Talkshow với chủ đề '"Kinh doanh và thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn khởi nghiệp cấp vùng - Mekong Starup lần I, bắt đầu lúc 13h30 ngày 19/12, tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp.
Điều phối chương trình là ông Nguyễn Đức Tùng - Chuyên gia kinh tế, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA. Ba diễn giả gồm ông Lê Đăng Khoa - Chủ tịch Le Group Venture; bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch kiêm CEO IBP Việt Nam; ông Lâm Quốc Thái - Trưởng phòng Đầu tư, VinaCapital Venture.
Sự kiện thu hút các nhà đầu tư; đại diện quỹ đầu tư khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo; chuyên gia huấn luyện phát triển doanh nghiệp, startup; đại diện các đơn vị thu mua, phân phối nông sản (Coop-mart, Central Retail, Sendo...); doanh nghiệp logistics...
Ngoài ra còn có sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp tại ĐBSCL - vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước.
Theo đó, khách mời lần lượt đề cập đến một số vấn đề được cộng đồng khởi nghiệp quan tâm như: tiêu chí đánh giá startup; ý tưởng đổi mới sáng tạo; nhân tố dẫn dắt doanh nghiệp vượt khó, phát triển thần tốc; xu hướng áp dụng công nghệ trong nông nghiệp; cách thức tối ưu chuỗi phân phối, logistics lẫn giải pháp giúp tương tác hiệu quả, kết nối thị trường...
Các chuyên gia còn bàn luận mối quan tâm lẫn "khẩu vị" của các nhà đầu tư với lĩnh vực nông nghiệp và vùng ĐBSCL. Họ sẽ giải đáp mọi thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup... nhằm tháo gỡ khó khăn hiện hữu, tìm ra hướng đi phù hợp trong thời 4.0. Cùng với đó là các đề xuất về khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, từ đó tạo bước đệm vững chắc thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng bứt tốc.
Sự kiện là cơ hội để doanh nghiệp cập nhật thông tin chính thống về cam kết và yêu cầu bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính tác động đến kinh doanh cùng một số giải pháp gợi mở vấn đề này.
Theo đại diện ban tổ chức: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hay startup có thể nhận được đặt hàng từ tập đoàn lớn hay lãnh đạo các địa phương để tìm lời giải cho thách thức từng ngành hàng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0 (net zero)".
ĐBSCL có thế mạnh nông nghiệp, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước. Kết hợp với cơ sở khoa học kỹ thuật cùng nguồn nhân lực sẵn có từ các trung tâm, viện nghiên cứu, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực được dự đoán diễn ra thuận lợi.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông Báo VnExpress. Chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19 đến 20/12 với 4 phiên, bao gồm: giới thiệu các công nghệ mới của ngành nông nghiệp; tư vấn chia sẻ cùng các doanh nghiệp start-up; nghị sự xoay quanh chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực; khép lại với phiên toàn thể.
Với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", mục tiêu chính của chương trình là hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn sẽ chứng kiến việc ký kết giữa các tỉnh miền Tây và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, giữa bối cảnh Chính phủ hiện thực hóa những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP 26.
Vạn Phát