Tọa đàm "Dữ liệu với cuộc sống và các giải pháp công nghệ" trong khuôn khổ vòng chung kết cuộc thi Data For Life diễn ra ngày 4/1 tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Các diễn giả tham gia gồm: Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Đại học FPT, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty FPT IS; ông Đỗ Viết Hà, Giám đốc Công nghệ thông tin, MK group; ông Nguyễn Tiến Thắng, Tổng giám đốc Tecapro đã thảo luận về tầm quan trọng của dữ liệu cũng như cách đưa dữ liệu vào các sản phẩm công nghệ phục vụ cuộc sống.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, sau hai năm triển khai đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), ông khẳng định ngay từ năm đầu tiên, đơn vị đã nhận diện đúng và trúng tình hình thực tiễn Việt Nam và xu thế của thế giới. Bên cạnh đó là những điểm nghẽn về pháp lý hạ tầng, bảo mật nhân lực khi triển khai dữ liệu về dân cư, định danh.
May mắn là trong năm 2023, đơn vị đã giải quyết được các điểm nghẽn này, giúp người dân hưởng lợi, như không cần mang theo các giấy tờ thủ tục hành chính lỉnh kỉnh như trước, không phải kê khai lại các trường thông tin. Cán bộ công chức có thể tra cứu trực tiếp thông tin trên hệ thống dân cư để làm thủ tục hành chính cho người dân. Doanh nghiệp, đặc biệt là khối ngân hàng cũng được hưởng thụ khối lượng lớn khách hàng đã được làm sạch trường thông tin.
"Từ dữ liệu dân cư hiện có, các đơn vị khác chỉ cần nhập các nghiệp vụ thêm để tiết kiệm thời gian, hiệu quả tối ưu", Đại tá nhận định.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, hiệu quả lớn nhất của đề án 06 là tạo lập dữ liệu, sử dụng dữ liệu và cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân. Cuộc thi Data For Life muốn truyền tải tới các bạn trẻ là hãy chân trọng, hãy yêu dữ liệu để dữ liệu biết nói, đưa vào ứng dụng thực tiễn và trở thành sản phẩm của người Việt.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Đại học FPT cũng đánh giá cao vai trò của phân tích dữ liệu trong hoạt động quản lý của người lãnh đạo. Ông lấy ví dụ, trước đây, người lãnh đạo thường đưa ra quyết định bằng kinh nghiệm, đó là kiến thức học được, trải nghiệm thực tế; thứ hai là trực giác lãnh đạo
Hiện nay, người lãnh đạo đưa ra quyết định cần dựa thêm vào dữ liệu, bởi thực tế rất nhiều trường hợp sau khi phân tích dữ liệu mới thấy điều chúng ta cảm nhận hóa ra không đúng. "Vì vậy, người lãnh đạo hiện nay cần có kinh nghiệm; trực giác lãnh đạo và dựa trên dữ liệu", ông Hoàng Nam Tiến nói.
Các diễn giả tại tọa đàm cũng đồng tình với quan điểm, dữ liệu có nhiều lợi ích, song hiện có rất nhiều thách thức như quyền riêng tư, cách khai thác sao cho đúng, đủ, sạch, sống...
Ông Đỗ Viết Hà, Giám đốc Công nghệ thông tin, MK Group cho rằng người dân cần biết cách tự bảo vệ dữ liệu của mình. Đơn cử, khi tới ngân hàng, ngân hàng chỉ cần 16 trường thông tin thì cá nhân không nên gửi thêm các trường thông tin khác, nếu không cần thiết. Nói cách khác, dịch vụ nào cần lấy trường thông tin nào thì cung cấp, còn lại không nên tiết lộ. Đặc biệt, trên môi trường mạng, khi việc quản lý chưa được đồng bộ thì người dân nên hạn chế tối đa việc công khai dữ liệu của mình.
Chia sẻ thêm về dữ liệu, ông Vũ Văn Tấn nói, hiện nay lượng dữ liệu lấy về rất lớn, nhưng nếu không biết cách phân tích, không biết phân loại để xử lý, ứng dụng thì lúc đó dữ liệu chỉ là rác, vừa mất công sức của người thu thập, lại gây mất an toàn. Bởi vậy, mục tiêu của cuộc thi Data For Life là nhận diện được dữ liệu và ứng dụng thành sản phẩm, giải pháp để mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống (Data for Life 2023) do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an công tổ chức từ 7/8, với sự phối hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đài truyền hình Việt Nam và Báo VnExpress. Ngày 4/1, vòng chung kết của cuộc thi đã diễn ra tại Hà Nội, với giải nhất trị giá 200 triệu đồng thuộc về Tổ công nghệ cao và giải pháp cộng đồng Công an tỉnh Sơn La, giải pháp "Ứng dụng AI trong việc phát hiện biển số ôtô giả đang lưu hành trên các tuyến đường giao thông công cộng".
Nguyễn Phượng