- Ông đánh giá thế nào về Thái Lan ở giải năm nay?
- So với trước đây họ không mạnh bằng, khi thiếu vắng những thủ lĩnh thực thụ như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan. Chuyện này nằm trong lộ trình phát triển của bóng đá Thái Lan. Họ đang trẻ hóa hoặc bổ sung những cầu thủ Thái kiều để xây dựng định hướng lâu dài, cho các mục tiêu xa hơn.
Dù vậy, xuyên suốt ASEAN Cup, Thái Lan cho thấy đẳng cấp của một nền bóng đá hàng đầu khu vực. Bên cạnh chuyên môn, họ đã chứng tỏ được bản lĩnh để vượt qua các áp lực bủa vây. Như lượt về bán kết với Philippines. Dù bị gỡ 1-2 rồi có lúc bị đối phương lấn lướt trong hiệp phụ, bằng một cách nào đó, Thái Lan vẫn biết cách ghi bàn. Đến trận lượt đi chung kết với Việt Nam, phải đấu trên sân Việt Trì đầy ắp khán giả, bị dẫn hai bàn và thể trạng không phải tốt nhất, họ vẫn cầm được bóng rồi ghi bàn rút ngắn tỷ số 1-2 để níu kéo hy vọng cho trận lượt về. Nếu không có pha ghi bàn đó, Thái Lan khó có cơ hội lật ngược tình thế trước Việt Nam.
Vì thế, đừng đánh giá thấp Thái Lan. Họ rất mạnh trên sân nhà, luôn chứng tỏ được vị thế anh cả của bóng đá khu vực.
- Còn điểm nào đáng lo ngại nơi Thái Lan, nhất là khi họ có sự cổ vũ của hàng chục nghìn CĐV trên chảo lửa Rajamangala?
- Thái Lan từ trước đến nay vẫn rất lì lợm và tiểu xảo. Vậy nên, tôi cũng lo ngại cầu thủ Việt Nam dính chiêu trò của họ rồi nóng nảy đánh nguội, bị thẻ đỏ thì sẽ thiệt quân. Do đó, để tránh xa họ, cầu thủ chúng ta cần chứng tỏ được bản lĩnh, vượt qua áp lực khán giả cũng như tâm lý "cầm vàng sợ vàng rơi" để thi đấu đúng khả năng.
Tôi dự đoán họ sẽ tấn công phủ đầu ngay khi nhập cuộc. Nếu không sớm ghi bàn, họ sẽ trở lại lối chơi kiểm soát, ru ngủ Việt Nam rồi chọn thời điểm để ghi bàn. Thái Lan chỉ cần ghi một bàn rồi đưa trận đấu vào hiệp phụ nên họ sẽ làm mọi cách để đạt mục tiêu. Họ cũng có những quân bài chiến thuật khó lường như Suphanat Mueanta, Peeradon hay Ekanit Panya... Phải thật sự chú ý các mũi nhọn này và có phương án phòng ngừa họ nếu không hiểm nguy sẽ xảy đến.
- Ông nhận xét gì về hành trình vào trận cuối của thầy trò HLV Kim Sang-sik?
- Như tôi từng chia sẻ với VnExpress, chúng ta đang đi đúng hướng khi quyết tâm vực dậy bóng đá sau thời gian đi xuống. Quá trình chuẩn bị cho giải đấu hợp lý với chiến lược rõ ràng. HLV Kim Sang-sik được tạo điều kiện tối đa, các giải đấu dừng lại để tập hợp nguồn cầu thủ tốt nhất, kể cả việc gọi cầu thủ nhập tịch như Nguyễn Xuân Son.
HLV Kim mới có nửa năm dẫn dắt đội tuyển nên về mặt chiến thuật, chưa thể hiện được triết lý rõ ràng. Nhưng dưới thời ông ấy, không cầu thủ nào "bất khả thay thế". Cái khó đoán của ông Kim là luân phiên sử dụng cầu thủ, không đóng đinh một vị trí nào. Ngay cả thủ môn như Filip Nguyễn, Duy Mạnh, Quang Hải, Tiến Linh... cũng nhiều trận ngồi dự bị. Điều đó tạo ra sự bất ngờ cho đối thủ và cũng tạo cho tất cả cầu thủ trong đội sự tôn trọng để họ nỗ lực tập luyện, luôn sẵn sàng ra sân.
Còn về công thức của tuyển Việt Nam giải đấu này đó là hiệp một phá sức đối thủ, hiệp hai mới ghi bàn chiến thắng. Ông Kim đưa những "máy chạy" nhanh nhẹn như Vĩ Hào, Châu Ngọc Quang, Hai Long... khiến đối phương mệt mỏi rồi sau đó mới tung những quân bài chiến thuật kết liễu trận đấu. Tôi nghĩ công thức ấy cũng sẽ lặp lại ở trận tối nay.
- Theo ông, Việt Nam có nên tiếp tục phụ thuộc vào Nguyễn Xuân Son ở chung kết lượt về?
- Có thể nói rằng, sự có mặt của Son là chìa khoá mang đến mọi thắng lợi cho Việt Nam. Vậy tại sao lại không phụ thuộc cậu ấy? Son nổi bật về chuyên môn, toàn diện về kết thúc nên cứ xây dựng cách chơi dựa vào cậu ấy là phù hợp. Điều đó cũng được minh chứng qua bốn trận Son có mặt, mọi đường tấn công bóng hầu như tập trung vào cậu ấy.
Cái hay của Son còn nằm ở chỗ anh kết nối được với các đồng đội. Nếu một cầu thủ bình thường, cần rất nhiều thời gian để làm quen với lối chơi của một HLV và tính cách của từng đồng đội. Nhưng với Son, cậu ấy chỉ mất ít ngày làm quen rồi tỏa sáng. Ngoài ra, cậu ấy tạo thêm động lực cho các đồng đội xung quanh phải nỗ lực, phải cố gắng để thích nghi với các pha bóng nhanh, mạnh và chính xác. Son là hình mẫu mà mọi cầu thủ cần học hỏi và các HLV đều mong có mặt.
Thế nên, trước Thái Lan, chúng ta cũng cứ sẽ phòng ngự chắc chắn rồi phản công dựa vào Xuân Son. Cậu ấy chắc chắn sẽ bị phong tỏa nhưng tôi nghĩ vẫn biết cách xử lý để vượt qua. Thậm chí nếu Son bị kèm chặt, các vệ tinh xung quanh anh như Vĩ Hào, Tiến Linh, Hoàng Đức, Quang Hải cũng phải luôn sẵn sàng "khai hỏa".
- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để vô địch?
- Có hai điều cần làm đó là vượt qua áp lực và ghi bàn vào lưới Thái Lan. Áp lực trên sân khách luôn hiện hữu nên phải thể hiện được bản lĩnh của mình. Điều đó thể hiện qua từng đường bóng chính xác, xử lý dứt khoát và đầu óc luôn tỉnh táo, tránh mắc bẫy đối phương. Đừng vào sân với tâm lý sợ thua, mà vào sân với tâm lý đang chiến thắng.
Dù có lợi thế dẫn trước, chúng ta cũng phải tìm cách chắt chiu cơ hội, sút tung lưới đối thủ. Nếu làm được điều đó, khi ấy chúng ta sẽ đẩy áp lực ngược lại cho Thái Lan và sẽ dễ chơi hơn nhiều. HLV Kim đã thành công trong việc tái hiện được tinh thần máu lửa của cầu thủ như thời HLV Park Hang-seo. Thế nên, tôi vẫn đánh giá cơ hội của Việt Nam là 51% và chúng ta sẽ phá dớp, nâng Cup trên sân khách.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương sinh năm 1959, là cầu thủ rồi HLV ở các CLB như Đồng Tháp, Tiền Giang, U20 Việt Nam, Bình Dương, Quân khu 7, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Bình, TP HCM... Ông từng cùng bóng đá Đồng Tháp vô địch các năm 1989 và 1996, vô địch giải hạng Nhất cùng Quân khu 7 năm 2007. Ông cũng là giảng viên dạy bóng đá của Trường Đại học TDTT TP HCM đồng thời là "cha đẻ" của chương trình Bóng đá học đường đang được Liên đoàn bóng đá TP HCM áp dụng. Ông hiện tham gia công tác phát triển bóng đá cộng đồng của Liên đoàn bóng đá TP HCM. |
Đức Đồng