Nhận định trên được bà Vũ Huệ, Đại diện Tập đoàn bảo mật F-Secure tại Việt Nam; ông Lê Phương Đông, Phó giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ đời sống hàng ngày, Siêu ứng dụng MoMo và bà Laura Kankaala, Chuyên gia bảo mật của Tập đoàn bảo mật F-Secure, hacker mũ trắng cùng đưa ra trong tọa đàm "Game thủ gặp rủi ro như thế nào trên Internet".
Theo đó, các chuyên gia đưa nhận định ngoài ý nghĩa giải trí, kết nối con người, game còn là ngành công nghiệp không khói, mang đến giá trị kinh tế cao cho nhiều quốc gia. Đi cùng lợi ích kinh tế, việc chơi game online cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Trong đó, bảo mật thông tin cá nhân và thanh toán là những vấn đề được người chơi quan tâm hàng đầu.
Những rủi ro người chơi game online thường gặp phải
Ở góc nhìn của đơn vị bảo mật, bà Vũ Huệ đề cập những rủi ro trên môi trường internet mà các game thủ có thể gặp phải.
Theo bà, các cuộc tấn công lớn mà F-Secure phát hiện trong thời gian qua là lừa đảo, mã độc và các dạng tấn công mạng khác. Trong đó, đối tượng bị nhắm đến là các game thủ, youtuber, tiktoker, vlogger. "Ở các cuộc tấn công về lừa đảo, hacker thường giả làm những nhà phát hành game, quản trị trang web, nhà quảng cáo hay người bạn chơi game cùng. Qua đó dẫn dắt người chơi truy cập vào các đường link giả mạo hoặc tải về các file có đường dẫn nguy hại", bà Vũ Huệ nói tại tọa đàm.
Khi người dùng truy cập vào các đường link, hoặc tải về cài đặt sẽ có nguy cơ mất dữ liệu cá nhân. Một số phần mềm nguy hại (keylogger) có thể ghi lại thao tác người dùng trên bàn phím, từ đó chiếm tài khoản đăng nhập. Chuyên gia bảo mật này dẫn chứng, có những mã độc như Trojan có thể ghi lại các thao tác của người dùng trên các ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử.
"Thậm chí, hacker có thể đọc những tin nhắn OTP gửi về điện thoại và thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Các mã độc này khi cài đặt sẽ khiến người dùng mất quyền kiểm soát thiết bị, dữ liệu bị mã hoá, từ đó, hacker yêu cầu người chơi phải trả tiền", bà Huệ chia sẻ. "Người chơi game online mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để xây dựng một nhân vật trong game. Các tài khoản hay thiết bị của người chơi xứng đáng được bảo vệ trên không gian mạng".
Ở góc nhìn của nhà thanh toán, ông Lê Phương Đông cho biết ví điện tử gần như đã kết nối với hầu hết các nhà phát hành game tại Việt Nam. Qua đó, có hàng triệu người dùng đã sử dụng ví điện tử để thanh toán cho việc chơi game online. Trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cũng phát hiện nhiều trường hợp người dùng bị lừa đảo khi thanh toán cho các trò chơi điện tử.
"Kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý của người chơi muốn sở hữu các vật phẩm với giá rẻ, thăng cấp nhân vật nhanh... Thường những hình thức lừa đảo khiến cho người dùng không nhận được các vật phẩm hoặc bị mất thông tin cá nhân của người chơi. Người dùng cũng có thể bị cài mã độc hoặc phần mềm không an toàn, qua đó ảnh hướng đến các ứng dụng thanh toán", ông Đông nói tại tọa đàm.
Trong khi đó, chuyên gia bảo mật Laura Kankaala cho rằng, tài khoản game là một trong những tài sản có giá trị nên thường là mục tiêu của kẻ xấu trên không gian mạng. "Họ thường lợi dụng các tính năng mở rộng trong game để đưa vào các mã độc, đặc biệt là các bản mod (sửa đổi) không rõ nguồn gốc. Người chơi nên cẩn thận khi tải các game miễn phí, bởi phần mềm độc hại (malware) có thể tồn tại trong đó", bà nói.
Trong năm ngoái tại Việt Nam, tập đoàn bảo mật F-Secure ghi nhận khoảng 28 triệu người chơi game, tuy nhiên bà Huệ nhận định việc bảo mật thông tin cho nhóm này "chưa được chú trọng". Ông Đông cũng cho rằng, cần có những hoạt động tuyên truyền để người chơi có thể hiểu tầm quan trọng của bảo mật thông tin cá nhân.
Những biện pháp bảo vệ người dùng
Tại tọa đàm, diễn giả Vũ Huệ cho rằng người chơi cần sử dụng mật khẩu "siêu mạnh" cho tài khoản của mình, hoặc sử dụng các phần mềm hỗ trợ đặt mật khẩu. Ngoài ra, người chơi cũng nên đặt các mật khẩu khác nhau cho mỗi tài khoản, sử dụng xác minh 2 lớp, kiểm tra rõ nguồn gốc và cảnh giác trước mỗi đường link mời gọi.
Với thiết bị, chuyên gia tại Game Talks cho rằng nên cài đặt các phần mềm diệt virus được chứng nhận từ các đơn vị uy tín và sử dụng đường truyền, bộ wifi có khả năng bảo mật. Tại Việt Nam, đơn vị đã hợp tác cùng nhà mạng FPT để cung cấp giải pháp bảo mật F-Safe và F-Safe Go, giúp người dùng có thể an tâm kết nối Internet ở nhà và cả ở nơi công cộng.
Ở góc nhìn của nhà trung gian thanh toán, ông Lê Phương Đông cho biết thông tin cá nhân, tài chính của người dùng luôn được MoMo chú trọng và giữ an toàn. "MoMo là đơn vị FinTech đầu tiên tại Việt Nam nhận PCI DSS phiên bản 4.0. Đây là chứng chỉ chuyên dùng cho các bảo mật thanh toán mạnh nhất trên toàn cầu", ông Đông nói, thêm rằng ứng dụng này sử dụng quy trình truy xuất dữ liệu, bảo mật nhiều lớp, bảo mật sinh trắc học, áp dụng AI. "MoMo cam kết không chia sẻ thông tin của người dùng, không sử dụng thông tin này để kinh doanh".
Hacker mũ trắng Laura Kankaala lưu ý người dùng nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, đặt mật khẩu mạnh, kích hoạt xác thực tài khoản và cài đặt các phần mềm uy tín để hỗ trợ bảo mật. "Khi gặp những cảnh báo bất thường về tài khoản, thông báo trúng thưởng lớn... cần truy cập đường link lạ, người dùng cần bình tĩnh và cân nhắc, đánh giá độ tin cậy của thông tin đó trước khi làm theo hướng dẫn của họ", bà nói. "Nếu chẳng may bị mất tài khoản, người chơi cần thông báo ngay tới nhà phát hành để có thể lấy lại tối đa những gì bị chiếm đoạt".
Ở phần cuối của tọa đàm, chuyên gia Vũ Huệ đưa ra những gợi ý cho người dùng đã gặp phải những vấn đề về bảo mật trên không gian mạng. "Đầu tiên, người dùng cần cài đặt phần mềm diệt virus và quét trên tất cả các thiết bị của mình. Tiếp theo cần đăng xuất tài khoản trên tất cả các thiết bị, cài đặt mật khẩu mới, thực hiện xác thực 2 lớp hoặc liên hệ với những chuyên gia an ninh mạng để được hỗ trợ", bà nói.
Game Talks là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Triển lãm Vietnam GameVerse 2024, do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, báo VnExpress phối hợp cùng Liên minh Game Việt Nam và Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT tổ chức.
Hội An