Trong thời đại 4.0, chuyển đổi số trở thành bước ngoặt tất yếu giúp các doanh nghiệp đa ngành bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Với các doanh nghiệp thương mại Đồng bằng sông Cửu Long, việc số hóa các hoạt động vận hành, quảng bá, tiếp thị sản phẩm mang lại nhiều lợi thế, giúp mở rộng độ phủ thị trường.
Những năm gần đây, chuyển đổi sống nông nghiệp trở thành một trong những mục tiêu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội các tỉnh miền Tây, nơi có nhiều lợi thế về lĩnh vực nuôi trồng nông lâm, thủy hải sản. Ngoài giúp các doanh nghiệp địa phương số hóa thành công, tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, các giải pháp, sáng kiến khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo còn hỗ trợ đáp ứng nhu cầu mua sắm nông sản trực tuyến đang ngày càng tăng mạnh ở các tỉnh, thành khác.
Cụ thể, Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hiện là hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nông dân sản xuất nhưng không biết tiêu thụ ở đâu. Việc ứng dụng công nghệ là nhu cầu cấp bách giúp nông dân kết nối với thị trường.
"Thực tế chỉ số ít nông dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Đây là dấu hiệu cho thấy thay vì tiêu thụ theo kênh truyền thống, nông dân đã biết sử dụng công nghệ để bán hàng", Giáo sư Xuân nói.
Với nhu cầu tiêu thụ trực tuyến tăng cao, không chỉ nông dân mà các doanh nghiệp thương mại tại ĐBSCL cần có các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, sáng kiến mới để kịp thời ứng phó và nắm bắt cơ hội. Song song với nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp miền Tây cũng cần có đối sách rõ ràng, biến thách thức về mặt thiên nhiên, môi trường, biến đổi khí hậu thành yếu tố thuận lợi.
Các chuyên gia nhận định sáng kiến hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp bứt tốc nhanh chóng trong điều kiện bất lợi, mà còn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn vùng. Đồng thời, những vấn đề, chướng ngại trong chuyển đổi số nông nghiệp như tư duy, nền tảng công nghệ, tài chính... cũng cần sớm tìm giải pháp khắc phục. Trong đó, công tác tiếp cận thông tin về các khía cạnh như công nghệ, mô hình, nguồn vốn là những khía cạnh cần chú trọng tìm hướng giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Nhằm mục đích hiến kế và trợ lực cho các doanh nghiệp tại ĐBSCL sớm vượt chướng ngại và tăng trưởng nhanh chóng, diễn đàn Mekong Startup 2022 - Lần 1 chính thức khởi động. Chủ đề chính của diễn đàn là "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế những ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp được ban tổ chức nhấn mạnh giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Chương trình có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ đa lĩnh vực tại khu vực ĐBSCL, cùng chia sẻ, đóng góp ý kiến và trau dồi kiến thức về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, hướng đến tăng trưởng bền vững. Song song đó, các đơn vị tham dự cũng có cơ hội giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Diễn đàn Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông Báo VnExpress. Chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19 đến 20/12 với 4 phiên, bao gồm: giới thiệu các công nghệ mới của ngành nông nghiệp; tư vấn chia sẻ cùng các doanh nghiệp start-up; nghị sự xoay quanh chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực; và khép lại với phiên toàn thể.
Thy An