Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Tây Ninh

Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía đông giáp các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía nam giáp TP HCM, Long An phía tây và phía bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 240 km.

Tây Ninh có thủ phủ là thành phố Tây Ninh, 2 thị xã gồm Hòa Thành và Trảng Bàng cùng các huyện Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu.

Thời tiết

Khí hậu Tây Ninh chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Mùa khô nắng ráo, thuận lợi tham quan. Mùa mưa Tây Ninh kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Tuy nhiên, mưa không kéo dài và vẫn có những ngày nắng đẹp, du khách theo dõi dự báo thời tiết để có lịch trình phù hợp.

Di chuyển

Tây Ninh cách TP HCM khoảng 100 km, thời gian di chuyển trong 2 - 3 giờ tùy phương tiện. Từ bến xe An Sương hoặc sân bay Tân Sơn Nhất, các xe khách phổ biến như Đồng Phước, Lê Khánh, limousine Huệ Nghĩa, đến trung tâm TP Tây Ninh một chiều giá vé 100.000 - 250.000 đồng. Tại Tây Ninh, du khách có thể đến các điểm tham quan bằng taxi, hoặc thuê xe máy với giá 100.000 – 180.000 đồng một chiếc. Ôtô, xe máy cá nhân là phương tiện di chuyển linh hoạt nhất.

Lưu trú

Các khu lưu trú của tỉnh tập trung chủ yếu ở thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và các điểm gần khu vực núi Bà Đen.

Tại thành phố Tây Ninh, du khách có thể chọn các khách sạn như Melia Vinpearl Tây Ninh, Mai Vy Hotel, khách sạn Valender, Sunrise Hotel có giá dao động từ 500.000 đồng đến một triệu đồng một đêm. Tại thị xã Trảng Bàng và các điểm gần khu vực núi Bà Đen khách có thể chọn khách sạn Blue Star hotel, Golden Central hotel, Tầm Quên homestay, nhà nghỉ Diễm Hằng. Các nhà nghỉ, khách sạn bình dân hơn có giá dao động quanh mức từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tham Quan

Núi Bà Đen

Toàn cảnh núi Bà Đen từ trên cao. Ảnh: Hải Triều

Núi Bà Đen nằm trong quần thể di tích Núi Bà thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh 11 km về phía đông bắc. So với hai ngọn núi còn lại trong quần thể là núi Heo và núi Phụng, núi Bà Đen nổi bật với chiều cao 986 m và là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ. Núi có mây trắng bay lượn quanh năm trên đỉnh trông giống như đang khoác một tấm lụa mỏng, bởi vậy núi còn có tên gọi Vân Sơn. Nhìn từ xa, núi Bà Ðen sừng sững như một chiếc nón úp giữa đồng bằng, hút khách du lịch ghé thăm.

Nếu chiêm bái đủ các chùa trên núi, du khách sẽ qua chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự), chùa Hang (Linh Sơn Long Châu), chùa Linh Sơn Hòa Đồng, chùa Linh Sơn Phước Trung, chùa Quan Âm. Trong đó, chùa Bà Đen hơn 300 tuổi là điểm hành hương đông khách đặc biệt trong dịp đầu năm và lễ vía Bà tổ chức hằng năm vào tháng 5 âm lịch.

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Hải Triều

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ngự trên đài sen bằng đồng khi ẩn hiện giữa biển mây, giữa cảnh sắc thiên nhiên trên đỉnh núi.

Nhiều lễ hội lớn của Phật giáo thường xuyên được tổ chức tại núi Bà Đen như lễ vía Đức Phật Di Lặc vào đầu tháng Giêng, Lễ Phật Đản vào tháng 4 âm lịch, hay lễ Vu Lan vào tháng 7 âm lịch, lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia và tháng 9 âm lịch, thu hút du khách đông đảo thập phương.

Để lên núi, đa phần du khách chọn di chuyển bằng cáp treo. Ba ga cáp treo là ga Bà Đen, ga Chùa Hang, ga Vân Sơn, không chỉ là nơi trung chuyển hành khách đến các điểm tham quan trên núi, mà còn là nơi ngắm cảnh từ trên cao cũng như toàn vùng đồng bằng dưới chân núi.

Giá vé cáp treo khứ hồi giá 250.000 đồng cho người lớn, 150.000 đồng cho trẻ em cao 1-1,4m. Ngoài ra mỗi khách phải mua thêm vé vào cổng cho người lớn giá 16.000 đồng, 8.000 đồng với trẻ em cao 1-1,4m và người trên 60 tuổi, người khuyết tật nặng.

Tuyến cáp Vân Sơn lên đỉnh núi hoạt động 7h45 - 16h ngày trong tuần, 7h - 17h thứ Bảy và Chủ nhật. Tuyến cáp từ Chùa Hang lên Chùa Bà hoạt động 7h - 17h trong tuần, 6h - 18h thứ Bảy và 6h - 17h Chủ nhật.

Tòa thánh Tây Ninh

Tòa thánh Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Triều

Tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, cách TP Tây Ninh khoảng 5 km về hướng đông nam, tòa thánh Tây Ninh nổi bật trong khuôn viên với nét kiến trúc độc đáo, phối hợp giữa quan điểm triết học Đông - Tây, thể hiện tổng hòa của nhiều yếu tố tâm linh trong một công trình. Tòa thánh được khởi công xây dựng năm 1933 và hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành.

Đạo Cao Đài Tây Ninh ra đời cuối năm 1926 tại Tây Ninh. Biểu tượng của đạo Thiên Nhãn với một con mắt nằm trong hình tam giác, tượng trưng cho Thượng đế. Ngoài ra, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm. Những hình ảnh này được khắc họa nhiều nơi trong và ngoài Tòa thánh, nhất là cửa chính.

Hai lễ hội lớn nhất của tòa thánh là Đại lễ vía Đức Chí Tôn tổ chức mùng 8 tháng Giêng và đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung vào rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian tòa thánh lung linh huyền ảo và những hoạt động văn hóa quy mô, đặc sắc.

Tại tòa thánh, các buổi lễ được tổ chức trang nghiêm 4 lần một ngày vào 0h, 6h, 12h và 18h. Đây là địa chỉ để du khách tìm hiểu tôn giáo, trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng của Tây Ninh.

Lưu ý khi vào bên trong tòa thánh, khách phải bỏ giày dép bên ngoài (có người trông coi) và không được chụp hình người lấy phông nền là Thánh nhãn, chỉ chụp cảnh vật. Du khách có thể xin phép để được lên tầng trên chụp toàn cảnh của tòa thánh.

Hồ Dầu Tiếng

Một góc hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Hải Triều

Từ trung tâm thành phố di chuyển khoảng 45 phút bằng ôtô, du khách sẽ tới hồ Dầu Tiếng - hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ có diện tích 27.000 ha nên còn được mệnh danh là Biển Hồ của Tây Ninh.

Mùa nước lên từ tháng 8 đến tháng 11, hồ Dầu Tiếng mênh mông nước, tạo nên hệ sinh thái nước ngọt với nhiều loại tôm, cá.

Thời điểm nước cạn, hồ Dầu Tiếng là điểm cắm trại được nhiều du khách lựa chọn vì có bãi cỏ xanh và không khí trong lành. Đảo Nhím giữa hồ cũng là điểm cắm trại thu hút. Để đến được đảo khách phải thuê thuyền của người dân trong vùng. Quanh hồ Dầu Tiếng đã phát triển dịch vụ du lịch, ngoài cắm trại, du khách có thể chọn chèo sup hay các trò chơi cảm giác mạnh.

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát với tổng diện tích 19.000 ha thuộc huyện Tân Biên, cách TP Tây Ninh khoảng 30 km về phía Tây Bắc. Năm 2019, vườn được công nhận là Vườn Di sản Asean. Sau khi xuất hiện đàn cò, Ban quản lý vườn đã có nhiều phương án bảo vệ, đồng thời tổ chức cho du khách tham quan, ngắm chim. Tại vườn quốc gia, du khách có dịp đắm mình trong vẻ đẹp bình yên, hoang sơ của thiên nhiên nơi biên giới khi di chuyển bằng thuyền máy trên sông Vàm Cỏ Đông, ngắm hoa rừng và chim muông hai bên bờ sông.

Lò Gò Xa Mát là nơi cư trú của hơn 200 loài chim nước quý hiếm như giang sen, già đẫy Java, cò nhạn, le khoang cổ. Đây còn là nơi dừng chân của sếu đầu đỏ trong chuyến di cư từ đồng bằng sông Cửu Long về nơi sinh sản là Campuchia. Địa hình trong vườn bằng phẳng, dễ di. Du khách có thể trải nghiệm đi bộ xuyên rừng để tham quan hai cây cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam, gồm cây dầu rái và cây vên vên hơn 200 năm tuổi.

Chùa Gò Kén

Chùa Gò Kén. Ảnh: Hải Triều

Cách trung tâm thành phố Tây Ninh 8 km, chùa Gò Kén tọa lạc trên quốc lộ 22B thuộc xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành. Ngôi chùa có tuổi đời hơn 100 năm, là nơi đặt hai pho tượng Phật khổng lồ gồm tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25 m đứng trên thân rồng cao 7 m và tượng Phật nhập niết bàn dài 25 m.

Quần thể chùa Gò Kén là sự hòa quyện giữa hai lối kiến trúc truyền thống và hiện đại. Không gian chùa mang tới cho khách chiêm bái cảm giác bình yên bởi sự kết hợp hài hòa giữa bầu không khí vừa yên tĩnh cổ kính. Chùa có những công trình Phật giáo đặc trưng được xây dựng kỳ công, từ cổng Tam quan, điện thờ Đức Phật Di Lạc, tới vườn Lâm Tỳ Ni, núi Ngũ Hành Sơn, Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng.

Cửa khẩu Mộc Bài

Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, nằm trên đường xuyên Á và cách TP HCM 70 km. Mộc Bài đón nhiều tour du lịch từ TP HCM và các tỉnh lân cận đến tham quan và mua sắm nhờ hệ thống siêu thị miễn thuế. Từ TP HCM sang Campuchia du khách mất khoảng một giờ làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh và nhập cảnh tại cửa khẩu Bavet - Svayrieng, nên đây cũng là địa điểm khách du lịch chọn dừng lại check in trên hành trình sang Campuchia.

Tháp cổ Bình Thạnh

Tháp nghìn năm tuổi được phát hiện năm 1886, nằm tại xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Đây là một trong những công trình tháp cổ quý hiếm còn tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ.

Tháp cổ Bình Thạnh. Ảnh: Hải Triều

Nhà cổ Nguyễn Tâm Kiên

Nhà cổ Nguyễn Tâm Kiên. Ảnh: Quỳnh Trần

Căn nhà số 39 đường Phan Châu Trinh, TP Tây Ninh được xây dựng năm 1894 với kiến trúc nhà truyền thống Nam bộ. Các cấu kiện gỗ và mái ngói được giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Năm 2017, công trình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Chủ nhân ngôi nhà là ông Nguyễn Tâm Kiên, Đốc Phủ sứ thời Pháp thuộc. Hiện căn nhà vẫn còn con cháu sinh sống và lưu giữ nhiều vật dụng cổ. Nơi đây cho khách tham quan, chụp hình miễn phí.

Ẩm thực

Tây Ninh nổi tiếng với bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ, nem vỏ bưởi, muối tôm, ốc xu núi Bà, mắm chua, thằn lằn núi, các món chay của người theo đạo Cao Đài.

Bánh canh Trảng Bàng

Bánh canh Trảng Bàng. Ảnh: Hải Triều

Dọc quốc lộ 22 từ TP HCM xuôi về Tây Ninh có rất nhiều quán bánh canh Trảng Bàng. Tô bánh canh đặc trưng với giò heo, huyết và hành lá, được đánh giá là hợp khẩu vị với nhiều người. Bánh canh Trảng Bảng đặc trưng với vị ngọt của nước lèo xương hầm, thịt mềm, ngọt, dậy mùi thơm của hành phi, tiêu và hành lá.

Khách có thể tìm các quán bánh canh ở thị xã Trảng Bàng để thưởng thức, giá từ 30.000 đồng - 100.000 đồng tô.

- Bánh canh Năm Dung 29, QL22, ấp Tân Lộc, thị xã Trảng Bàng.

- Bánh Canh Bé Năm 45 QL22, thị xã Trảng Bàng.

- Bánh Canh Út Huệ 88 Nguyễn Văn Rốp, thị xã Trảng Bàng.

Bánh tráng phơi sương

Bánh tráng phơi sương là đặc sản Tràng Bàng, có quy trình chế biến công phu và tinh tế. Bánh được làm từ gạo ngon, không pha trộn. Khi xay gạo sẽ cho thêm một lượng muối để tạo vị mặn. Bánh tráng qua hai lần, dày hơn so với các loại khác. Bánh được hấp chín rồi đem phơi nắng, sau đó nướng lần nữa trên than cho xốp thơm, công đoạn cuối cùng là phơi sương.

Bánh tráng phơi sương dẻo, dai, thường dùng để cuốn cùng thịt, cá, các loại rau sống và chấm với nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm.

Khách có thể thưởng thức ở các quán ăn địa phương và mua bánh tráng về làm quà. Một số quán gợi ý:

- Quán Út Thiện 88 Nguyễn Đình Chiểu, TP Tây Ninh.

- Quán Hoàng Minh 38 QL 22, Thị xã Trảng Bàng.

Bò tơ Tây Ninh

Bò tơ nướng. Ảnh: Hải Triều

Bò tơ Tây Ninh là loại bò khoảng 5 đến 6 tháng tuổi được chăn thả tự nhiên nên thịt săn chắc, không nhiều mỡ, lớp da không quá cứng, phần sườn mềm và ngọt. Thịt bò được chế biến thành nhiều món khác nhau như bò tơ hấp sả, bò tơ nướng mắm nhỉ, lẩu.

Khách có thể thưởng thức bò tơ ở những địa chỉ:

- Bò tơ Sáu Tâm, 68 Nguyễn Trãi, TP Tây Ninh.

- Bò Tơ Năm Sánh, QL 22B huyện Hòa Thành.

- Ẩm thực Sông quê, Trần Hưng Đạo, TP Tây Ninh.

Nem bưởi

Nem bưởi là món ăn chơi phổ biến của người dân Tây Ninh. Nem bưởi có vị chua, mặn, ngọt, vị cay của ớt, tiêu và hương liệu làm thành món nem chay mà du khách nên thử khi đến Tây Ninh.

Nguyên liệu chính của món ăn này là vỏ bưởi, đu đủ xanh bào nhuyễn, phơi khô, kết hợp với khế chua, ớt hiểm, tiêu, lá chùm ruột, lá chuối... Nem chín có màu hồng, độ dai vừa phải và hội tụ đủ các vị chua, mặn, ngọt, cay, thơm, tất cả tạo nên món ăn lạ vị, hấp dẫn thực khách.

Du khách có thể tìm mua nem bưởi ở các chợ dân sinh, trạm dừng chân hoặc các quán ăn địa phương với giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng một chục.

Khu ẩm thực chay chợ Long Hoa

Chợ Long Hoa nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Triều

Chợ Long Hoa nằm ở trung tâm thị xã Hòa Thành, có 4 mặt tiền đều nằm trên đường Huỳnh Thanh Mừng và có thể tiếp cận từ 8 hướng khác nhau. Chợ nổi tiếng với khu ẩm thực chay phục vụ nhiều món ăn tại chỗ và đóng gói mang về. Đây cũng là điểm bày bán nhiều loại đặc sản địa phương thu hút khách du lịch.

Một gian hàng bán muối chay, nguyên liệu nấu món chay, bánh mứt trong chợ Long Hoa. Ảnh: Hải Triều

Đặc sản

Ngoài những món ăn có thể thưởng thức tại chỗ, du khách đến Tây Ninh có thể mua đặc sản như mãng cầu, muối tôm, bánh tráng phơi sương, nem chay, mắm thái, đậu rang muối, chao môn, muối chay ở chợ Long Hoa về làm quà.

Tuấn Anh

Ảnh: Hải Triều

Cập nhật 29/9/2024, 08:35 (GMT+7)