Khi thực hiện một khảo sát nhanh với hơn 40 học sinh tại lớp 4 ở một trường Tiểu học tại Hà Nội về cách các em sẽ quản lý tiền mừng tuổi ra sao, tất cả đều có kế hoạch sử dụng đồng tiền có ích. Nửa trong số đó lựa chọn tiết kiệm bằng việc đút lợn hay gửi bố mẹ, một số em dùng "tiền đẻ ra tiền" bằng cách gửi ngân hàng hay mua vàng, còn số khác dự định dùng tiền mừng tuổi mua đồ dùng cho bản thân hay mua quà cho người thân.
"Đứng trước đồng tiền, các bạn nhỏ giờ có nhiều sự lựa chọn hơn khi biết phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để có quyết định hợp lý nhất", cô giáo chủ nhiệm đánh giá về sự thay đổi tích cực của các con.
Không chỉ ở lớp học, các kiến thức về tài chính cũng được các bạn nhỏ vận dụng linh hoạt khi ở nhà. Trong một lần đi siêu thị, Quang Thắng (10 tuổi, Tiểu học Hồng Hà) được mẹ "thử thách" bằng việc dùng 100.000 đồng để mua sắm. Lúc này, Thắng đứng giữa hai sự lựa chọn, mua robot – món đồ em thích từ lâu hoặc mua một đồ dùng học tập. Cuối cùng, Thắng chọn mua hộp bút với lý do "con cần dùng nó mỗi ngày".
Trước quyết định của con, chị Quỳnh Hoa, phụ huynh Quang Thắng cho biết, con đã biết cân nhắc giữ nhu cầu và mong muốn của bản thân. "Ở trường, các con được học và hiểu rằng kiếm tiền không hề đơn giản, do đó, bé cũng cẩn trọng hơn khi tiêu tiền. Quang Thắng cũng biết so sánh giá cả khi mua sắm để chọn đồ tốt và giá hợp lý", chị Hoa chia sẻ.
Bên cạnh ý thức được việc kiếm tiền khó và cần tiêu tiền cẩn trọng, các bé cũng phần nào biết sẻ chia với những người yếu thế trong xã hội. Một lần, Bảo Nam (9 tuổi, Tiểu học Ban Mai) khiến mẹ bất ngờ và xúc động khi dùng số tiền 50.000 đồng tiêu vặt để giúp đỡ một người khuyết tật trên phố.
Theo phụ huynh của bé Bảo Nam, khi tiếp cận kiến thức tài chính sớm từ ở trường, bé biết về các kỹ năng tài chính như kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu tiền và quyên góp. Chị tự hào vì con biết giúp đỡ người khác ngay khi không có nhiều tiền, điều này giúp bé tự tin hơn, sống lương thiện và ý nghĩa.
Sự thay đổi của Quang Thắng hay Bảo Nam trong cách sử dụng đồng tiền là một "điểm sáng" góp vào bức tranh tích cực trong hàng chục nghìn học sinh được tiếp cận kiến thức tài chính thông qua dự án Cha-Ching tại 210 trường Tiểu học tại Việt Nam.
Trực tiếp giảng dạy Cha-Ching, cô Ngọc - giáo viên Tiểu học Ban Mai, nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở các con "Khi hiểu hơn về tiền bạc, các con không chỉ hình thành thói quen tiết kiệm, chi tiêu có cân nhắc hơn mà còn bộc lộ và phát huy những đức tính tốt". Trong lớp cô dạy, nhiều bé đua nhau "nuôi lợn" hay ấp ủ dự định kinh doanh từ sản phẩm tái chế vừa giảm thiểu rác thải tại trường, lại vừa giúp đỡ được bạn học khó khăn.
Giáo dục tài chính cho trẻ là cần thiết, song trên thực tế, việc này không hề đơn giản. Dưới góc độ của đơn vị phối hợp đưa Cha-Ching vào chương trình học tập tại các trường tiểu học, bà Đoàn Bích Ngọc – Giám đốc JA Việt Nam định vị ba rào cản trong quá trình giúp trẻ em Việt tiếp cận các kiến thức tài chính.
Rào cản đầu tiên đến từ tư duy. Bà Ngọc đưa ra thực tế là nhiều gia đình vẫn quan niệm ở lứa tuổi tiểu học, các con chỉ cần học và chơi, còn những thứ liên quan đến tiền cứ để ông bà, bố mẹ lo.
Thứ hai, thách thức còn đến từ việc chính bản thân bố mẹ chưa có đầy đủ kiến thức tài chính, kỹ năng để nói chuyện, thấu hiểu và tư vấn cho con. Một số ba mẹ dạy con sớm về tiền nhưng có thể sai phương pháp khiến các bé quá đam mê tiền và việc kiếm tiền hoặc khiến các bé cảm thấy bị áp đặt một lối tư duy không phù hợp. Song song đó, bà Ngọc cũng có cho biết: "Rào cản thứ ba đến từ thực trạng các tài liệu, chương trình giáo dục trẻ về quản lý tài chính hiện còn tràn lan, chưa được đo lường về chất lượng và nội dung".
Ở góc độ giảng dạy Cha-Ching trong trường học, nhiều thầy cô cũng phải tìm cách đơn giản hoá các kiến thức tài chính khô khan thành bài học trực quan sinh động, dễ hiểu cho trẻ. "Để dạy các em về cách tiêu tiền ở lớp, tôi tổ chức hoạt động cho các bé đứng vào 1 tờ giấy A4 tượng trưng cho số tiền hàng tháng mỗi gia đình có. Dần dần tờ giấy bị thu hẹp như việc quỹ tiền hàng tháng bị giảm dần. Các con sẽ đứng trên tờ giấy khó khăn hơn, từ đó, để các bạn hiểu cần tiêu tiền chừng mực và hợp lý", cô Ngọc minh hoạ một hoạt động của lớp học.
Do đó, Cha-Ching không chỉ giúp đào tạo kiến thức tài chính cho trẻ nhỏ mà còn giúp các thầy cô xây dựng kiến thức, kỹ năng về truyền đạt, chia sẻ tư duy tài chính cho học trò.
Nhấn mạnh về vai trò của giáo dục tài chính sớm cho trẻ, Giám đốc điều hành Quỹ Prudence (Prudence Foundation), đơn vị sáng lập dự án Cha-Ching, Marc Fancy cho biết: "Sau cuộc khủng khoảng tài chính, chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của việc triển khai chương trình giáo dục tài chính trên phạm vi toàn cầu. Tài chính hiện diện ở rất nhiều khía cạnh trong đời sống, trong từng quyết định của chúng ta mỗi ngày nhưng chưa nhận được sự quan tâm tương xứng".
Dự án tập trung vào việc phát triển bốn kỹ năng quản lý tài chính gồm kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu tiền và quyên góp cho trẻ em từ 7-12 tuổi. Theo nghiên cứu và khảo sát, đây là giai đoạn thích hợp để định hình nhận thức và tư duy ở trẻ. Các kiến thức về tài chính phù hợp và được truyền đạt theo cách dễ hiểu và thú vị thông qua các bộ phim hoạt hình hay hoạt động thực tiễn sẽ giúp các em dễ dàng tiếp thu.
Đến năm 2023, đã có gần 80.000 học sinh Việt được tiếp cận Cha-Ching. Thông qua việc giúp các bạn nhỏ ứng xử với đồng tiền tốt hơn, mục tiêu mà Prudence Foundation và Prudential hướng đến là xây dựng sự tự tin về tài chính để tạo nền tảng tương lai vững vàng cho trẻ.
Nội dung: Hồng Thảo - Thiết kế: Thái Hưng