Đều đặn ngày 15 hàng tháng sau khi vừa nhận lương, Nguyễn Thế Anh (Đống Đa, Hà Nội) chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản nhưng không phải gửi tiết kiệm mà để ủy thác cho một quỹ đầu tư cổ phiếu DCDS. Thói quen này được anh duy trì từ đầu năm 2023, sau khi tài khoản chứng khoán bị chia ba hồi cuối năm 2022 do những đợt sụt giảm mạnh của thị trường
Từ đầu năm, lợi suất đầu tư Thế Anh khi đầu tư chứng chỉ quỹ rơi vào khoảng hơn 25%, tức là cao gấp gần 5 lần so với gửi tiết kiệm. Đặc biệt, khi lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng đã giảm xuống "đáy" trong nhiều năm qua, thấp hơn mức trước giai đoạn Covid-19, Thế Anh dự định chuyển một phần tiền nhàn rỗi đang gửi ngân hàng sang kênh chứng chỉ quỹ.
Anh lý giải, hiện lãi suất ở Big 4 ngân hàng chưa đến 5,5%, trong khi lạm phát có thể tăng, nếu lấy lãi suất trừ đi lạm phát thì khả năng sinh lời không thực sự hấp dẫn.
Từng đầu tư chứng khoán, anh cũng thấy mua chứng chỉ quỹ hợp khẩu vị rủi ro của mình hơn. So với tự đầu tư dựa trên kiến thức và thông tin của bản thân, Thế Anh đánh giá, việc rót tiền vào chứng chỉ quỹ đem đến cho anh lợi nhuận khả quan hơn bởi danh mục được quản trị từ những người có kinh nghiệm.
"Đầu tư chứng chỉ quỹ có có những rủi ro nhất định bởi thị trường chứng khoán vận động theo chu kỳ, không đi theo đường thẳng mà sẽ có những lúc biến động, tuy nhiên, với khẩu vị cá nhân kênh đầu tư này có độ rủi ro trung bình nên hợp với tôi", 9X nói.
Ngoài những người tìm kiếm lợi nhuận cao hơn kênh gửi tiết kiệm như Thế Anh, chứng chỉ quỹ cũng thu hút nhà đầu tư bận rộn, thiếu kiến thức tài chính. Thế nên đây trở thành kênh đầu tư ưa thích của chị Minh Thúy (45 tuổi, Hà Nội) từ nhiều năm nay.
"Không cần am hiểu thị trường hay đọc báo cáo tài chính, tiền của tôi vẫn có thể sinh lời khi ủy thác cho các chuyên gia quản lý. Có thể tài khoản sẽ biến động, sụt giảm trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, tiềm năng sinh lời vẫn khá cao", chị nói.
Để chọn chứng chỉ quỹ uy tín, chị Thúy tìm hiểu trên mạng dựa trên các tiêu chí như quỹ lâu đời, có nhiều nhà đầu tư, hiệu suất sinh lời khả quan, thông tin minh bạch. Sau khi tìm hiểu, chị chọn quỹ cổ phiếu DCDS của Dragon Capital bởi đây là quỹ lâu đời tại Việt Nam, hiện phục vụ 200.000 nhà đầu tư. Từ đầu năm 2023 đến nay, quỹ duy trì hiệu suất sinh lời 26,2%, mức tăng tốt hơn cho với chỉ số VN-Index.
Ngoài ra, việc mua bán chứng chỉ quỹ dễ dàng bằng giao dịch trực tiếp hay thông qua các ứng dụng ngân hàng, công ty quản lý quỹ cũng giúp những người trung niên như chị Nhung gắn bó với kênh này.
"Do xác định chứng chỉ quỹ là kênh lâu dài, tôi dành phần lớn đầu tư vào kênh này, vừa đầu tư sinh lời lại không tốn quá nhiều thời gian và công sức", chị Nhung nói.
Giới chuyên môn đánh giá, việc chọn đầu tư vào chứng chỉ quỹ trong bối cảnh hiện nay như Thế Anh hay Minh Thúy không phải cá biệt. Nhà đầu tư lựa chọn chứng chỉ quỹ vì nhiều lý do, trong đó nổi bật lên ưu điểm về khả năng cân bằng rủi ro lợi nhuận với nhà đầu tư không chuyên, phương thức đầu tư đơn giản, linh hoạt, thanh khoản ổn định...
Theo số liệu thống kê, hiệu suất của 5 quỹ đầu tư có tổng tài sản lớn nhất thị trường đến tháng 10 ghi nhận mức tăng từ 20-25%, trong khi VN-Index tăng 10%. Đơn cử, trong gần hai thập kỷ phát triển, lợi suất lũy kế của DCDS, quỹ cổ phiếu của Dragon Capital đạt hơn 800%, tăng trưởng cao hơn gấp đôi chỉ VN-Index trong cùng kỳ. Hay quỹ ETF VN30 do đơn vị này quản lý, có lợi suất đầu tư lên đến 92,7% kể từ khi thành lập, khoảng 12,5% tính từ đầu năm.
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital cho biết: "Quỹ được quản lý bởi các chuyên gia có kinh nghiệm giúp phân tán rủi ro bởi một quỹ bao giờ cũng đầu tư vào nhiều ngành, nhiều công ty".
Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán, một cổ phiếu không chiếm quá 20% giá trị quỹ, tổng giá trị các cổ phiếu trên 5% giá trị quỹ cũng không được vượt quá 40%. Các quỹ uy tín cũng chỉ rót tiền vào cổ phiếu tốt, không đầu tư vào cổ phiếu bị đồn thổi giá trị.
Ngoài ra, do là một sản phẩm đầu tư cho đại chúng nên sản phẩm quỹ mở được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán với những quy định nghiêm ngặt. Ngoài các quy định về cấp phép thành lập, còn có thêm các yêu cầu hạn chế về đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Tiền của quỹ cũng phải được để ở ngân hàng giám sát uy tín và độc lập hoàn toàn với công ty quản lý quỹ. Ngân hàng vừa giám sát vừa lưu ký, tức là giữ tiền và giám sát hoạt động đầu tư của quỹ có đúng với quy định và điều lệ công ty.
Do đó, nhiều nhà đầu tư hiện nay coi chứng chỉ quỹ như một kênh tích sản mới. Trong khảo sát thực hiện trên VnExpress hôm 13/10, hơn 34% trên tổng số 1.152 người lựa chọn chứng khoán, chứng chỉ quỹ là kênh tích sản tiềm năng trong ba năm tới. Trong khi, kênh tích sản truyền thống như bất động sản hay vàng chỉ chiếm lần lượt 23% và 14%.
Hiện số lượng quỹ đang được cấp phép hoạt động tại Việt Nam là 87 quỹ, trong đó gồm 48 quỹ mở, 11 quỹ ETF, 1 quỹ bất động sản, 2 quỹ đóng và 25 quỹ thành viên. Đồng nghĩa, nhà đầu tư cũng có nhiều lựa chọn hơn khi phân bổ tài sản của mình.
Ở chiều ngược lại, các quỹ đầu tư cũng ghi nhận số lượng nhà đầu tư tăng trưởng về lượng và về chất.
10 năm qua, tổng tài sản được quản lý của các quỹ tăng 18%, từ 100.00 tỷ đồng năm 2014 lên 584.000 tỷ đồng cuối quý I/2023, tương đương gần 2,5% GDP. Tại Dragon Capital, quỹ đang quản lý tài sản cho hơn 200.000 nhà đầu tư, số lượng tăng gấp 10 lần trong vòng hai năm trở lại đây.
Song, so với tiềm năng thị trường, tỷ lệ tổng tài sản các quỹ tại Việt Nam quản lý vẫn khiêm tốn so với các quốc gia khác trong khu vực. Tại Thái Lan, tỷ lệ này chiếm 27,93% GDP (2017), Malaysia là 31,57% (năm 2017), Trung Quốc là 10,7% (năm 2020), Ấn Độ là 15,4% (năm 2021)...
Trong tương lai quỹ mở vẫn còn khả năng tăng trưởng bởi đến này, thị trường mới ghi nhận khoảng 1,3 triệu tài khoản giao dịch quỹ mở, tương ứng khoảng 1,3% dân số. Trong khi, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán gấn gần 6 lần, đạt hơn 7,6 triệu tài khoản, tương ứng 1,3% dân số. Ngoài ra, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cùng với độ thâm nhập của kiến thức tài chính cá nhân cũng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng đầu tư vào quỹ mở. Bởi khi xuất hiện nhu cầu tích sản bài bản, quỹ mở là kênh đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, tiềm năng của loại hình đầu tư này chỉ thực sự rõ nét khi nhà đầu tư hiểu được khẩu vị rủi ro của chính mình. "Khi tự đầu tư cổ phiếu, nhiều người nghĩ rằng cứ phải ăn gấp đôi thậm chí gấp ba tài khoản nhờ đầu tư vào một hay vài mã biến động mạnh. Còn đầu tư vào quỹ mở, mức sinh lời có thể thấp hơn, nhưng ngược lại sẽ an tâm về hiệu quả lâu dài cũng như những rủi ro khác như thanh khoản hay mất vốn nhờ danh mục đầu tư đa dạng", bà Lương Thị Mỹ Hạnh nhận định.
Lợi nhuận kỳ vọng của quỹ mở cổ phiếu trung bình ở mức 12-15%/năm. Với thời gian khuyến nghị đầu tư dài hạn để có thể đón cơ hội thị trường tăng mạnh hoặc vượt qua giai đoạn thị trường rớt giá, bạn có thể gấp đôi số tiền sau khoảng 7 năm, tất nhiên có thể sớm hơn nếu thị trường thuận lợi. Trong trường hợp thị trường biến động, lợi nhuận quỹ mở có thể sụt giảm trong ngắn hạn, nhưng nhà đầu tư có thể hạn chế rủi ro mất thanh khoản hay mất vốn.
Việc đầu tư vào quỹ mở là kế hoạch tài chính dài hơi cho bạn, không phù hợp với những ai tìm kiếm lợi nhuận đột biến gấp đôi hoặc gấp ba tài khoản trong thời gian ngắn.
Thảo Vân