Bắc Giang nằm ở vùng Đông Bắc Bộ, cách Hà Nội khoảng 50 km, giáp Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn và Hà Nội. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, hai thị xã Chũ và Việt Yên cùng 7 huyện.
Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa châu thổ sông Hồng ở phía Nam với vùng núi phía Bắc.
Chiếm phần lớn diện tích của vùng Kinh Bắc xưa, Bắc Giang có nền văn hóa phong phú, một trong những cái nôi của dân ca quan họ với 23 làng quan họ cổ được UNESCO công nhận. Nơi đây còn nổi tiếng với khu danh thắng Tây Yên Tử, nhiều ngôi chùa đẹp, các lễ hội, làng nghề truyền thống được bảo tồn, thiên nhiên phong phú. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là đặc sản được nhiều người yêu thích.
Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, bốn mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23-24 độ C.
Du khách từ các địa phương đến Bắc Giang thuận tiện nhờ hệ thống giao thông gồm đường bộ, đường sông và đường sắt.
Đường bộ có cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai 4 Hà Nội kết nối cao tốc Hà Nội - Bắc Giang với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 17 kết nối Bắc Giang với khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh, quốc lộ 18 đi Quảng Ninh, Hải Phòng, quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang đi Thái Nguyên.
Đường sông có sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam.
Đường sắt có tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (có thể sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị) và tuyến Kép - Bãi Cháy (Quảng Ninh) đều qua Bắc Giang.
Các khu lưu trú tập trung chủ yếu ở thành phố Bắc Giang, với nhiều lựa chọn từ bình dân đến trung, cao cấp.
Khách sạn 4 sao có Mường Thanh, Kinh Bac Palace, Mandala Hotel and Suites, Ravatel Luxury Hotel, Sojo Hotel Bac Giang, Linn Hotel có giá một đêm cho phòng đôi dao động từ 700.000 đồng đến một triệu đồng. Các khách sạn khác có giá từ 200.000 đồng một đêm.
Ngoài ra, du khách còn có thể lưu trú tại khu vực huyện Việt Yên, huyện Lục Nam, huyện Sơn Động. Khu du lịch Tây Yên Tử có các homestay, giá từ 200.000 đồng một người.
Tây Yên Tử
Khu tâm linh Tây Yên Tử nằm ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Với diện tích 13,8 ha, quần thể được chia làm 4 khu vực gồm chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung và chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa có độ cao từ 145 m đến gần 1.000 m, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử. Du khách có thể đi cáp treo từ chùa Hạ lên chùa Thượng và đi bộ men theo đường núi để lên chùa Đồng.
Cùng các di tích nổi tiếng như chùa Vĩnh Nghiêm, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Bổ Đà, chùa Am Vãi, quần thể này nối với nhau dọc theo đường tỉnh 293 tạo nên tuyến du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bắc Giang. Bên cạnh giá trị lịch sử, Tây Yên Tử còn là vùng đất núi non hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên đẹp nên nơi đây đã được các vị vua thời Lý, Trần chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, học đạo.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa có 4 khu nhà nằm trong một khuôn viên rộng, xung quanh là rừng tre. Không chỉ là nơi thờ Phật, chùa Vĩnh Nghiêm còn thờ Trúc Lâm Tam Tổ ở đời nhà Trần. Hiện chùa lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như tượng phật, đồ thờ, bia đá. Đây cũng là địa điểm nổi tiếng, thu hút khách du lịch tìm đến tham quan.
Cao nguyên Đồng Cao
Cao nguyên Đồng Cao thuộc xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây có không gian rộng, địa hình bao quanh là núi non trùng điệp, nhiều đồng cỏ. Mỗi mùa, cao nguyên đều có nét đẹp riêng nhưng từ tháng 9 đến tháng 12 được xem là thời điểm lý tưởng để du lịch. Các trải nghiệm phổ biến là cắm trại, săn mây, ngắm sao. Không chỉ được chiêm ngưỡng thiên nhiên đẹp, du khách còn có thể hiểu thêm cuộc sống của người dân Đồng Cao.
Làng và đình Thổ Hà
Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, là không gian làng quê Bắc Bộ thuần Việt. Làng vẫn giữ những nét đặc trưng như cổng, đình, cây đa, giếng nước. Đất Thổ Hà không trồng được lúa, người dân ở đây sống bằng nghề thủ công và buôn bán.
Đình Thổ Hà là di tích cấp quốc gia, được xây dựng năm 1692 thời vua Lê Hy Tông, tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt. Các mảng chạm khắc mang phong cách thời Lê rõ nét, thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc là "tứ linh, tứ quý" cách điệu, chim thú và con người. Đình Thổ Hà hiện gồm ba nếp nhà là tiền tế, đại đình và hậu cung.
Chùa Bổ Đà
Chùa Bổ Đà tọa lạc trên núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía bắc sông Cầu, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Khuôn viên chùa có vườn tháp được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam, nơi yên nghỉ của hơn 2.000 vị tăng ni.
Chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc truyền thống Việt cổ, khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc. Gần 100 gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian như gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất. Các bức tường, cổng và một số công trình được xây dựng bằng đất nện theo lối trình tường, tạo vẻ trầm mặc, gần gũi với thôn quê Bắc Bộ.
Hồ Cấm Sơn
Hồ nước ngọt tự nhiên trải dài trên nhiều xã của huyện Lục Ngạn và tỉnh Lạng Sơn, rộng khoảng 2.600 ha, đến mùa mưa diện tích có thể lên tới 3.000 ha. Chiều dài hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, sâu khoảng 20 m. Xung quanh hồ là những dãy núi, rừng bao bọc tạo nên phong cảnh non nước hữu tình.
Từ quốc lộ 1A đi Lạng Sơn khoảng 50 km, rẽ vào thêm khoảng 4 km, du khách sẽ đến khu đập chính của hồ Cấm Sơn. Nơi này thích hợp để dã ngoại, chèo thuyền, leo núi, câu cá. Hồ Cấm Sơn chính là nguồn cảm hứng cho cố nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác ca khúc "Hồ trên núi".
Suối Mỡ
Suối Mỡ nằm ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, cách thành phố Bắc Giang gần 30 km. Chảy ven chân núi Huyền Đinh - Yên Tử, dưới những tán rừng rậm và những phiến đá nhấp nhô, khung cảnh ở đây rất hùng vĩ. Tại khu vực này còn có cụm đền (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng) thờ công chúa Quế Mị Nương, người có công mở suối mang lại nguồn nước cho vùng. Đi sâu vào thượng nguồn là đền thờ Đức Thánh Trần và một số dấu tích của đội binh thời Trần chống quân phong kiến xâm lược. Suối Mỡ là điểm du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa tín ngưỡng phù hợp với nhiều đối tượng khách.
Cây gạo cổ
Cây gạo cạnh miếu Bà Cô Yên Dũng (thường gọi là cây gạo Lãng Sơn) thuộc thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là cổ thụ có giá trị lịch sử - văn hóa vào tháng 2/2021. Mỗi tháng 3, du khách, các nhiếp ảnh gia thường đến đây để được đắm chìm vào sắc đỏ của hoa gạo và khung cảnh nên thơ xung quanh. Cây gạo này đã tồn tại hơn 100 năm, cao 27,5 m, diện tích phủ tán 120 m2, đường kính thân cây 2,4 m.
Thành cổ Xương Giang
Thành cổ Xương Giang nằm ở phường Xương Giang, TP Bắc Giang. Nơi này từng có một ngôi đền cổ, nhưng bị đổ sập những năm 1970. Về sau người địa phương dựng lại một ngôi đền nhỏ trên nền đất cũ. Đền Xương Giang được xây dựng trong 5 năm trên diện tích khuôn viên 10 ha, là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử.
Vải thiều Lục Ngạn
Vải thiều Bắc Giang quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày thường chín rộ vào khoảng tháng 6 hàng năm. Mùa vải thường kéo dài trong khoảng một tháng, vải chín sớm hay muộn phụ thuộc nhiều vào thời tiết từng năm. Ngoài quả tươi, vải thiều Lục Ngạn còn được sấy khô, nổi tiếng trong nước và có mặt ở nhiều quốc gia.
Na Lục Nam
Na Lục Nam cũng là đặc sản của Bắc Giang. Na Lục Nam to, thịt mềm, ngọt. Mùa na kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.
Cam Bố Hạ
Cam Bố Hạ (hay cam Sành) được đặt tên theo địa danh thuộc huyện Yên Thế. Quả cam tròn, hơi dẹt và có rốn lõm cả hai đầu, vỏ sần sùi. Cây cam được trồng ở Bố Hạ từ khoảng năm 1930, được một lão nông mang về từ Thái Nguyên. Cam Bố Hạ có vị chua ngọt, tép to, ruột vàng, hàm lượng chất xơ, Vitamin C, chất chống oxy hóa cao, cùng nhiều khoáng chất như canxi, kali, sắt, phốt pho, tốt cho sức đề kháng, hệ miễn dịch, giảm cholesterol, chống viêm nhiễm.
Mì Chũ
Mì Chũ là món ăn Việt nổi tiếng trong và ngoài nước. Hiện làng nghề mì Chũ có trên 300 hộ sản xuất.
Để có sợi mì mỏng và dai, người thợ phải tốn nhiều công sức. Gạo đem về đãi, vo sạch, cho vào lu ngâm từ 6 đến 8 tiếng sau đó xay thành bột dẻo, sánh. Bột được lọc nhiều lần rồi ủ qua đêm. Bột tráng thành bánh, phơi nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, người tráng bánh cho chín đúng độ, người cắt bánh đều, người đem phơi, ủ và thái thành những sợi đều. Việc cuộn và bó sao cho các sợi mì đẹp cũng là một nghệ thuật.
Cua da
Khoảng tháng 9-10 Âm lịch, trên đoạn sông Cầu chảy qua các xã Đồng Việt, Đồng Phúc, thị trấn Nham Biền của huyện Yên Dũng, cua da tự nhiên sẽ xuất hiện trong những ghềnh đá. Mùa cua da chỉ khoảng hai tháng, đánh bắt khó, chưa nuôi được nên số lượng không nhiều. Cua da nhỏ được giã, nấu canh hoặc rang muối, sốt me, cua to hấp bia. Nhưng ngon nhất là lẩu cua da, với vị ngọt hơn cua đồng, không tanh như cua biển, gạch cua vàng và béo ngậy.
Bánh đa Thổ Hà
Làng Thổ Hà trước kia nổi tiếng với nghề gốm nhưng nay đã mai một, chỉ còn nghề làm bánh đa vẫn được truyền từ đời này qua đời khác. Du khách sẽ thấy những phên bánh đa phơi xếp trong ngõ, trên mái nhà, cành cây, không khí ngập tràn hương thơm. Có hai loại bánh đa dừa và bánh đa nem, đều được làm từ gạo tẻ, tráng thủ công. Bánh đa Thổ Hà nổi tiếng thơm ngon. Bánh đa dừa nướng giòn, thơm vị của dừa, vừng, lạc. Bánh đa nem có độ dày vừa phải, dẻo, dễ cuốn, ngâm nước vẫn dai không bị vỡ nát.
Gà đồi Yên Thế
Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có địa hình đồi núi trung du, diện tích rộng, tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu chăn thả. Trong đó, gà đồi là một trong những vật nuôi thế mạnh. Do được sinh trưởng trong môi trường đồi núi tự nhiên nên gà Yên Thế có vị thịt ngọt, đậm.
Bánh đúc Đồng Quan
Làng Đồng Quan, huyện Yên Dũng, có đặc sản bánh đúc. Bánh làm từ gạo tẻ ngon, xay rồi hòa nước vôi và nấu. Theo dân làng, khâu quan trọng nhất vẫn là nấu và quấy bánh, phải điều chỉnh ngọn lửa sao cho đều, lấy đũa cả quấy liên tục để bột không vón, không khê, rồi cho thêm lạc hoặc không. Bánh chín đổ ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào đĩa sẽ được bánh nhỏ. Vị ngọt của bột gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa và lạc tạo thành hương vị đặc trưng. Bánh chấm với tương bần hoặc mắm tôm.
Bắc Giang có thể đi và về trong ngày từ Hà Nội. Du khách cũng có thể kết hợp đi thăm một vài địa phương khác lân cận.
Thời tiết ở Bắc Giang tương tự Hà Nội nên du khách lưu ý chuẩn bị trang phục phù hợp cho chuyến đi.
Tâm Anh