Trong phiên "Chuyển đổi chuỗi lúa gạo ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp" thuộc khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup 2022, tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp, hôm 20/12, phần tham luận của ông Phạm Thái Bình - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) - gây chú ý, được nhiều khách mời đánh giá sâu sát, thẳng thắng, phản ánh phần nào thực trạng, khó khăn của ngành lúa gạo.
Mở đầu bài thuyết trình, ông Bình cho rằng muốn đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp, trước hết, phải đảm bảo hạ tầng ban đầu gồm: làm đất trồng lúa, hệ thống thủy lợi cấp nước tưới tiêu, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn cho gạo, đầu ra cho lúa hàng hóa, dự trữ bảo quản sau thu hoạch, chế biến tiêu thụ gạo của doanh nghiệp...
Ông Bình nhấn mạnh muốn phát triển bền vững, không có giải pháp nào ngoài thực hiện mô hình cánh đồng lớn (tức liên kết theo chuỗi giá trị) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động từ năm 2010, được Chính phủ nâng cấp thành Nghị định số 98/2018.
"Thực tế các năm qua cho thấy, xây dựng và thực hiện vùng nguyên liệu lúa theo mô hình cánh đồng liên kết là phương thức tiến bộ, hiệu quả nhất, từ đó tạo ra loạt gạo chất lượng, bán được giá cao, cạnh tranh với hàng hóa các nước", ông nhận định. Hiện Chính phủ, Bộ ngành tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cả nước đẩy mạnh liên kết sản xuất chuỗi giá trị theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai, chỉ khoảng 10% (150.000 ha) trong tổng hai triệu ha đất trồng lúa/vụ của ĐBSCL là cánh đồng lớn liên kết đúng nghĩa. Với diện tích như vậy, mỗi năm ĐBSCL chỉ đưa ra thị trường không đến một triệu tấn gạo được chế biến từ lúa sản xuất theo mô hình này.
Doanh nhân 66 tuổi dẫn chứng công ty Trung An của ông là ví dụ điển hình. Chín năm qua, doanh nghiệp xuất khẩu trung bình 200.000 tấn gạo mỗi năm. Từ 2013, đơn vị đặt mục tiêu toàn bộ gạo đưa ra thị trường phải xuất phát từ nguồn lúa được sản xuất trong cánh đồng lớn liên kết theo mô hình, tiêu chí Bộ Nông nghiệp đã triển khai.
Để đạt mục tiêu trên, mỗi năm Trung An cần khoảng 400.000 tấn lúa. Tại ĐBSCL mỗi năm làm hai vụ, năng suất lúa trung bình 6,5 tấn/ha, vị chi công ty phải đầu tư xây dựng 30.000 ha cánh đồng lớn liên kết để có 400.000 tấn lúa (tương ứng 200.000 tấn gạo) cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
"Nhưng từ năm 2013 đến nay, chúng tôi mới xây dựng tầm 12.000 ha cánh đồng liên kết, còn thiếu 18.000 ha so với nhu cầu", ông Bình tiết lộ.
Doanh nhân cũng nhắc đến vấn đề đáng lưu tâm: ngay ở thời điểm xuất khẩu gạo thuận lợi, khách nước ngoài muốn mua gạo rất nhiều, nhất là khi Covid-19 hoành hành, tiếp đó là khủng hoảng Nga-Ukraine... Đa số doanh nghiệp Việt không đủ gạo cung ứng, nhưng một số đơn vị vẫn tranh nhau bán, thậm chí hạ giá để trúng thầu.
Theo ông, dù doanh nghiệp và nông dân đã ký hợp đồng liên kết từ đầu vụ, nhưng khi thu hoạch, đa số công ty không nhận lúa kịp tiến độ, lúa tươi chất đầy bờ kênh. Nhiều đơn vị không đủ gạo xuất khẩu nhưng vẫn phải bán lại lúa tươi tại ruộng cho cò hoặc thương lái để giảm bớt thiệt hại vì sấy không kịp, hoặc để có tiền thanh toán cho nông dân. Thậm chí có vụ cò và thương lái bỏ tiền cọc giữa bối cảnh giá lúa giảm sâu do doanh nghiệp không có đầu ra trong xuất khẩu.
"Rõ ràng, ngành lúa gạo Việt Nam, trong đó có công ty của tôi và các doanh nghiệp khác, vẫn trong tình trạng phát triển mang tính không bền vững. Những bất cập thực tế trên chắc chắn không xảy ra khi mô hình liên kết của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân có đủ vốn đầu tư, thực hiện", ông Phạm Thái Bình khẳng định.
Từ băn khoăn trên, ông đặt ra câu hỏi với khách mời tại phiên thảo luận: Cần vốn đầu tư gì ở mô hình cánh đồng lớn liên kết, trong khi nhiều năm qua ngân hàng đã cho các doanh nghiệp sản xuất gạo vay vốn khá đầy đủ?
Với xu thế xuất khẩu bền vững, giá trị gia tăng cao, bắt buộc ngành lúa gạo phải gắn sản xuất với tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính về nguồn vốn, đáp ứng các công đoạn của chuỗi liên kết. Do vậy, họ cần vốn lớn gấp hai lần so với hạn mức ngân hàng đã cấp để xuất khẩu khúc ngọn.
"Còn xuất khẩu theo hướng bền vững - từ lúc gieo trồng đến khi tiêu thụ - vẫn thiếu 50% vốn đầu tư từ đầu chuỗi", người đứng đầu công ty Trung An lý giải. Cụ thể, các doanh nghiệp cần 50% vốn tăng thêm như sau:
Vốn dài hạn: xây dựng, lắp đặt máy sấy lúa, và silo chứa lúa cần 30 triệu đồng/ha lúa.
Vốn ngắn hạn: ứng đầu vụ và thanh toán khi thu hoạch cần 50 triệu đồng/ha lúa.
Từ những phân tích trên, doanh nhân kỳ vọng ngân hàng cho doanh nghiệp vay đủ vốn (lãi suất như lâu nay, không ưu đãi lãi suất gây ảnh hưởng ngân sách Nhà nước) để đầu tư xây dựng và thực hiện cánh đồng lớn liên kết theo từng dự án được UBND tỉnh, thành vùng ĐBSCL phê duyệt, theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Nghị định 98/2018 của Chính phủ, trên tinh thần tự nguyện.
Ông lý giải nếu có thể vay đủ vốn như trên, nông dân sẽ không phải lo đầu ra của lúa; doanh nghiệp không bị áp lực bán lúa, gạo gấp với giá thấp để quay vòng vốn đáo hạn ngân hàng; xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ ổn định, luôn ở tư thế chủ động. Dự kiến mỗi năm, nước ta xuất khẩu trung bình 6,5 triệu tấn gạo từ nguồn lúa trong mô hình cánh đồng lớn liên kết, thu về 5-6 tỷ USD tăng dần hàng năm, chứ không phải trên dưới 3 tỷ USD như mấy chục năm nay.
"Nếu ngân hàng đồng hành vào cuộc, tôi cam kết chỉ ba năm nữa ngành lúa gạo ĐBSCL sẽ phát triển vượt bậc theo hướng bền vững, giá trị sản phẩm gia tăng cao cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Hoàn toàn không tốn tiền ngân sách Nhà nước và đạt luôn mục tiêu hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp", CEO Phạm Thái Bình nhấn mạnh cuối phần trình bày.
Hiếu Châu (ảnh: Vinh Đào, Thanh Tùng)