Kon Tum nằm ở phía bắc của khu vực Tây Nguyên, giáp Quảng Nam, Gia Lai và Quảng Ngãi, tỉnh Sekong, Attapeu của Lào và tỉnh Ratanakiri của Campuchia.
Kon Tum mang khí hậu đặc trưng của Tây Nguyên, với hai mùa rõ rệt là mùa mưa và khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mỗi mùa, Kon Tum lại hút khách bằng vẻ đẹp riêng. Tháng 1 là mùa cao su thay lá, tháng 3 và 4 bắt đầu vào mùa hoa cà phê, tháng 11 là mùa của dã quỳ và cuối năm là hoa anh đào, cũng là mùa của nhiều lễ hội truyền thống.
Kon Tum không có sân bay. Sân bay gần nhất là Pleiku (Gia Lai), cách thành phố Kon Tum khoảng 45 km. Thời gian di chuyển bằng ôtô khoảng 1 tiếng.
Từ sân bay Pleiku, du khách có thể chọn xe buýt để di chuyển tới Kon Tum, với giá vé 30.000 đồng một chiều. Taxi có giá dao động từ 500.000 đồng đến 650.000 đồng một chiều tùy loại xe.
Xe giường nằm chạy tuyến TP HCM - Kon Tum, khoảng 550 km, giá dao động từ 500.000 đồng đến 750.000 đồng tùy nhà xe và loại xe. Nếu du khách chọn loại ghế ngồi, giá vé từ 350.000 đồng. Thời gian di chuyển từ 10 đến 12 tiếng.
Kon Tum có nhiều khách sạn với lượng phòng tương đối lớn, tuy nhiên đa phần là những khách sạn nhỏ dưới 3 sao hoặc các homestay.
Tại thành phố Kon Tum, du khách có thể chọn Hoàng Văn Hotel, Hotel Tây Nguyên, Konklor Hotel, Window Hotel (1 và 2), một số khách sạn khác có trên website đặt phòng Agoda. Giá phòng đôi dao động từ 300.000 đồng đến khoảng 500.000 đồng.
Tại thị trấn Măng Đen chỉ có một khách sạn lớn là Golden Boutique Hotel. Phòng đôi có giá từ 1,5 triệu đồng một đêm. Ngoài ra, Măng Đen có khá nhiều các khách sạn nhỏ hơn và homestay, với giá dao động từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng một đêm.
Nhà thờ gỗ
Nhà thờ Chánh tòa (còn gọi là nhà thờ gỗ) được xây dựng theo kiến trúc Roman kết hợp với phong cách nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na. Nhà thờ được khởi công năm 1913 đến đầu 1918 hoàn thành. Công trình hoàn toàn bằng gỗ cà chít, các bức vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép. Bên trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên. Thánh đường có những ô kính màu vẽ lại các điển tích trong Kinh thánh và những câu chuyện thể hiện khí chất đồng bào Tây Nguyên.
>> Xem thêm: Nhà thờ gỗ hơn 100 tuổi ở Kon Tum
Tòa giám mục Kon Tum
Tòa giám mục được xây dựng năm 1935, là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống bản địa cùng lối kiến trúc phương Tây. Ngoại trừ hàng trụ dưới sàn được xây bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ công trình được tạo nên từ các loại gỗ quý, có độ bền cao. Đặc biệt, tại đây có căn nhà truyền thống được coi như một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Tòa Giám mục Kon Tum đóng cửa vào thứ 3, các ngày còn lại trong tuần đều mở cửa đón khách tham quan.
>> Xem thêm: Hai công trình tôn giáo lâu đời bằng gỗ
Ngã ba Đông Dương
Ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia còn gọi là Ngã ba Đông Dương thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Cách ngã ba Đông Dương 3 km là cột mốc hình tam giác, mỗi mặt có tên và quốc huy của ba nước. Cột mốc nằm trên ngọn đồi cao 1.086 m, cách thị xã Plei Kần huyện Ngọc Hồi khoảng 15 km và cách TP Kon Tum 75 km. Đây là một trong những điểm hút khách check in khi đến Kon Tum.
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là khu vực trung tâm trong tam giác biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây cũng là điểm tham quan của nhiều du khách. Thời gian mở cửa khẩu từ 7h đến 19h30 hằng ngày (bao gồm cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, Tết). Cửa khẩu được phân thành nhiều khu với chức năng riêng biệt như làng văn hoá, khu dân cư, nơi tham quan. Du khách có thể tới đây check in, tham quan miễn phí.
Măng Đen
Măng Đen là thị trấn nhỏ, diện tích gần 150 km2 trên cao nguyên thuộc huyện Kon Plong, cách thành phố Kon Tum khoảng 60 km. Măng Đen được mệnh danh là "Đà Lạt thu nhỏ" với rừng nguyên sinh, hồ, thác nước, rừng thông, khí hậu mát mẻ trong lành, không gian yên bình. Thời điểm đông khách nhất ở Măng Đen từ tháng 10 đến 12 hằng năm, trời se lạnh, khô ráo, mai anh đào nở rộ. Còn nếu đến đây vào tháng 2, bạn sẽ thấy hoa mimosa và hoa ban, tháng 3 hoặc 4 sẽ có phượng tím.
>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Măng Đen
Sông Đăk Bla
Sông Đăk Bla không chỉ là nguồn cung cấp nước và phù sa cho sản xuất nông nghiệp của người dân mà còn là một cảnh đẹp và điểm du lịch tại thành phố Kon Tum. Sông dài 137 km, bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh, chảy ngang thành phố, khi tới địa phận Gia Lai, hợp lưu với sông Ia Grai thành dòng Sê San nổi tiếng ở Tây Nguyên. Đây là một địa điểm lý tưởng để du khách có thể ngắm bình minh hay hoàng hôn. Dọc hai bờ sông có các vườn hoa, khu vui chơi cho du khách. Ngoài ra, còn có dịch vụ ngồi thuyền ngắm cảnh trên sông.
Cầu treo Kon Klor
Cầu treo Kon Klor nối liền hai bờ sông Đắk Bla. Từ trên cầu, du khách có thể thấy không gian làng mạc, đồng lúa, ruộng ngô, bãi mía xung quanh cùng những con lạch nhỏ chảy dưới chân cầu. Tại đây có làng dân tộc Ba Na - Kon Klor, nơi du khách có thể uống rượu cần với người dân, rồi vượt sông qua cầu treo để đến một vùng đất phù sa trù phú với vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả. Làng Kon K’tu cũng ở khu vực này, hiện còn giữ được nhiều nét truyền thống của người Ba Na, sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ.
Núi Ngọc Linh
Nằm ở độ cao khoảng 2.600m, núi Ngọc Linh nên thơ và hùng vĩ. Ngọn núi chứa đựng nhiều giá trị tâm linh từ bao đời của người dân tộc thiểu số nơi đây. Mang đặc trưng của khí hậu vùng nhiệt đới, sương mù bao quanh dãy núi Ngọc Linh tạo nên không gian huyền ảo. Đặc biệt, có rất nhiều loại nhân sâm Ngọc Linh quý mọc trên dãy núi này.
Nhà rông lớn nhất Tây Nguyên
Nhà rông Kon Klor tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo. Bên phải nhà rông là cầu treo Kon Klor cùng những ruộng mía xanh. Nhà rông được xây dựng theo kiểu truyền thống với chất liệu gỗ, tre, nứa, tranh, mái lá và có những họa tiết, hoa văn trang trí công phu. Các nghệ nhân và người dân làng Kon Klor đã phối hợp để gìn giữ những nét đặc trưng trên nhà rông. Nhà rông Kon Klor được coi là đặc trưng của hồn làng, cũng là niềm tự hào của các nghệ nhân và người dân Ba Na.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Vườn quốc gia Chư Mom Ray thuộc địa phận hai huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy, cách thành phố Kon Tum khoảng 30 km. Trong số các vườn quốc gia tại Việt Nam thì Chư Mom Ray có tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, nơi này cũng là khu vực sinh sống của các dân tộc Rờ Mâm, K’Dong, Gia Rai, H’Lăng và đặc biệt là Bơ Râu, một trong số các dân tộc ít người nhất Việt Nam. Vườn quốc gia Chư Mom Ray là điểm đến yêu thích của những du khách thích khám phá, các đoàn thám hiểm, nghiên cứu. Di chuyển đến vườn quốc gia khá tiện bằng ôtô cá nhân hoặc xe buýt từ thành phố.
Gỏi lá
Đây có thể coi là một đặc sản không thể bỏ qua khi tới Kon Tum. Vào mùa khô, món gỏi lá chỉ có khoảng 30-40 loại lá rừng. Khi mùa mưa đến, món gỏi lá sẽ có ít nhất 70 loại, thậm chí người ta còn thống kê nếu đầy đủ phải không dưới 100 thứ lá. Gỏi lá ăn kèm với thịt luộc, tôm đất, bì lợn. Nước chấm đặc biệt của gỏi lá làm từ hỗn hợp gạo nếp lên men, ủ với tôm khô, thịt ba chỉ, có màu vàng nhạt, đậm đà.
Gà nướng - cơm lam
Đây là món ăn truyền thống của người địa phương. Gà thường được nuôi thả tự nhiên nên thịt săn chắc. Trước khi nướng, gà được được nhồi lá tiêu rừng, hành, sả, ớt nên khi chín rất thơm. Bếp than để nướng phải thật nóng, mỗi mẻ nướng khoảng 20 đến 30 phút. Gà nướng ngon nhất khi ăn lúc còn nóng, lớp da giòn, vàng đều, thịt thơm. Gà nướng thường ăn kèm cơm lam dẻo, muối lạc hoặc vừng.
Bún đỏ
Đến Tây Nguyên nói chung hay Kon Tum nói riêng, du khách nên thử món bún đỏ. Món ăn có cách chế biến độc đáo mà bạn khó có thể bắt gặp ở nơi nào khác tại Việt Nam. Một bát bún đỏ thường bao gồm các nguyên liệu chính là cua đồng, chả viên và trứng cút luộc. Cái tên bún đỏ bắt nguồn từ màu của sợi bún. Sợi bún ban đầu màu trắng, nhưng sau khi được nấu trong nồi nước dùng, thấm các gia vị, màu điều, màu gạch tôm thì trở thành màu đỏ, mang dấu ấn của vùng đất bazan. Món ăn có mặt trong các nhà hàng sang trọng hay những hàng quán bình dân ven đường.
Lẩu xuyên tiêu
Món ăn nghe tên đã thấy vị cay, nhưng nhờ đó rất thích hợp với khí hậu Măng Đen. Nước lẩu được hầm từ các loại rau củ quả, kèm thảo dược như kỷ tử và táo đỏ. Nước dùng được hầm trong nhiều giờ để ra vị ngọt thanh tự nhiên và trong. Lẩu xuyên tiêu được phục vụ với hình thức tương tự lẩu Tứ Xuyên, được chia làm hai ngăn với hai vị khác nhau, trong đó có một ngăn cay và một ngăn không. Để cảm nhận rõ nhất vị ngon của món ăn, thực khách nên thử phần lẩu cay.
Xôi măng
Để làm được món xôi măng, đầu tiên người dân sẽ đem gạo nếp ngâm cùng với bột nghệ trong nhiều giờ. Nhờ đó, khi đồ lên xôi sẽ có một màu vàng bắt mắt. Xôi ăn kèm với măng xào, măng luộc, ruối, vừng hoặc thịt kho.
Đường lên Măng Đen khá dốc và ngoằn ngoèo, nếu đi xe tự lái cần cẩn trọng.
Nhiều nơi ở Kon Tum thời tiết se lạnh vào buổi chiều tối, nên lưu ý mang trang phục đủ ấm.
Tâm Anh