Thông tin được nêu tại kỳ họp Ban Điều hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 28/3.
Tại sự kiện các ý kiến từ các bộ ngành, viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp... cho thấy từ năm 2016 đến nay Đề án 844 được ban hành và triển khai, đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện có 60/63 tỉnh thành đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 844; khoảng 20 địa phương hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 84 vườn ươm và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên toàn quốc.
Những con số cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam đã hình thành với đầy đủ các thành phần là các cá nhân/tổ chức KNST, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ (cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh), công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu KNST tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
Tuy nhiên, hệ sinh thái hiện vẫn cần thúc đẩy hơn nữa việc kết nối chặt chẽ
với khối doanh nghiệp, tập đoàn và khối giáo dục viện trường.
Thứ trưởng Khoa học và công nghệ Hoàng Minh cũng chỉ ra hai vấn đề lớn là việc hình thành, quản lý các tổ chức đổi mới sáng tạo và cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn vướng mắc, ở cả khối công lập và tư nhân. Hiện chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo; các địa phương chưa sử dụng được cơ sở vật chất. Bên cạnh đó thời gian qua nhiều khái niệm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng được sử dụng chưa chuẩn xác đôi khi gây sự hiểu nhầm, lúng túng trong quản lý, đặc biệt trong xây dựng thực thi chính sách.
Ông cho hay, theo thống kê có trên 30 thuật ngữ được sử dụng nói về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo. Do đó cần quy định chính thức, định danh tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ và xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ.
Thực tế đổi mới sáng tạo hoạt động việc ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, sản xuất, kinh doanh. Hiện luật chưa có hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, do đó dẫn tới hiểu chưa đúng về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng chính là lý do dẫn tới nhầm lẫn khởi nghiệp sáng tạo với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). "Do đó việc xây dựng hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo vô cùng cần thiết và quan trọng", Thứ trưởng lý giải.
Cùng quan điểm nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay, hiện không dùng cụm từ "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" mà sử dụng "khởi nghiệp sáng tạo", do đó cần làm rõ khái niệm, phân công giữa các bộ ngành.
Ông Tùng đề xuất có sự phối hợp giữa các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng thống nhất xây dựng cơ chế chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Để có cơ sở pháp lý vững chắc, việc cấp thiết xây dựng Nghị định hướng dẫn nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đồng thời với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Theo ông Tùng, khi có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đời sống, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Tuấn Anh cho biết đơn vị ông từng đề nghị xây dựng sử dụng vốn đầu tư công nhà nước để xây dựng trung tâm có cả khởi nghiệp và sáng tạo. Tuy nhiên khi rà soát và trình Quốc hội lại không có văn bản căn cứ. Ông tin rằng việc xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý để các đơn vị triển khai có căn cứ, gốc để dựa vào.
Tại sự kiện nhiều ý kiến đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, các doanh nghiệp như Viettel, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước... đồng tình và làm rõ hơn những khó khăn khi thiếu cơ sở pháp lý trong việc triển khai các hoạt động thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Các ý kiến cho thấy cần thiết đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết các đề xuất, kiến nghị sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, tham mưu Chính phủ để xây dựng hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi và quản lý thống nhất.
Trong giai đoạn tiếp theo, để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó đặc biệt hướng tới làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên của xây dựng chính sách.
Tại sự kiện Ban Điều hành cũng thảo luận và thống nhất đánh giá kết quả triển khai Đề án 844 trong năm 2024-2025 để trình Thủ tướng chương trình quốc gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2026-2035.
Như Quỳnh