Tại tọa đàm Game Talks, ông Dzuy Anh Đỗ, Phó giảng viên ngành Cử nhân Thiết kế Game, đại học RMIT Việt Nam cho rằng, thiết kế game là "nơi bạn nghĩ ra các quy tắc về hệ thống của trò chơi".
"Phương tiện của nhà thiết kế game là tạo ra sự lựa chọn hoặc tác nhân trong game. Bạn phải thử nghiệm trò chơi nhiều lần và thay đổi theo ý thích của mình để người chơi có được trải nghiệm mà bạn muốn. Đó là cách mà nhà thiết kế game thể hiện phong cách của mình", ông Dzuy Anh Đỗ nói.
Chia sẻ về quá trình tạo ra một sản phẩm, ông Nguyễn Phú Hồng Phúc, Giám đốc bộ phận Game Design của Gameloft Việt Nam cho biết, để tạo ra một sản phẩm game hoàn chỉnh sẽ gồm: nhà thiết kế, họa sĩ, lập trình và quản lý chất lượng (Tester). Game Producer sẽ có nhiệm vụ gắn kết các bộ phận chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng, kết hợp cùng các bộ phận chuyên về âm thanh, ngôn ngữ cho trò chơi.
Quá trình tạo ra một trò chơi sẽ bắt đầu từ ý tưởng - hoàn chỉnh về tính năng - bản thử nghiệm - sản xuất game - quảng cáo và tìm người chơi. Theo ông Phúc, ý tưởng cần được xác định rõ ràng, phù hợp để xây dựng game hoặc trở thành một ứng dụng. "Nếu ý tưởng mang tính giải trí cao, tạo ra được tính tương tác, nhiều thử thách cho người dùng sẽ phù hợp để làm game", ông Nguyễn Phú Hồng Phúc nói.
Với góc nhìn từ nhà đào tạo, ông Dzuy Anh Đỗ cho rằng nhà thiết kế game cần xác định người chơi của mình sẽ làm gì trong game đó. "Cùng một thể loại nhưng người chơi sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Điều này sẽ do nhà thiết kế game quyết định", Phó giảng viên ngành Cử nhân Thiết kế Game, đại học RMIT Việt Nam nói.
Theo các diễn giả, sau khi lên ý tưởng cho game, bước quan trọng đầu tiên của mỗi nhà thiết kế game là làm ra sản phẩm thử nghiệm (Prototype). Việc này sẽ giúp họ kiểm tra lại các bước trong game, từ khâu ý tưởng, quá trình chơi và trải nghiệm người dùng. Đại diện Gameloft Việt Nam cho rằng, Prototype là "vùng đất" để người thiết kế có thể thử mọi phương án cho sản phẩm của mình.
"Game được thiết kế tốt sẽ có khả năng tồn tại hơn 10 năm, có lượng người chơi trung thành và gắn kết", ông Nguyễn Phú Hồng Phúc nói, thêm rằng các yếu tố sáng tạo, có trải nghiệm cụ thể liên quan đến người chơi, có thử thách, phần thưởng hợp lý... sẽ tạo ra một tựa game thành công.
Cùng quan điểm trên, ông Dzuy Anh Đỗ chia sẻ thêm về game có thiết kế tốt. "Một trò chơi được thiết kế tốt sẽ có kết thúc và khuyến khích người chơi tò mò về thế giới thực bên ngoài, cũng như có cuộc sống đời thường ngoài trò chơi", ông Dzuy Anh Đỗ cho biết.
Cuối tọa đàm, đánh giá về nhân lực của ngành, đại diện Gameloft Việt Nam cho rằng thời gian qua có khá nhiều sản phẩm được hoàn thành từ các nhà sản xuất Việt Nam.
"Đây là dấu hiệu tốt cho ngành công nghiệp game trong nước", Giám đốc bộ phận Game Design của Gameloft Việt Nam nói. "Tuy nhiên sản phẩm được làm hoàn chỉnh 100% trong nước còn hạn chế. Một số công ty thường dùng các game thành công, thay đổi một số tính năng cho phù hợp thị hiếu và phát hành".
Ngoài ra, hai diễn giả cũng chia sẻ những tố chất mà game designer cần có, như đam mê game, tinh thần học hỏi cao, nuôi dưỡng sự sáng tạo, tư duy logic và có khả năng lắng nghe, tự học hỏi. Ông Dzuy Anh Đỗ cho rằng, việc trở thành nhà thiết kế game giỏi đến từ quá trình nỗ lực, kết hợp các yếu tố về tư duy nghệ thuật.
"Giống như RMIT Melbourne, các lớp học của chúng tôi được thiết kế để cung cấp cho sinh viên các kỹ năng họ cần để tạo ra sản phẩm trò chơi, từ phát triển khái niệm, lập trình đến kể chuyện và nghệ thuật", đại diện đại học RMIT Việt Nam cho hay.
Tọa đàm Game Talks là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Triển lãm Vietnam GameVerse 2024, do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, báo VnExpress phối hợp cùng Liên minh Game Việt Nam và Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT tổ chức.
Tuấn Vũ - Hội An