Cẩm nang du lịch
Cẩm nang du lịch
Cẩm nang du lịch

Tiền Giang

Tiền Giang nằm ở cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trải dài 120 km theo bờ bắc sông Tiền đến các cửa biển đổ vào biển Đông.

Tiền Giang cách TP HCM 70 km về hướng tây nam và cách thành phố Cần Thơ 90 km về hướng đông bắc theo đường Quốc lộ 1. Nhờ vị trí thuận lợi, Tiền Giang trở thành trung tâm giao thương của ĐBSCL, địa bàn trung chuyển quan trọng giữa TP HCM với miền Tây Nam Bộ.

Tiền Giang có địa hình bằng phẳng, khí hậu ảnh hưởng cận xích đạo với hai mùa mưa và khô rõ rệt. Nền nhiệt độ trung bình ở Tiền Giang cao, khoảng 28 độ C và nóng quanh năm. Mùa mưa ở đây thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Di chuyển

Nếu di chuyển bằng đường hàng không, sân bay ở TP HCM và Cần Thơ là điểm đến gần nhất, sau đó du khách đi xe khách đến thành phố Mỹ Tho hoặc Gò Công.

Từ TP HCM, nên xuất phát từ bến xe miền Tây. Giá vé một chiều dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng tùy nhà xe, loại xe và điểm đến. Các nhà xe được gợi ý: Duy Qúy, Thống Nhất, Thảo Châu, Phương Trang, Phương Hồng Linh, Bến Tre limousine. Thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng đến TP Mỹ Tho. Ngoài ra, với vị trí gần TP HCM, du khách có thể chọn đi bằng xe máy hoặc xe ôtô cá nhân.

Để tham quan, xe máy, ôtô cá nhân và taxi là những hình thức di chuyển linh hoạt. Giá thuê xe máy khoảng 100.000 - 150.000 đồng một ngày.

Lưu trú

Các khu lưu trú của Tiền Giang tập trung chủ yếu ở thành phố Mỹ Tho và thành phố Gò Công.

Tại thành phố Mỹ Tho, du khách có thể chọn các khách sạn như Mê Kong Mỹ Tho, Cửu Long, Sông Tiền, Chương Dương có giá từ 500.000 đồng đến một triệu đồng một đêm. Tại TP Gò Công, khách có thể chọn khách sạn Sapphire, Trần Tuấn, nhà nghỉ Thanh Tân, Như Hồng. Các nhà nghỉ, khách sạn bình dân hơn có giá dao động quanh mức từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng.

Những khách sạn nằm ở trung tâm TP Mỹ Tho, trên các trục đường 30/4, Ấp Bắc, Tết Mậu Thân là những điểm sôi động khách có thể lựa chọn để trải nghiệm ẩm thực đêm.

Tham quan

Chùa Vĩnh Tràng

Chùa tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Mỹ Tho, là một trong những ngôi cổ trên đất Nam bộ. Chùa Vĩnh Tràng xây dựng giữa thế kỷ XIX, kiến trúc kết hợp các phong cách Pháp, La Mã, Khmer, Hoa, Việt. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên kết hợp phong cách kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây vào năm 2007.

Chùa có diện tích khoảng 20.000 m2 với quần thể tượng Phật, tháp chuông, chính điện, nhà tổ là điểm du lịch thu hút du khách khi đến Tiền Giang.

Chính điện chùa bài trí nhiều tượng Phật làm từ đồng, đất nung, xi măng, gỗ. Các tượng đều thếp vàng và được tạc vào cuối thế kỷ XIX.

Trong khuôn viên chùa còn có các công trình mới xây dựng như tượng Phật Di Lặc cao 20 m, nặng 250 tấn, được đúc bằng bêtông cốt thép và khánh thành năm 2010. Không gian chùa rộng rãi, rợp bóng cây xanh, với những hòn non bộ và hồ nước nhỏ mang đến cảm giác dễ chịu cho du khách.

Nhà Bạch công tử

Căn nhà nằm tại số 62 Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho nổi bật với mặt tiền rộng, cổng sắt lớn và khuôn viên cây xanh. Chủ nhân ngôi nhà là ông Lê Công Phước (1895-1950), con trai thứ tư của đốc phủ Lê Công Sủng. Sinh thời, ông Phước nổi danh giàu có, là "ông hoàng ăn chơi" khắp Nam kỳ lục tỉnh những năm đầu thế kỷ XX. Người dân đặt biệt danh là Bạch công tử cho ông để phân biệt với Hắc công tử Trần Trinh Huy (công tử Bạc Liêu).

Nhà Bạch công tử ở Mỹ Tho. Ảnh: An Đạt

Từng du học Pháp, ông Lê Công Phước chọn xây nhà theo lối kiến trúc châu Âu cổ điển, kết hợp với vật liệu xây dựng truyền thống như gạch đinh, gỗ, đá. Bốn cột vuông ở cửa nhà cao năm mét, đầu cột ốp hoa văn đắp nổi. Hệ thống nhiều cửa số giúp đón sáng hài hòa. Hai cửa vòm ở trước và sau nhà giúp nhà thoáng mát.

Ngôi nhà đã nhiều lần đổi chủ, cổ vật cũng bị thất lạc. Nhiều năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao Tiền Giang đã tìm mua lại những đồ dùng như bàn ghế, đèn chùm, bộ trường kỷ cùng thời với ông để trang trí căn nhà và mở cửa cho du khách tham quan.

Lăng hoàng gia

Lăng Hoàng Gia nằm ở TP Gò Công, rộng khoảng 3.000 m2, là nơi thờ tự và lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng, trong đó có ông Phạm Đăng Hưng (1764 - 1825 ), hậu duệ đời thứ tư. Ông Phạm Đăng Hưng, Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công, là thân sinh Hoàng thái hậu Từ Dũ - mẹ vua Tự Đức. Một năm sau khi ông mất, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng mộ theo kiến trúc dành cho lăng tẩm cho đại thần thời bấy giờ.

Cạnh khu lăng mộ là từ đường được cất theo kiến trúc cung đình, để thờ những người trong dòng tộc Phạm Đăng. Bên trong từ đường xây theo kiến trúc ba gian hai chái, với những cột chịu lực dựng song song. Nhiều đồ án trang trí, cấu kiện bằng gỗ được sơn son thếp vàng, do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện. Hiện nay, ngôi nhà bao gồm một nhà thờ, nhà khách, nhà kho và công trình phụ.

Chợ nổi Cái Bè

Được hình thành từ thế kỉ thứ XVIII, chợ nổi Cái Bè là nơi giáp ranh giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Nằm cách TP Mỹ Tho gần 50 km, chợ nổi lâu đời bậc nhất Tiền Giang thu hút du khách với cảnh ghe thuyền đi lại buôn bán trên sông. Khách muốn trải nghiệm nên đi sớm để tham quan bằng thuyền vì chợ chỉ họp từ 2h tới 8h sáng.

Để di chuyển đến chợ, khách có thể đi bằng xe máy hoặc bắt xe buýt số 1, chuyến Mỹ Tho – Cai Lậy – Cái Bè. Đến nơi khách thuê thuyền lớn từ 800.000-1.500.000 đồng cho 15-20 người hoặc có thể xuất phát từ bến phà cồn Tân Phong, thuê xuồng ba lá giá 250.000-300.000 đồng cho 3-5 người. Ở đây có nhiều sản vật phong phú, đa dạng từ trái cây tới gia cầm, thủy hải sản, đồ gia dụng, vải vóc. Nếu để mua về làm quà khách có thể lựa chọn quýt đường, kẹo dừa hoặc xà bông từ dừa, đặc sản nổi tiếng Cái Bè.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Làng cổ thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, cách trung tâm TP Mỹ Tho 46 km và nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong. Số nhà cổ có niên đại 150 - 200 năm tuổi trong làng là 7 căn, từ 80 - 100 năm tuổi là 29 căn.

Ngôi nhà cổ của ông Ngô Quang Xoát tại làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Nguyễn Thượng Toàn

Nhiều căn ẩn mình trong các vườn cây ăn trái, tạo nên vẻ đẹp bí ẩn thu hút du khách ngay từ lối vào. Trong số đó, đáng chú ý là nhà cổ của ông Xoát, ông Kiệt, ông Ba Đức. Ngoài kiến trúc cổ, các cột chạm trổ, phản gỗ quý, trong các ngôi nhà vẫn lưu giữ được nhiều vật dụng quý và đẹp, cho thấy thú chơi phong lưu của những gia đình giàu có ở Nam bộ

Đình Tân Đông

Đình Tân Đông nằm trên tuyến Quốc lộ 50 từ TP HCM đi TP Gò Công, thuộc xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông. Đình thuộc ấp Gò Táo nên còn có tên gọi là đình Gò Táo. Theo sử liệu, ngôi đình có từ thời vua Minh Mạng, kiến trúc hoa văn và họa tiết khắc nổi trên đình mang đặc trưng của kiến trúc đình chùa thời Nguyễn.

Đình là nơi tổ chức lễ lội, lớn nhất là các lễ kỳ yên, thượng điền, hạ điền, và lễ cầu Ông của người dân trong vùng. Trải qua thời gian, ngôi đình bị xuống cấp, đổ nát và hoang phế. Đình được trùng tu lại từ năm 2020.

Điểm thu hút du khách đến đây là vẻ đẹp cổ kính kết hợp với hai cây bồ đề mọc trên tường, ôm chặt lấy 5 cửa đình. Nơi này được nhiều đạo diễn phim truyền hình lựa chọn để làm bối cảnh phim xưa.

Cù Lao Thới Sơn

Cù lao Thới Sơn còn gọi là cồn Lân, nằm ở hạ lưu sông Tiền, để đến đây du khách phải đi bằng thuyền. Đến cù lao, khách sẽ được trải nghiệm hình thức du lịch đặc trưng miệt vườn, đi xuồng xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp.

Thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa trái chín, du khách trải nghiệm hái trái nhãn, ổi, cam quýt, thưởng thức tại chỗ hoặc mua về làm quà. Ngoài ra, ở đây còn có dịch vụ đưa khách đi bằng xe ngựa, tham quan vườn nuôi ong, thưởng thức trà mật ong. Nếu đi theo nhóm, khách có thể tham gia các trò chơi tập thể tại các điểm du lịch trên cù lao như lội mương bắt cá, kéo co, đi xem đạp mạo hiểm.

Biển Tân Thành

Từ TP Gò Công đi theo đường tỉnh lộ 862 khoảng 15 km du khách sẽ đến khu du lịch biển Tân Thành. Trên đường, khách sẽ gặp những hàng cây so đũa rợp mát ở hai bên. Nơi đây nổi tiếng với nghề nuôi nghêu, có nhiều hàng quán lợp mái lá trên bãi biển cho du khách thưởng thức nghêu và các loai hải sản khác, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ.

Cây cầu bê tông được xây nổi trên bờ biển, thành cầu được sơn màu xanh nổi bật giữa bãi cát. Nhìn từ xa, cầu giống như con đường thẳng tắp nối đường chân trời, thu hút được nhiều bạn trẻ đến chụp hình.

Tới biển Tân Thành, du khách có thể đăng ký cào nghêu tại bãi, sẽ được cấp dụng cụ gồm rổ nhựa, cây cào và lưỡi liềm. Thời gian cào không giới hạn, khách cào xong có thể mua nghêu với giá 30.000 đồng một kg hoặc trả lại nghêu cho chủ bãi.

Ẩm thực

Ngoài hủ tiếu, bún gỏi già du khách đến Tiền Giang có thể thưởng thức các món ăn như bánh bèo nước cốt dừa, cháo rắn, phở, bún bò, lẩu riêu cua, nước mía bờ hồ, các món hải sản.

Hủ tiếu Mỹ Tho

Một trong những điểm dễ nhận biết của món ăn này chính là sợi hủ tiếu nhỏ, khô, dai, vị chua nhẹ, làm từ gạo Gò Cát thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho. Gạo ngâm nước, xay bột rồi đem tráng nóng, phơi khô, cắt ra thành những sợi hủ tiếu có độ ẩm nhưng dai.

Hủ tiếu khô Mỹ Tho. Ảnh: Khánh Thiện

Nước hủ tiếu nấu bằng xương ống, một ít mực khô nướng thơm, tôm khô, đun nhỏ lửa, liên tục vớt bọt bỏ đi để nước dùng ra màu vàng nhạt.

Khi khách gọi món, người bán sẽ trụng nhanh sợi hủ tiếu qua nước sôi, bày trong tô cùng với giá, hẹ, thịt hoặc xương, tôm, thêm ít tóp mỡ, hành phi rồi chan nước dùng. Hủ tiếu có thể ăn khô với sợi, các loại topping, hành phi được trộn đều cùng nước tương giúp sợi trong, bóng và bắt mắt. Nước dùng cùng thịt, xương được để trong tô riêng. Tô hủ tiếu kiểu Mỹ Tho thường có nhiều thịt bằm.

Khách có thể tìm các quán hủ tiếu ở TP Mỹ Tho để thưởng thức, giá từ 30.000 - 70.000 đồng một tô.

- Hủ tiếu Hạnh, Nguyễn An Ninh, TP Mỹ Tho.

- Hủ tiếu Tư lùn, 21/1 Nguyễn An Ninh, TPMỹ Tho.

- Hủ tiếu cô Dung, 37A Hùng Vương, TP Mỹ Tho.

Hủ tiếu sa tế

Cũng sử dụng sợi bánh như hủ tiếu Mỹ Tho, nhưng điều làm nên khác biệt của món ăn chính là nước sốt. Đây là thành phần quan trọng quyết định hương vị món ăn.

Hủ tiếu sa tế. Ảnh: Duy Đỗ

Để nấu nước sốt sa tế, đầu tiên, nấu nước lèo bằng xương bò, sau đó, người nấu đem hỗn hợp tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt bột, mè, đậu phộng rang giã nhuyễn, xào với dầu mè rồi cho vào nước hầm bò và nêm gia vị. Tô hủ tíu sa tế có mùi thơm nồng, đậm vị chua, béo, bùi, mặn, ngọt và hơi cay.

Để thưởng thức hủ tiếu sa tế khách có thể tìm các quán ở TP Mỹ Tho:

- Hủ tiếu sa tế, 206A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Mỹ Tho.

- Hủ tiếu sa tế Hương, 134 Đường Yersin, TP Mỹ Tho.

Bún gỏi già

Bún gỏi già có nguyên liệu giống bún mắm do được nấu từ mắm cá với nước dùng màu nâu sậm. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở gia vị có thêm me nên vị nước dùng chua ngọt, ngậy mùi me. Món ăn kèm với da, lỗ tai heo, tôm luộc, thịt, huyết và các loại rau muống, hoa chuối bào và hẹ. Bún gỏi già phải chấm nước chấm là cốt mắm cá linh nguyên chất, thơm và vị ngọt đậm đà.

Khách có thể thưởng thức bún gỏi già ở những địa chỉ:

- 17 Trịnh Hoài Đức, TP Mỹ Tho.

- Bún gỏi già Út mập, vòng xoay Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Mỹ Tho.

Đặc sản

Ngoài những món ăn có thể thưởng thức tại chỗ, du khách đến Tiền Giang có thể mua đặc sản để làm quà như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Phụng Hiệp, nhãn nhị quý, mắm tôm chà Gò Công, lạp xưởng Gò Công hoặc đồ lưu niệm làm bằng tre, dừa rất phong phú.

Tuấn Anh


Cập nhật 16/10/2024, 16:00 (GMT+7)