Để giúp nhiều người tiết kiệm hiệu quả, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán đưa lời khuyên trong xây dựng thói quen này. Theo đó, tiết kiệm phải có mục đích như lập quỹ học vấn, mua nhà, khởi nghiệp...
Chuyên gia cho rằng, đầu tư là phương thức tiết kiệm tốt. Bạn có thể chọn lựa các chương trình đầu tư phù hợp với khả năng theo dõi và kỳ vọng lãi suất đầu tư với bản thân. Ví dụ, nếu tiết kiệm bằng hình thức giữ tiền mặt định kỳ mỗi tháng 5 triệu đồng thì trong 10 năm bạn sẽ tiết kiệm được 600 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gửi vào một quỹ ủy thác uy tín với lợi suất bình quân 6% mỗi năm thì sau 10 năm bạn có thể có được 819 triệu đồng. "Đầu tư an toàn cũng là một hình thức tiết kiệm dài hạn hiệu quả", ông Đán nói.
Quản lý tài chính hiệu quả cần bao gồm lập kế hoạch tiết kiệm, đầu tư dài hạn và tạo quỹ dự phòng. Nguyên tắc tiết kiệm phổ biến là 50/30/20, nhưng tỷ lệ này có thể điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh và mục tiêu cá nhân. Nếu thu nhập không ổn định, như trong trường hợp làm việc tự do hay kinh doanh, tỷ lệ tiết kiệm cần lớn hơn, khoảng 30-40%. Theo một báo cáo của Vietcombank, tỷ lệ chi tiêu dưới 30% thu nhập là dấu hiệu của quản lý tài chính cá nhân tốt.
Việc không rõ mục đích làm cho quá trình này trở nên kém hiệu quả vì thiếu kỷ luật và không phù hợp, động lực sẽ giảm dần theo thời gian và rất dễ bị cám dỗ vào việc chi tiêu phung phí mỗi khi stress.
Chẳng hạn như muốn tiết kiệm tiền để mua nhà, bạn sẽ tìm hiểu rất kỹ giá nhà ở khu vực mong muốn, các chi phí liên quan về thuế, bảo trì, nội thất, cũng như biến động về giá bất động sản và lãi suất vay mua nhà. "Khi hình dung càng chi tiết về kế hoạch mua nhà, tính kỷ luật tiết kiệm sẽ càng cao", chuyên gia nhấn mạnh.
Cần lưu ý có những khoản chi phí mà bạn không nên tiết kiệm như ăn uống, thăm khám sức khỏe, duy trì một số mối quan hệ quan trọng. Việc tiết kiệm các chi phí ăn uống khiến cơ thể không đủ sức khỏe sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ví dụ, do thói quen ăn uống kém chất lượng hoặc chẳng may bị bệnh, chi phí chữa chạy có thể "ngốn" hết khoản tích lũy trong nhiều năm hoặc tạo khoản nợ.
"Chương trình bảo hiểm sức khỏe và tai nạn là một trong những cách chăm lo sức khỏe mà không làm ảnh hưởng đến quỹ tiết kiệm. Đây là khoản không thể cắt bớt", chuyên gia Nguyên Đán nói.
Chuyên gia lưu ý tỷ lệ tiết kiệm cần linh hoạt theo hoàn cảnh cá nhân nhưng cần duy trì một mức ổn định. Tựu chung lại, nâng cao nhận thức về mục tiêu tài chính là yếu tố quan trọng giúp mọi người có nền tảng bảo vệ tài chính bản thân trong tương lai.
Thái Anh
Để cung cấp kiến thức, giải đáp trực quan về lĩnh vực tài chính - bảo hiểm, Sun Life Việt Nam ra mắt chuỗi nội dung "Tài chính cho mình, lạc quan do mình" trên VnExpress từ ngày 1/7.
Tuyến nội dung với đa dạng hình thức thể hiện như video, cẩm nang, bài tư vấn... Các đề tài xoay quanh việc chia sẻ kiến thức, mang những giá trị tích cực, mới mẻ về hiểu biết tài chính - bảo hiểm đến các thế hệ người Việt.