Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc hôm nay công bố Báo cáo Hiện trạng Khí hậu châu Á 2023, cho biết đây là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai do khí hậu và thời tiết nhất trong năm ngoái, khi nhiều quốc gia trải qua hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, từ hạn hán, nắng nóng cho đến bão, lũ lụt.
Lũ lụt là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thiên tai ở châu Á năm 2023. Châu lục này hứng chịu tổng cộng 79 thảm họa thời tiết liên quan đến nước, 80% là bão và lũ lụt, khiến hơn 2.000 người chết, 9 triệu người bị ảnh hưởng.
"Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và môi trường sống ở châu Á", giám đốc WMO Celeste Saulo cho biết, nhấn mạnh kết quả báo cáo "là lời cảnh tỉnh" với khu vực.
Báo cáo cho biết thêm châu Á đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn mức trung bình của thế giới, trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục năm 2023.
Nhiệt độ trung bình đặc biệt cao được ghi nhận từ phía tây Siberia cho đến Trung Á, từ phía đông Trung Quốc cho đến Nhật Bản, trong đó Nhật trải qua mùa hè nóng kỷ lục.
Tình trạng này khiến các sông băng tan chảy, nước biển dâng, đe dọa an ninh nguồn nước tại khu vực. Vùng núi cao châu Á tập trung ở cao nguyên Tây Tạng, nơi lưu trữ lượng băng tuyết lớn nhất ngoài hai vùng cực. 20 trên 22 sông băng được giám sát ở châu Á tiếp tục tan chảy với tốc độ cao.
WMO cho biết các cơ quan khí tượng tại châu Á cần nhanh chóng cải thiện luồng thông tin cung cấp cho LHQ, nhằm tìm cách giảm thiểu rủi ro thiên tai.
"Hành động và chiến lược đối phó của chúng tôi cần phản ánh tính cấp bách ở thời điểm này. Giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu không còn đơn thuần là một lựa chọn, mà là điều cơ bản cần làm", giám đốc WMO Saulo nói.
Đức Trung (Theo AFP)