Ở Australia, cứ vào cuối tuần tại những trung tâm khởi nghiệp sẽ có "phiên chợ" trình bày ý tưởng, giải pháp công nghệ từ các startup để nhà đầu tư lắng nghe và lựa chọn. Nếu thấy ý tưởng hấp dẫn, giải pháp công nghệ phù hợp, nhà đầu tư sẽ chỉ định để nhóm nghiên cứu ra đường khảo sát, hỏi thông tin xem bao nhiêu người chấp nhận trả tiền mua nếu có sản phẩm. Từ sáng đến trưa ngày thứ bảy, nếu không ai đồng ý mua thì coi như sản phẩm không được chọn đầu tư.
Câu chuyện được chuyên gia Tony Wheeler dẫn từ hệ sinh thái Queensland Australia để chỉ ra điểm cốt yếu các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn không dừng ở ý tưởng tốt. Đó còn là một kế hoạch kinh doanh bài bản, cách sử dụng đồng vốn và năng lực của những người đang có ý tưởng. Họ cũng cần quan tâm vấn đề startup đang giải quyết ở quy mô thị trường thế giới hay khu vực.
“Nếu vấn đề đủ lớn, đội ngũ có năng lực, nhà đầu tư sẽ chọn và giúp startup phát triển sản phẩm”, Tony Wheeler nói và cho biết có công nghệ tốt, sản phẩm ra đời phải đẹp. Hiện đa số kỹ sư chỉ đưa ra sản phẩm đủ tính năng vận hành mà không biết được làm thế nào để mẫu mã đẹp, thị hiếu thị trường cần gì. Vì vậy cho dù sản phẩm tốt chưa chắc được thị trường chấp nhận.
Hiện phần lớn những người làm khởi nghiệp thất bại là do không đánh giá được mong muốn của thị trường với sản phẩm của mình. "Khi có ý tưởng và thiết kế sản phẩm, họ nghĩ là công nghệ của mình tốt nhưng không rõ ngoài kia có ai muốn mua không", Tony Wheeler lý giải việc các nhà đầu tư yêu cầu startup ra đường để chào hàng.
Có thể thấy bài học này từ dự án startup của hai anh em Đỗ Hoàng Nam và Đỗ Hoàng Việt trong chương trình Shark Tank Việt Nam tập 6 vừa thuyết phục được nhà đầu tư bỏ ra 4,65 tỷ đồng (20% cổ phần) cho dự án sản xuất cầu dắt xe thông minh của Công ty cổ phần Dô Ta.
Cái mà Đỗ Hoàng Nam và Đỗ Hoàng Việt thuyết phục được nhà đầu tư không chỉ vì công nghệ tiện ích, nhỏ gọn, giúp người dùng dắt xe an toàn mà hơn thế là giải pháp cung ứng ra thị trường hấp dẫn.
Ngoài việc bán trực tiếp cho người dùng, startup này có kế hoạch kết hợp với các hãng xe lớn để phân phối sản phẩm, bởi một năm có tới hàng nghìn xe máy được bán ra. Cách tiếp thị này không mới nhưng dễ được người tiêu dùng chấp nhận giống như mua xe máy kèm khóa chống trộm, tấm ốp trang trí, bảo hiểm xe...
Hiện Việt Nam xếp thứ ba Đông Nam Á (sau Singapore và Indonesia) về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng số vốn đầu tư cho startup Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 7% nguồn vốn được rót cho hoạt động khởi nghiệp trong khu vực.
Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thống kê của tổ chức Topica Foun2der Institute (TFI), năm 2017 Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD.
Hiện khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, trong đó phần lớn là quỹ đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư ở Việt Nam mới phát triển một số hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như VIC Impact, iAngel, Angel4us...
Ông Tony Wheeler có 25 năm kinh nghiệm về xây dựng, cố vấn và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp công nghệ, có đóng góp tích cực cho công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Australia.
Kinh nghiệm được ông chia sẻ trong chuỗi hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ ngày 11 đến 13/8 do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ)... cùng một số đơn vị tổ chức tại các thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Tháp.