của công nghệ số mang lại giá trị, lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp của mình như: cắt giảm chi phí, tăng doanh thu...
Vấn đề tiếp theo liên quan đến an toàn và bảo mật. Việc tích hợp AI vào mô hình kinh doanh, bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin trở thành mối quan tâm hàng đầu. Một yếu tố khác là tác động xã hội và lao động. Sự tự động hóa có thể tạo ra thách thức về việc giữ nguồn việc làm truyền thống và đòi hỏi sự chuẩn bị cho nhân sự để làm việc cùng với các hệ thống AI. Cuối cùng, quá trình thay đổi mô hình kinh doanh có thể gặp khó khăn trong việc quản lý và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Trong bối cảnh đó, ông Vũ Hồng Chiên nêu những giải pháp ứng dụng AI từ FPT nhằm giúp các đơn vị thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt. Bước đầu, mỗi doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu để phát triển các giải pháp AI phù hợp với nhu cầu thực tế. Sau đó, công ty có thể hợp tác với các đối tác cung cấp giải pháp AI uy tín để thay đổi mô hình kinh doanh linh hoạt, giảm thiểu chi phí đầu tư và rủi ro. Song song, việc đào tạo nhân sự cần chú trọng nhằm nâng cao chất lượng về hiểu biết, ứng dụng AI - khoa học dữ liệu. Kế đến là xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích để tạo điều kiện cho nhân viên phát triển các ý tưởng mới ứng dụng AI.
Ông Chiên lấy ví dụ về giải pháp giúp đơn vị chuyển đổi mô hình linh hoạt là akaCam. Đây là nền tảng phân tích video giúp chuyển đổi dữ liệu video từ Camera IP thành thông tin có cấu trúc được xử lý và phân tích. Cơ chế hoạt động của hệ thống dựa trên việc phát hiện, xác định, trích xuất, sau đó phân loại và tìm kiếm các đối tượng, hành vi trong đoạn video.
Tại kho bãi và nhà máy, nền tảng này có thể nhận diện đồng phục, giám sát việc tuân thủ mặc trang phục bảo hộ lao động, giám sát an ninh. Ở cửa hàng bán lẻ, phòng giao dịch, trung tâm thương mại, hệ thống nhận diện sự trung thành của khách hàng, góp phần nâng cao trải nghiệm hoặc tăng tính an ninh.
Ghi nhận thực tế của việc triển khai camera AI kiểm soát an ninh tại các khu vực công cộng, akaCam giúp giảm 70% nhân lực kiểm soát ra vào, một nửa nhân lực an ninh, 90% thời gian phân tích, thống kê báo cáo. Hệ thống có thể ghi nhận hành vi xung đột, phát hiện người mang vũ khí, nhận diện - phát hiện người trong danh sách, cảnh báo người lạ xâm nhập khu vực cấm, thống kê mật độ theo thời gian thực, tìm kiếm người theo hình...
Khép lại phần tham luận, ông Vũ Hồng Chiên cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp có thể phối hợp với những tập đoàn ngay trong nước để ứng dụng cộng nghệ số để tối ưu hóa, tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp của mình".
Trước đó, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT có bài tham luận trong phiên sáng của VFTE 2023. CEO nhắc lại hành trình 10 năm nghiên cứu, sản xuất chip tại FPT với nhiều khó khăn. Ông nói, có lúc cả nhóm 20 người ăn ngủ trong một căn hộ chung cư suốt hơn một năm liền. Đến tháng 9/2022, tập đoàn có dòng chip đầu tiên, ký hợp đồng 25 triệu chip với khách hàng Australia, dùng cho sản phẩm IoT sử dụng trong lĩnh vực medical device. Đến nay, đơn vị có thêm đơn hàng 70 triệu chip trong hai năm 2024-2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Để chuẩn bị cho tương lai, đơn vị mở ngành đào tạo bán dẫn tại đại học, cao đẳng; cam kết đào tạo 1/5 mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn của Chính phủ đến 2030. Tập đoàn còn ký kết với Silvaco, hợp tác phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Trước đó, FPT kết hợp với NIC và tổ chức công nghệ Mỹ TreSemi thành lập trung tâm bán dẫn.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện FPT có bốn sản phẩm lọt top 10 ở hai hạng mục. Tại hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài gồm: chip (mạch tích hợp - Integrated Circuit) quản lý nguồn cho các ứng dụng di động và giải pháp điều độ sản xuất thông minh akaMES của công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FIS). Nhóm Sản phẩm xuất sắc cho kinh tế số, hai sản phẩm được vinh danh gồm: giải pháp áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số ngành bảo hiểm của FPT Software và giải pháp chống giả mạo xác thực số - FPT.IDCheck (FIS).
Ngoài các phiên tham luận và giải thưởng, FPT có một gian hàng tại không gian triển lãm, giới thiệu nhiều giải pháp như: akaMES - công nghệ bán dẫn, công nghệ tự động hóa thông minh cho ôtô và hệ điều hành sản xuất; FPT ID, Check, FPT Camera cho vận hành doanh nghiệp. Gian hàng thu hút sự quan tâm của hàng trăm lượt khách.
Minh Tú